3/5 quỹ niêm yết sẽ chuyển thành quỹ mở
3 quỹ niêm yết gồm VFMVF4, VFMVFA và MAFPF1 cơ bản đã đáp ứng các điều kiện của việc chuyển đổi thành quỹ mở cũng như đã được Đại hội nhà đầu tư thông qua. Tuy nhiên, thời gian bao lâu để hoàn tất việc chuyển đổi vẫn còn là một câu hỏi khó cho các nhà quản lý quỹ.
Quỹ mở - Chặng đường vẫn còn chông gai
Đến thời điểm này, cả 5 quỹ niêm yết đã hoàn tất Đại hội nhà đầu tư thường niên. Và 3 trong số đó đã thông qua chủ trương chuyển đổi thành quỹ mở, gồm VFMVF4, VFMVFA và MAFPF1. Có thể thấy, điều kiện chuyển đổi thành quỹ mở không phải là vấn đề đáng quan ngại hiện nay bởi vì các quỹ trên cơ bản đều đáp ứng quy định chuyển đổi theo Thông tư 183.
Tuy đã được Đại hội thông qua về chủ trương, về cơ bản thì các Công ty quản lý quỹ cũng đã xây dựng xong khung đề án chuyển đổi nhưng chặng đường chuyển đổi dường như vẫn còn nhiều chông gai. Công ty quản lý quỹ vẫn chưa có thể kiểm soát được về tiến độ chuyển đổi với những rào cản về khoảng trống pháp lý hiện nay. Hiện Thông tư 183 hướng dẫn chuyển từ quỹ đóng sang quỹ mở đã có nhưng những hướng dẫn chi tiết thực hiện vẫn chưa được ban hành.
Như vậy mặc dù những nút thắt đã được tháo gỡ nhưng bài toán quỹ mở vẫn còn đó những ẩn số đòi hỏi sự can thiệp của cơ quan quản lý.
Hiện VF4 dự kiến sẽ mất 90 ngày để điều chỉnh danh mục và 8 tháng cho việc chuyển đổi, còn VFA chỉ cần 4 tháng chuyển đổi và dự kiến sẽ hoàn tất vào giữa tháng 12/2012. Riêng PF1 cần 9 đến 12 tháng để hoàn tất chuyển đổi. Nếu mọi việc thuận lợi và theo đúng kế hoạch thì VFA sẽ là đơn vị đầu tiên chuyển đổi thành công qua quỹ mở vào cuối năm 2012 này.
Ngoài ra, chứng chỉ quỹ phải tạm ngừng giao dịch trong quá trình chuyển từ quỹ đóng sang quỹ mở. Nếu thị trường có những biến động mạnh cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến túi tiền nhà đầu tư.
Những lưu ý khi gia nhập quỹ mở
Mặc dù quỹ mở có những ưu điểm hơn quỹ đóng như cho phép các nhà đầu tư chủ động hơn trong đồng vốn của mình nhưng vẫn có vài yếu tố cần cân nhắc khi tham gia mua chứng chỉ quỹ mở.
Theo phòng nghiên cứu Vietstock, có một số điểm mà nhà đầu tư cần hiểu rõ trước khi tham gia mua chứng chỉ quỹ mở như:
- Lợi suất tiềm năng của danh mục sẽ giảm do quỹ mở phải duy duy trì một lượng tiền mặt khá lớn để phòng cho việc phải mua lại một số lượng lớn chứng chỉ quỹ.
- Cơ cấu đầu tư vốn của quỹ mở không ổn định do công ty quản lý quỹ chịu áp lực phải mua lại chứng chỉ quỹ khi có yêu cầu của nhà đầu tư. Từ đó, tăng trưởng NAV nhiều khả năng khó có đột biến do áp lực rút vốn này.
- Khi chứng khoán trong danh mục bị hủy niêm yết hay thuộc diện giải thể…khiến NAV không xác định được thì nhà đầu tư vẫn có thể bị công ty quản lý quỹ từ chối mua lại chứng chỉ quỹ.
Ngoài ra, khi không thể xác định được NAV, hoặc khi công ty không bán được tài sản trong danh mục đầu tư, và một khi yêu cầu mua lại không thể thực hiện thì chứng chỉ quỹ mở có thể phải tạm ngừng giao dịch.
Tại hội nghị nhà đầu tư của VFMVF1, đại diện quỹ này cũng có nêu lên 5 hạn chế và 3 rủi ro khi chuyển đổi sang quỹ mở. Trong đó có lưu ý rằng, với quỹ mở thì nhà đầu tư sẽ phải giao dịch trực tiếp với công ty quản lý quỹ thông qua các đại lý nhận lệnh. Thời gian giao dịch áp dụng cho quỹ mở sẽ là T+7 thay cho T+4 như hiện nay, còn kỳ hạn giao dịch sẽ là tối thiểu 2 lần/tháng.
Bên cạnh đó, Luật quy định trong mỗi lần giao dịch, nhà đầu tư có thể rút tối đa đến 10% NAV của quỹ. Nếu việc này xảy ra liên tục thì chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, NAV của quỹ có thể xuống dưới 50 tỷ đồng là mức phải ngừng giao dịch, và dưới 30 tỷ đồng thì quỹ không còn đủ điều kiện để tồn tại nữa.
Bội Mẫn (Vietstock)
Finfonet
|