Thứ Ba, 28/02/2012 00:19

Quỹ mở, chưa thể mở từ 1/3

Khung pháp lý để quỹ đóng chuyển sang quỹ mở đã có, nhưng theo tìm hiểu của ĐTCK, các quỹ, NĐT không mấy mặn mà với việc này. 

Khi ban hành Thông tư 183/2011 về hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở  (QM), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) kỳ vọng sẽ có những “ông lớn” trong ngành quỹ sớm cho ra mắt các sản phẩm QM sau ngày 1/3, thời điểm văn bản này có hiệu lực. Nhưng chuyển động thực tế lại không mấy lạc quan.

“Khoảng trống” pháp lý

Với “khoảng trống” pháp lý điều chỉnh hoạt động của QM hiện tại, các công ty quản lý quỹ đang như gà mắc tóc trong nỗ lực cho ra mắt các sản phẩm QM. Phó tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ lớn cho biết, tuy các quy định pháp lý cho phép QM ra đời và hoạt động đã cơ bản được định hình, nhưng những quy định mang tính cấp thiết phục vụ cho mô hình quỹ này vận hành trên thực tế còn nhiều “khoảng trống”. Trong đó, bức xúc nhất là hiện vẫn chưa có hướng dẫn về cơ chế thuế và chế độ kế toán đối với mô hình QM.

Ít nhất có 2 luồng ý kiến liên quan đến “khoảng trống” này, nhưng đều tỏ ý quan ngại. Ý kiến thận trọng cho rằng, bất cập này dễ khiến các quỹ đối mặt với rủi ro khó được UBCK cấp phép thành lập QM sớm như kỳ vọng. Khi rơi vào tình huống này, ban đại diện quỹ không dễ “ăn nói” với người góp vốn về lý do chậm trễ ra mắt sản phẩm mới. Quan điểm lạc quan nhìn nhận, vướng mắc trên có thể không ảnh hưởng nhiều đến quá trình cấp phép ra đời QM. Lý do là hiện không có bất kỳ quy định nào ràng buộc phải có cơ chế thuế và chế độ kế toán thì mới được thành lập QM. Bởi vậy, về nguyên tắc, khi các công ty quản lý quỹ trình hồ sơ xin phép thành lập QM, hoặc nộp hồ sơ xin chuyển đổi từ quỹ đóng sang QM, thì UBCK phải xem xét cấp phép. Có thể quá trình cấp phép bị trì hoãn, nhưng không thể quá lâu. Cơ sở của cái nhìn lạc quan này là đã từng có tiền lệ, trước đây sau khi quỹ đóng được thành lập, thì hơn một năm sau cơ quan quản lý mới có hướng dẫn về chế độ kế toán áp dụng cho mô hình quỹ này…

Rõ ràng sự thiếu đồng bộ về pháp lý đang đẩy các quỹ rơi vào tình cảnh “đoán mò” về thời điểm được cấp phép thành lập QM. Với diễn biến này, kỳ vọng về sự sớm ra đời của lớp sản phẩm quỹ mới, nhằm góp phần tạo cú hích cho sự xuất hiện các NĐT tổ chức chuyên nghiệp, qua đó, hỗ trợ thiết thực cho TTCK trong bối cảnh khó khăn hiện tại, khó hiện thực hóa như mong đợi của cả cơ quan quản lý lẫn các quỹ.

Quỹ đóng ngại… quỹ mở

Tuy Thông tư 183/2011 đã hướng dẫn chi tiết các quỹ đầu tư dạng đóng được chuyển sang QM, nhưng theo tìm hiểu của ĐTCK, các quỹ, NĐT không mấy mặn mà với việc này. Thậm chí, theo lãnh đạo một công ty QLQ, những quỹ còn thời hạn hoạt động dưới 2 năm đã lên kế hoạch đóng quỹ, do nếu được NĐT thông qua thì việc chuyển đổi phải mất hàng năm, nên nếu chuyển đổi thành công thì thời gian hoạt động còn lại cũng không nhiều. Với những quỹ còn thời hạn hoạt động dài hơn, thì đến thời điểm này, hầu như chưa định hình việc có chuyển đổi mô hình hoạt động hay không.

Sự lừng chừng trên được các quỹ lý giải là do quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động của QM chưa đồng bộ, khiến NĐT rất e ngại rủi ro về tính bất định của thời gian chuyển đổi. Một khi ban đại diện quỹ không thể khẳng định về thời điểm sẽ hoàn tất việc chuyển đổi mô hình hoạt động càng khiến nhiều NĐT có tâm lý muốn đóng quỹ.

TTCK kém sôi động kéo dài khiến các chứng chỉ quỹ có tỷ lệ chiết khấu tăng chưa dừng lại và cao đến mức “có một không hai” trên thế giới, tiếp tục gây áp lực đóng quỹ. Thậm chí, có câu hỏi bi quan đặt ra, với diễn biến TTCK èo uột kéo dài, việc huy động quỹ là rủi ro lớn khi cơ hội đầu tư không nhiều, nếu không muốn nói là hiếm?

Trước khi đại hội NĐT sắp diễn ra, các quỹ đang cố gắng nghe ngóng nhu cầu của NĐT, để đưa ra đường hướng chuyển đổi mô hình hoạt động. Nhưng xem ra nỗ lực này không ăn thua, bởi số lượng chứng chỉ quỹ do NĐT nhỏ lẻ nắm hiện khá phân tán. Mặt khác, mọi chuyện đều có thể thay đổi tại đại hội NĐT, khi theo quy định phương án chuyển đổi phải được số NĐT đại diện cho ít nhất 75% tổng số đơn vị quỹ đang lưu hành thông qua.

Tỷ lệ này là khá cao và các quỹ không dễ vượt qua. Bởi vậy, trước thềm mùa đại hội NĐT năm nay, các công ty quản lý quỹ đang đau đầu tìm lý lẽ để giải đáp cho một câu hỏi nóng, mà NĐT sẽ đặt ra tại đại hội là quỹ có chuyển sang QM không, nếu chuyển thì theo phương án nào, bao giờ hoàn tất?

Khi đối diện với những thắc mắc trên, hẳn các công ty QLQ không dễ trả lời chừng nào Bộ Tài chính, UBCK chưa phát đi tín hiệu cụ thể về thời điểm ban hành hướng dẫn cơ chế thuế và chế độ kế toán áp dụng đối với QM, hoặc trong trường hợp chưa thể sớm ban hành hướng dẫn này, thì có biện pháp xử lý tình thế nào không?

Tân Văn

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   10 quỹ ETF “đẻ trứng vàng” năm 2012 (24/02/2012)

>   Quỹ mở là tương lai của ngành quản lý quỹ (01/02/2012)

>   Quỹ đầu tư BĐS: Bao giờ cho đến… bao giờ? (09/01/2012)

>   Quỹ mở: Không phải tất cả đều “màu hồng”! (08/01/2012)

>   Thông tư 183: Những điểm cần lưu ý khi giao dịch chứng chỉ quỹ mở (02/01/2012)

>   Chứng chỉ Quỹ mở ngừng giao dịch khi yêu cầu mua lại không thể thực hiện (02/01/2012)

>   Thông tư 183: Quỹ đóng chuyển thành quỹ mở phải có NAV tối thiểu 50 tỷ đồng (02/01/2012)

>   Quỹ đầu tư bất động sản: Lợi ích và rủi ro (01/01/2012)

>   Chạy theo ETF - May nhờ rủi chịu (04/10/2011)

>   Ứng xử với “dòng vốn nóng” từ ETF (20/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật