Thị trường chưa “mặn mà” với sản phẩm phái sinh
Theo Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), dự kiến thời gian tới, Sở sẽ đưa vào giao dịch một sản phẩm phái sinh đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt nam, đó là chứng chỉ quỹ ETF mô phỏng chứng chỉ quỹ ETF HNX 30.
Thực chất, ETF (Exchange-Traded Fund) là quỹ cho phép nhà đầu tư nắm giữ danh mục tài sản cơ cấu và giao dịch chứng chỉ quỹ trên sở giao dịch chứng khoán. Ưu điểm lớn nhất của chứng chỉ quỹ ETF là tính minh bạch khi danh mục đầu tư của quỹ và giá trị tài sản ròng được công bố hàng ngày.
Hiện nay, Vụ Quản lý quỹ, Ủy ban Chứng khoán đang dự thảo văn bản pháp quy về ETF, đồng thời phía HNX xây dựng Đề án đưa ETF vào giao dịch tại Sở. Theo kế hoạch, cuối năm nay HNX sẽ thử nghiệm hệ thống giao dịch chứng chỉ quỹ ETF, thông qua việc chọn lọc một số công ty chứng khoán và những tổ chức muốn thành lập quỹ, chạy trên môi trường giả đối chiếu với chỉ số HNX30.
Ông Nguyễn Anh Phong, Phó Tổng giám đốc, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, cho biết trên thị trường hiện có 5 quỹ đầu tư dạng đóng niêm yết, song tỷ trọng giao dịch đang thấp dần và các chứng chỉ quỹ này đều đang được giao dịch dưới mệnh giá và phải chịu mức chiết khấu lớn từ 20 -50%. Do đó, việc xây dựng hành lang cho quỹ mở và sắp tới là quỹ ETF tại thời điểm này là nhằm mục đích tăng cơ hội cho các công ty quản lý quỹ, đồng thời cung cấp nhiều hơn các sản phẩm đầu tư mới ra thị trường.
Ngoài ra, ông Phong cũng chỉ ra tính ưu điểm của quỹ ETF là loại sản phẩm kết hợp giữa quỹ đóng và quỹ mở, mang ưu điểm của cả hai loại quỹ. Điều đặc biệt là ETF được xây dựng trên danh mục cổ phiếu cơ sở nên sẽ cải thiện tính thanh khoản cho thị trường.
Tuy nhiên, bên cạnh lộ trình xây dựng và thực hiện khá khẩn trương của từ các cơ quan chức năng, thì phía các thành viên tham gia vào hoạt động giao dịch, như các công ty quản lý quỹ đóng vai trò tổ chức phát hành, các công ty chứng khoán đảm nhận công việc tổ chức lập quỹ, tổ chức môi giới, nhà tạo lập thanh khoản... lại chưa thấy có những động tĩnh đón chờ cơ hội mới này.
Ông Nguyễn Tiến Hoàng, Trưởng phòng marketing, Công ty chứng khoán IRS cho biết, hiện Công ty chưa có một kế hoạch gì cho việc tiếp cận, cũng như giới thiệu về sản phẩm phái sinh trên tới các nhà đầu tư của mình.
“Chúng tôi cũng đã tham gia buổi giới thiệu Đề án tổ chức và quản lý giao dịch chứng chỉ quỹ ETF của HNX và sau đó đã có tiếp xúc trao đổi với các nhà đầu tư, tuy nhiên phần lớn mọi người chưa đặt mối quan tâm cũng như kỳ vọng vào việc ra đời sớm của sản phẩm này trên thị trường,” ông Hoàng nói.
Trên thực tế, hầu hết các thành viên trên thị trường đều thống nhất cho rằng chứng khoán Việt Nam chưa có sản phẩm đa dạng, thiếu nhà đầu tư tổ chức làm nền tảng, do đó thị trường cần thiết phải có nhiều sản phẩm tài chính mới, ví dụ như các công cụ phái sinh.
Tuy nhiên, tại sao các nhà đầu tư và cả các công ty chứng khoán lại thiếu hào hứng tham gia vào quá trình xây dựng sản phẩm mới này, ông Nguyễn Anh Tuấn, một nhà đầu tư bám sàn lâu năm tại Hà Nội cho rằng, bản chất của đầu tư chứng khoán là đặt kỳ vọng vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Song, trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế còn rất u ám và công việc đầu tư trên thị trường niêm yết với các mã chứng khoán cụ thể còn đang phải đối mặt với vô số rủi ro, thì những nhà đầu tư nhỏ lẻ lấy đâu ra bản lĩnh và sự mạo hiểm để kỳ vọng vào các sản phẩm phái sinh vốn rất phức tạp.
Không chỉ bị chi phối bởi bối cảnh thị trường, nguyên nhân sản phẩm phái sinh chưa thu hút được sự chú ý của giới đầu tư, theo ông Nguyễn Công Tuấn, Chuyên viên phân tích, Công ty chứng khoán Thăng Long còn là vì sản phẩm phái sinh nói chung, chứng chỉ quỹ ETF nói riêng vốn là sản phẩm tài chính rất phức tạp và tính rủi ro rất cao, muốn đầu tư cần phải nắm chắc kiến thức về thị trường.
Chứng chỉ quỹ ETF là sản phẩm cấu thành từ hàng hoá cơ bản, mục tiêu ban đầu của sản phẩm phái sinh là hạn chế tính rủi ro. Song trên thực tế, mục tiêu này lại luôn bị che khuất mà thay vào đó là tính chất đầu cơ rất cao.
“Do đó, muốn triển khai sản phẩm trên thị trường cần phải có một thời gian tiếp cận để thấy hết được các tính chất phức tạp của nó, bởi trên thực tế ngay cả các chuyên viên phân tích và môi giới chứng khoán ở Việt Nam cũng đều thuần tuý hiểu biết sản phẩm phái sinh dưới góc độ lý thuyết mà thôi,” ông Tuấn nói.
Nhà đầu tư, Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, việc đưa ra thị trường sản phẩm phái sinh đã được các cơ quan dự định từ rất lâu, nhưng đến nay, theo quan sát chưa một công ty chứng khoán nào công bố trên bản tin giới thiệu và quảng bá cho nhà đầu tư tiếp cận với sản phẩm này
Dưới góc độ một chuyên gia tài chính, ông Phan Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Quỹ Dragon Capital, lại cho rằng đưa ra một sản phẩm phái sinh có nghĩa là cung cấp thêm công cụ đầu tư mới cho thị trường chứng khoán, vốn đang khá đơn điệu như hiện nay. Điểm đáng chú ý, đầu tư một sản phẩm phái sinh yếu tố quan trọng không phải là vốn mà là mức độ nhận định tình huống, vì vậy nhà đầu tư phải có một quá trình làm quen, nếm trải thử thách và thậm chí là cả “lệ phí” để có nắm bắt, đầu tư một cách thuần thục.
“Vì vậy đưa sản phẩm phái sinh vào thời điểm thị trường sôi động, thì mức độ rủi ro và “chi phí” làm quen với sản phẩm sẽ cao hơn rất nhiều so với việc trải nghiệm sản phẩm ở vào thời điểm thị trường thấp như hiện nay. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng sẽ có nhiều thời gian tìm hiểu về sản phẩm mới, trong điều kiện thị trường vốn đang trầm lắng,” ông Tuấn nói./.
Linh Chi
Vietnam+
|