Góc nhìn 22/01: Kết thúc điều chỉnh?
Phiên điều chỉnh giảm điểm thứ ba làm nhiều chuyên gia cho rằng thị trường đã hết điều chỉnh và sẽ hồi phục trở lại. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh thêm nữa trước khi cho thấy tín hiệu tăng trở lại.
Thiếu thông tin hỗ trợ
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2013 của khu vực thành phố Hồ Chí Minh được công bố vào cuối tuần trước khá tích cực song chỉ giúp hai sàn giao dịch khả quan vào đầu phiên sáng ngày 21/01.
Tâm lý thận trọng đang lấn át khi VNIndex không giữ thành công ngưỡng 460 điểm khiến giao dịch phiên đầu tuần trở nên kém tích cực. Hầu hết cổ phiếu đóng cửa với mức giá thấp nhất phiên. Thanh khoản sụt giảm mạnh do sự thận trọng ở cả hai chiều mua – bán.
Hiện tại, về phía kỹ thuật, VNIndex đang gặp rủi ro cao sẽ đối diện với nhiều ngưỡng kháng cự (445 – 430 - 415) điểm. Trong khi đó, về yếu tố cơ bản, VDS không nhận thấy sẽ có nhiều thông tin hỗ trợ thị trường trong tuần này. Xu hướng tích cực của lạm phát, nếu được duy trì, chỉ có thể làm giảm bớt áp lực bi quan hơn là có khả năng hỗ trợ thị trường. Do vậy, VDS khuyến nghị NĐT duy trì vị thế thận trọng, việc tham gia bắt đáy chỉ được cân nhắc khi thị trường phát tín hiệu đảo chiều và ở những cổ phiếu mà NĐT quen thuộc.
Tiếp tục điều chỉnh
CTCP Chứng khoán BIDV (BSC): Dấu hiệu không tích cực đầu tiên trong phiên 21/01 đến từ thanh khoản. Việc khối lượng tiếp tục sụt giảm mạnh cho thấy sức cầu hiện tại đang khá yếu, có vẻ như vùng giá hiện tại vẫn chưa đủ hấp dẫn để thu hút mua, do đó nhiều khả năng thị trường còn tiếp tục điều chỉnh trong các phiên tới.
Ngoài ra, quy mô mua ròng của khối ngoại cũng đang có biểu hiện suy giảm. Khối ngoại chỉ mua vào mạnh ITA, MBB và SSI còn các bluechip khác họ mua vào khá yếu thậm chí còn đảo chiều bán ròng nhẹ như HAG, VCB. Điều này rất đáng lưu ý vì thời gian vừa qua thị trường giữ nhịp được là nhờ khối ngoại đẩy mạnh mua bluechips. Việc giảm quy mô mua hoặc thậm chí đảo chiều xu thế của khối ngoại sẽ là rủi ro không nhỏ đối với thị trường trong thời gian tới.
Về mặt kỹ thuật, 2 chỉ số có khả năng điều chỉnh về mức Fibo retracement 38,2% tương đương khoảng 430 điểm đối với VN-Index và 58-59 điểm đối với HNX-Index.
Thị trường vẫn trong xu hướng tăng
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Phiên giao dịch đầu tuần đã khép lại với xu hướng điều chỉnh vẫn tiếp diễn, đà giảm của các chỉ số chính trên hai sàn HNX và HSX có dấu hiệu gia tăng so với phiên giao dịch cuối tuần trước. Quan sát diễn biến giao dịch, có thể thấy hầu hết các nhóm cổ phiếu đều tiếp tục giảm điểm trong phiên hôm nay với áp lực bán có dấu hiệu gia tăng do nhiều nhà đầu tư quyết bán ra để bảo toàn lợi nhuận.
Trong khi đó, sức cầu vào thị trường có phần thận trọng, dè dặt hơn với phần lớn cổ phiếu được giao dịch dưới giá tham chiếu. Thanh khoản vì thế có sự sụt giảm đáng kể so với các phiên giao dịch liên trước. Tuy vậy, điểm tích cực vẫn được ghi nhận khi tâm lý hoảng loạn, bi quan vẫn chưa xuất hiện tại nhóm nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu, dòng tiền hoạt động mạnh tại một số mã đầu cơ như SHB, VND, KLS cho thấy vẫn có bộ phận nhà đầu tư lạc quan vào xu thế thị trường. Về phía nhà đầu tư nước ngoài, xu hướng mua vào tiếp tục được duy trì, giá trị mua ròng đạt 32,3 tỷ đồng và tập trung tại một số mã quen thuộc như ITA, MBB, GAS.
Nhìn chung, sau giai đoạn tăng điểm khá dài như vừa qua thì lượng cung tích lũy khá lớn sẽ là nguyên nhân khiến cho xu thế điều chỉnh của các chỉ số có thể sẽ tiếp tục kéo trong tuần giao dịch này. Tuy nhiên, diễn biến điều chỉnh này là cần thiết để thị trường có thể xác lập vùng giá mới cũng như kích thích dòng tiền vào thị trường. Về xu thế, FPTS đánh giá tích cực vào khả năng tăng tiếp tục trưởng của thị trường trong trung hạn khi mà các chỉ báo kỹ thuật cũng như yếu tố thông tin vẫn đang cho tín hiệu khá lạc quan.
Trong những phiên giao dịch tiếp theo, nhà đầu tư nên chờ đợi thị trường cân bằng hơn trở lại để ra quyết định giải ngân hợp lý. Chúng tôi vẫn khuyến nghị nhóm cổ phiếu có cơ bản tốt để đón chờ những thông tin tốt và hạn chế được nhiều rủi ro nhất định từ thị trường.
Hồi phục trở lại
CTCP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS): Trong phiên hôm nay (21/1), VN-Index giảm 6.37 điểm (tương đương 1.40%) và HNX-Index giảm 0.89 điểm (tương ứng là 1.43%), đây là phiên giảm điểm thứ ba liên tiếp của 2 chỉ số.
Điều này xảy ra khi lực đỡ chính của thị trường là nhóm bluechips không còn duy trì được đà tăng điểm, và khá nhiều NĐT đã bán cổ phiếu để tránh rủi ro và hiện thực hóa việc chốt lời.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy trong phiên giao dịch đầu tuần, lực bán là không mạnh. Hiện tượng tiết cung đã xuất hiện, thể hiện qua việc thanh khoản giảm xuống dưới mức trung bình so với 2 tuần giao dịch trước. Kết hợp với việc giảm liên tiếp 3 phiên vừa qua, IVS cho rằng khả năng thị trường có sự phục hồi trong một vài phiên tới đây là rất cao.
Đây chỉ là những phiên bật kỹ thuật, khó tạo đột biến giúp thị trường tăng mạnh. Việc thông tin về chỉ số CPI của 2 thành phố TPHCM và Hà Nội cho thấy CPI tháng 1 khó có thể ở mức thấp. Điều này có khả năng sẽ tác động đến tâm lý NĐT trong giai đoạn tới đây
Giảm sâu về hỗ trợ 435
Công ty chứng khoán ACB (ACBS): Một điểm tích cực là khối lượng giao dịch đang giảm dần như ACBS mong đợi, cho thấy áp lực bán đang yếu dần. Tuy nhiên, các tín hiệu đảo chiều từ bản thân VN-Index chưa xuất hiện, do đó, ACBS vẫn cho rằng VN-Index có thể tiếp tục giảm sâu hơn về hỗ trợ mức mục tiêu 435.
Hiện mức hỗ trợ nhỏ 61 có thể giúp HNX-Index giảm tốc trong phiên 22/1. Xa hơn, chúng tôi vẫn kỳ vọng HNX-Index giảm về mức 59.
Chỉ báo RSI(14) hình thành tín hiệu Positive reversal với mức mục tiêu là 65,78. Tuy nhiên, chờ đợi các tín hiệu đảo chiều từ chỉ số HNX-Index vẫn là điều nên làm ở thời điểm hiện tại.
Sanh Tín tổng hợp (Vietstock)
FFN
|