Lộ trình cho chứng khoán phái sinh tại Việt Nam
UBCK đang xây dựng một Nghị định hướng dẫn riêng về tổ chức và giao dịch chứng khoán phái sinh để trình Chính phủ ban hành trong năm 2013. Trên cơ sở Nghị định, Sở GDCK Việt Nam và VSD sẽ xây dựng các Quy chế hướng dẫn về giao dịch và thanh toán, bù trừ.
* Thời điểm nào cho sản phẩm chứng khoán phái sinh tại Việt Nam?
UBCK cũng sẽ trình Bộ để bổ sung các quy định về tổ chức và hoạt động của các đối tượng tham gia TTCK phái sinh, quy định về công bố thông tin, quy định về cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán phái sinh (CKPS), quy định về thuế, phí trên thị trường CKPS... để bảo đảm một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ giúp cho thị trường vận hành hiệu quả, ổn định.
Theo đó, việc triển khai xây dựng TTCK phái sinh được gắn với việc tái cấu mô hình tổ chức thị trường theo đề án hợp nhất các Sở GDCK. Sàn giao dịch chứng khoán phái sinh là một trong ba sàn giao dịch thuộc Sở GDCK Việt Nam theo mô hình tái cấu trúc hai Sở GDCK hiện hành (HOSE và HNX) thành một Sở thống nhất.
Sàn giao dịch phái sinh vận hành song hành cùng sàn giao dịch cổ phiếu, sàn giao dịch trái phiếu. Hệ thống giao dịch CKPS sẽ được tổ chức gần giống với hệ thống giao dịch trên thị trường cổ phiếu, đó là hệ thống đấu giá khớp lệnh với các phiên giao dịch khác nhau.
Trung tâm LKCK Việt Nam (VSD) vẫn là đơn vị tổ chức việc thanh toán bù trừ cho các CKPS. Hệ thống thanh toán sẽ cần một Trung tâm TTBT (Clearing house) đóng vai trò là đối tác trung tâm (CCP- Central counterparty) bên cạnh hệ thống đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán hiện nay của VSD. Bộ phận TTBT với chức năng CCP sẽ đóng vai trò là người bán của mọi người mua và người mua của mọi người bán. Rủi ro thanh toán sẽ được đảm bảo bởi CCP sẽ là người chịu rủi ro cuối cùng.
Điều này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về chủ trương trong Quyết định phê duyệt Đề án phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011-2020 số 252/QĐ-TTg ngày 01/03/2012 trong Nhóm giải pháp về tái cấu trúc tổ chức thị trường "Tái cấu trúc mô hình tổ chức TTCK Việt Nam theo hướng (i) Tổ chức việc giao dịch chứng khoán theo hướng cả nước chỉ có một SGDCK; (ii) Phán định các khu vực thị trường thành thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh; (iii) Liên kết giữa SGDCK và TTLKCK để gắn kết mạnh hoạt động thanh toán, bù trừ và lưu ký chứng khoán với hoạt động giao dịch chứng khoán... ”
Dự kiến TTCK phái sinh sẽ đi theo hướng thị trường tập trung. UBCK đánh giá đây là lựa chọn phù hợ với điều kiện thực tiễn hiện nay và cho phép cơ quan quản lý có những chuẩn bị cho tất cả các công cụ gốc là chứng khoán, vàng, lãi suất, hối đoái và hàng hóa.
Thành viên tham gia TTCK phái sinh là ai?
Số lượng các CTCK hiện có trên TTCK Việt Nam là trên 100 công ty, trong đó, đa phần là các công ty có quy mô nhỏ và vừa. Trong năm 2010, 12 CTCK chiếm gần 50% thị phần môi giới, mỗi CTCK trong số 93 CTCK còn lại chỉ có thị phần là 1% hoặc thấp hơn. |
Do cơ chế thanh toán trên thị trường CKPS sẽ là cơ chế sẽ thanh toán/sẽ chuyển giao (quá trình thanh toán/chuyển giao sẽ được thực hiện trong tuơng lai) thay vì cơ chế thanh toán trước/chuyển giao trước như hiện nay (quy định pháp lý hiện hành yêu cầu nhà đầu tư muốn mua chứng khoán phải có đủ tiền và muốn bán chứng khoán phải có đủ chứng khoán trên tài khoản).
Vì vậy, khi tham gia thị trường CKPS, các CTCK thành viên phải có trách nhiệm cao hơn trong việc đảm bảo các nghĩa vụ thanh toán, là người đứng sau các giao dịch của khách hàng. Điều này đòi hỏi phải tăng các yêu cầu về vốn và một số yêu cầu khác (công nghệ, kinh nghiệm,...) so với các yêu cầu vốn trên TTCK cơ sở. Bên cạnh đó, chi phí cho việc tham gia vào thị trường phái sinh như làm thành viên của Đối tác trung tâm (CCP) và khoản tiền đặt cọc theo yêu cầu có thể lớn hơn lợi nhuận kỳ vọng do thị phần của các công ty này là thấp. Trên cơ sở đó thì chỉ một bộ phận các CTCK mà đáp ứng được các điều kiện của UBCK mới có thể làm tổ chức trung gian trên thị trường CKPS.
Về phía các ngân hàng hay các tổ chức tài chính khác, do các sản phẩm phái sinh chứng khoán được nhìn nhận là các loại “chứng khoán” theo Luật chứng khoán nên vai trò trung gian chứng khoán có thể chỉ được thực hiện thông qua các CTCK.
Thực tiễn hoạt động thị trường phái sinh tại Việt Nam
TTCK Việt Nam đã hình thành và phát triển hơn 12 năm nhưng vẫn chưa có thị trường phái sinh dựa trên các công cụ là chứng khoán để hỗ trợ nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro biến động giá. Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù chưa có quy định pháp lý cụ thể hướng dẫn thực hiện, các loại chứng khoán phái sinh phi chính thức vẫn tự phát ra đời. Trong giai đoạn tăng trưởng nóng của thị trường (2007-2008), các hợp đồng quyền chọn dựa trên cổ phiếu đã được giao dịch trên thị trường OTC mà CTCK là một bên giao dịch trực tiếp với khách hàng. Trong đó, có một số trường hợp UBCK đã có công văn yêu cầu ngừng triển khai vì chưa có khung pháp lý như việc Công ty Vàng thế giới (VTG) ra mắt sản phẩm mới gần giống hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu để đầu tư vào chỉ số chứng khoán Việt Nam và CTCK VnDirect cung cấp sản phẩm hợp đồng hợp tác đầu tư như một hợp đồng quyền chọn cổ phiếu.
Chính sự xuất hiện của các sản phẩm phái sinh đã thể hiện nhu cầu của các nhà đầu tư và đặt ra yêu cầu thiết lập một thị trường phái sinh dựa trên các tài sản cơ sở là chứng khoán, có cơ chế pháp lý đầy đủ.
Tại Việt Nam, phái sinh tiền tệ là công cụ phái sinh xuất hiện sớm nhất, chủ yếu ở các ngân hàng (Vietcombank, Techcombank, Eximbank, HSBC, Citibank…) nhưng số lượng khách hàng còn ít với khối lượng giao dịch khá nhỏ so với nhu cầu có thật của thị trường về phòng ngừa rủi ro tỷ giá và lãi suất.
Bên cạnh đó, trên thị trường hàng hóa, các giao dịch kỳ hạn và tương lai đối với các hàng hóa cơ bản như gạo, cà phê, cao su, thép được các doanh nghiệp sử dụng nhiều trên các Sở giao dịch phái sinh nước ngoài như COMEX (SDG vàng, cao su, tơ lụa và gia súc) hoặc LME (SGD kim loại London). Trong nước có ba sàn giao dịch là Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột, Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam và Sàn giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương tín đã bước đầu triển khai một số sản phẩm phái sinh. Cụ thể, SGD hàng hóa Việt Nam (VNX) thực hiện niêm yết và giao dịch hợp đồng tương lai của cà phê, cao su và thép thỏi cán nóng. Tuy nhiên, đa phần các giao dịch phái sinh mới chỉ dừng ở mức thăm dò, thử nghiệm, sự tham gia của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và nhà đầu tư còn hạn chế.
|
(Lược trính tham luận của TS Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK, tại “Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2013” do UBCK tổ chức vào ngày 09/01)
Minh Hằng ghi (Vietstock)
Ffn
|