Thứ Ba, 20/09/2011 08:15

Ứng xử với “dòng vốn nóng” từ ETF

Để TTCK không bị méo mó và phụ thuộc vào dòng vốn nóng từ ETF, Việt Nam cần tìm ra một lời giải thông minh, mà theo nhiều chuyên gia, đó là phát triển cơ số nhà đầu tư tổ chức và các định chế tài chính trung gian trong nước làm trụ cột trên thị trường.

Từ ngày 19/9, FTSE Group loại bỏ FPT và HSG ra khỏi chỉ số FTSE Vietnam Index, thay thế bằng hai cổ phiếu MSN và IJC. Ảnh hưởng từ sự thay đổi trên, Quỹ đầu tư chỉ số (ETF) Market Vectors Vietnam (VNM) tái cơ cấu giảm danh mục từ 32 xuống còn 30 mã cổ phiếu. Một bộ phận NĐT nội địa nhanh nhạy đã và đang bắt nhịp ngay với chuyển động mới này.

Hiện tượng mới: cổ phiếu IJC

Khi các tin tức loan tải, ngay lập tức trên diễn đàn f319 xuất hiện lời hiệu triệu các thành viên mua vào cổ phiếu IJC của CTCP Đầu tư hạ tầng Becamex. Chỉ sau 2 ngày "ra đời", topic "IJC có trong danh mục FTSE" đã thu hút 4.200 lượt truy cập với hơn 400 comment (bình luận). Không rõ do "hiệu ứng" từ FTSE hay do thông tin từ f319 mà giá cổ phiếu IJC bùng nổ mạnh mẽ, nhiều phiên tăng trần liên tục. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, bất chấp việc VN-Index điều chỉnh mạnh đến mức thúc thủ quay đầu, IJC vẫn tím ngắt, dư mua gần 900.000 đơn vị giá trần. Tổng cộng toàn phiên có hơn 6 triệu cổ phiếu được đặt mua. Theo thống kê từ HOSE, với số cổ phiếu đã sang tên, NĐT nội địa mua là chính, khối NĐT nước ngoài chỉ mua khoảng 25%.

Ngoài IJC, diễn biến các cổ phiếu liên quan đến sự thay đổi của FTSE Vietnam Index cũng rất khác nhau. Cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan đã điều chỉnh giảm sau chuỗi tăng giá ấn tượng. Dù chịu rớt sàn phiên cuối tuần, nhưng cổ phiếu này vẫn nhận được sự quan tâm từ khối ngoại khi giá trị mua ròng cao nhất thị trường. Trong khi đó, cổ phiếu  FPT và HSG đã bị bán ròng, mặc dù tuần trước đó đã giảm khá mạnh. NĐT Lê Duy Chuẩn tại CTCK Vietcombank (VCBS), Chi nhánh TP. HCM tỏ ra tiếc nuối vì trước đó đã dự báo hai cổ phiếu bị VNM bán ra sẽ giảm giá, hai cổ phiếu mới đưa vào sẽ tăng giá, nhưng không phản ứng kịp. NĐT này nắm giữ FPT từ cuối năm ngoái và chưa bao giờ hòa vốn.

Chuyên viên môi giới của CTCK TP. HCM (HSC) Lê Thị Ái Thuyên cho biết, thực tế với cổ phiếu FPT hay HSG ở vùng giá hiện tại không nhiều NĐT có lãi, nên gần như không phản ứng gì với việc Quỹ ETF VNM thoái danh mục. Ngược lại, cổ phiếu IJC được khá nhiều khách hàng nội địa săn đón. Tuy nhiên, rất ít lệnh khớp được vì cầu vượt quá cung. Trái với sự hấp dẫn từ IJC ở vùng giá thấp, nhiều NĐT không dám mạo hiểm "đánh đu" với cổ phiếu MSN. Theo giải thích của chuyên viên môi giới HSC, lý do là cổ phiếu MSN đã tăng giá quá nhanh, thị giá cao nhất thị trường, nên không thu hút các NĐT "lướt sóng".

Ứng xử với ETF

Giám đốc môi giới CTCK Rồng Việt (VDSC), ông Nguyễn Chí Trung cũng thừa nhận, dù VDSC đang tư vấn cho khách hàng theo hướng dài hạn hơn, nhưng cổ phiếu IJC trở thành một cơ hội sáng giá cho các NĐT "lướt sóng", thích đánh nhanh rút gọn.

Ông Trung đánh giá, tiêu chí hoạt động của các ETF mang tính mô phỏng chỉ số, "rổ" cổ phiếu họ chọn lựa theo sát với diễn biến của các chỉ số chứng khoán. Về dài hạn, tiêu chí này không phù hợp với phong cách đầu tư của các NĐT nội địa hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Trung, cổ phiếu nào được các quỹ ETF mua vào sẽ có sự hỗ trợ tốt hơn về giá so với các cổ phiếu họ bán ra. Đây là lý do khiến thực tế thị trường vẫn đang nhú mầm các cơ hội.

Sự xuất hiện của ETF từng làm xuất hiện một trường phái đầu tư "ăn theo" mới tinh ở TTCK Việt Nam: lướt sóng theo nhóm cổ phiếu "tứ trụ" (BVH, MSN, VNM, VIC) và dẫn tới cuộc chạy đua đặt lệnh mua IJC mới đây.

Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích CTCK KimEng nhận định, chiến lược đầu tư "ăn theo" quỹ ETF có lẽ thích hợp với các tổ chức đầu tư lớn hơn là các NĐT cá nhân (nhằm giúp tài sản ròng biến động tương đương với chỉ số chứng khoán). Tuy nhiên, theo ông Khánh, có một hiện tượng gần đây NĐT nên lưu ý: tin xấu công bố lại khiến cổ phiếu tăng mạnh (VSP, HQC...), cổ phiếu giảm khi công bố tin tốt. Diễn biến này cho thấy, thị trường đang bị đầu cơ rất mạnh và biến động ngắn hạn của giá cổ phiếu phụ thuộc vào dòng tiền. "Nếu biết ETF lái dòng tiền vào cổ phiếu nào thì có thể đó là cơ hội", ông Khánh đánh giá.

Các quỹ ETF bắt đầu gia tăng ảnh hưởng ở TTCK Việt Nam từ nửa cuối năm 2010 khi các quỹ truyền thống hết tiền mặt. Năm ngoái, chỉ số VN-Index suy giảm không đáng kể, nhưng đại đa số cổ phiếu lại mất giá rất mạnh. Hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng" trên dẫn đến sự ác cảm của đa số công chúng đầu tư dành cho các quỹ ETF. Thực tế đã xuất hiện quá nhiều phàn nàn từ công chúng đầu tư về một VN-Index "méo mó". Thậm chí, còn xuất hiện một số quan điểm cực đoan nêu vấn đề cần quản lý hay cấm sự hiện diện của loại quỹ ETF tại TTCK Việt Nam. Sau nhiều ồn ào, cuối cùng, Sở GDCK TP. HCM đã ứng xử bằng việc cho ra đời chỉ số VN-30. Thời điểm ra mắt hoạt động của chỉ số này vào đầu năm tới.

Một lần nữa các ETF lại gây sự chú ý trên TTCK Việt Nam và đây chắc chắn chưa phải lần cuối cùng. Nên ứng xử ra sao với các ETF? Ông Hồ Quốc Tuấn, Nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Manchester Anh Quốc, ví von: "TTCK Việt Nam hiện nay giống như một khách sạn lưu trú. Trong khách sạn, các định chế tài chính nội địa và quỹ đầu tư nước ngoài huy động vốn đầu tư để vào Việt Nam đóng vai trò khách thường trú dài hạn. ETF giống như khách vãng lai. Khi lượng khách thường trú dài hạn mới chiếm 10% số phòng thì đương nhiên chuyện đi và đến của các vị khách vãng lai sẽ bị quan trọng hóa. Nếu khách thường trú dài hạn tăng lên 50%, tâm lý thị trường sẽ chuyển biến theo hướng khác".

Theo ông Tuấn, ứng xử với dòng vốn nóng từ ETF là vấn đề mà các thị trường mới nổi hay cận biên đều đã từng đối mặt. TTCK Việt Nam đi sau nên có cả kho kinh nghiệm để học tập. Để thị trường không bị méo mó và phụ thuộc vào dòng vốn này, Việt Nam cần tìm ra một lời giải thông minh, mà theo nhiều chuyên gia, đó là phát triển cơ số nhà đầu tư tổ chức và các định chế tài chính trung gian trong nước làm trụ cột trên thị trường.

Giang Thanh

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   20/09: Bản tin 20 giờ qua (20/09/2011)

>   Ngày 19/09: Khối ngoại trở lại mua ròng nhẹ 9.5 tỷ đồng  (19/09/2011)

>   TTCK cũng cần một “bàn tay sắt” (19/09/2011)

>   UBCK yêu cầu giải tỏa 16 tài khoản liên quan đến vụ làm giá DVD (19/09/2011)

>   Nhiều NĐT "điếc không sợ súng" (19/09/2011)

>   Nhà tạo lập có muốn giá cổ phiếu rơi thẳng đứng? (19/09/2011)

>   Tiếng nói nhà đầu tư: Lạc quan về con “Sóng” mới (19/09/2011)

>   19/09: Bản tin đầu tuần (19/09/2011)

>   Sự kiện doanh nghiệp niêm yết tuần 19 – 23/09 (18/09/2011)

>   Khối ngoại gia tăng đầu tư vào ngành dược (17/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật