Chủ Nhật, 29/07/2012 21:02

“Hi vọng thị trường chứng khoán Việt Nam có công cụ phái sinh”

“Tôi hi vọng thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều sản phẩm tài chính mới, ví dụ như các công cụ phái sinh”.

Đó là kỳ vọng của ông Andy Ho - Giám đốc Điều hành VinaCapital, trong cuộc trao đổi với chúng tôi quanh chủ đề phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông nói:

- Trong 12 năm vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Từ 25 công ty được niêm yết năm 2002, tới nay thị trường đã có hơn 300 công ty trong nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau.

Việc tuân thủ các điều kiện niêm yết và công bố thông tin của thị trường chứng khoán cũng giúp các công ty trở nên minh bạch hơn, tổ chức quản lý tốt hơn. Thị trường chứng khoán cũng giúp các doanh nghiệp niêm yết tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng hơn. Nhìn chung, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một khởi đầu hết sức thành công.

Trong thời gian tới, tôi hi vọng thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều sản phẩm tài chính mới, ví dụ như các công cụ phái sinh.

Thời gian gần đây, dòng vốn ngoại có xu thế rút dần ra khỏi thị trường. Là một trong những tổ chức nước ngoài đã và đang đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam, theo ông sự rút vốn này có đáng ngại không?

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, việc thoái vốn là hết sức bình thường. Khi nhà đầu tư đạt được lợi nhuận kỳ vọng cần chốt lời, hay mong muốn giảm bớt thua lỗ, hoặc cần phải tái cơ cấu danh mục đầu tư, họ sẽ phải thoái vốn. Quan trọng hơn cả là nguồn vốn mới có vào hay không?

Chúng ta nên nhìn nhận ở một bức tranh lớn hơn, cụ thể là tổng nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam so với nguồn vốn ra khỏi thị trường.

Để thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại thị trường, các nhà quản lý cần phải làm gì?

Câu chuyện về Việt Nam là câu chuyện về tăng trưởng kinh tế. Điều tôi thấy quan trọng lúc này là sự ổn định lâu dài của nền kinh tế. Nếu đạt được điều này, mọi vấn đề đều sẽ được giải quyết, thị trường chứng khoán sẽ hồi phục và nhà đầu tư sẽ quay lại thị trường.

Sáu tháng đầu năm, mức tăng trưởng kinh tế đang chậm lại do chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát nửa cuối năm 2011. Với lãi suất cho vay giảm từ 18% năm 2011 xuống khoảng 12-13%/năm như hiện tại, tôi hi vọng kinh tế sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm 2012 cũng như năm 2013. Thị trường chứng khoán cũng sẽ hồi phục khi kinh tế ổn định trở lại.

Theo ông, việc hợp nhất hai sở giao dịch trong tương lai sẽ có những tác động ra sao tới thị trường chứng khoán nói chung và các sở giao dịch chứng khoán nói riêng hiện nay?

Tôi cho rằng đây là một ý kiến rất hay. Việc này sẽ giúp mở rộng quy mô và tăng tính hiệu quả cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, cũng cần phải chú trọng tới chất lượng của việc niêm yết, vì không phải công ty nào cũng đáp ứng được tiêu chuẩn niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán.

Tình hình hoạt động của các quỹ do VinaCapital quản lý đến thời điểm này có điểm gì đáng nói, thưa ông?

Năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, thị trường chứng khoán không thuận lợi, nhưng các quỹ do VinaCapital quản lý đều tăng trưởng và có triển vọng tốt. Quỹ VOF tăng 3,6% trong năm tài chính 2012 trong khi VN-Index giảm 3,8% cùng kỳ.

Tú Uyên

tbktvn

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật