Thứ Hai, 19/09/2011 06:30

Nhà tạo lập có muốn giá cổ phiếu rơi thẳng đứng?

Nếu quả thực thị trường bị đánh xuống thẳng đứng, mục đích của nhóm đánh xuống có lẽ không đơn thuần liên quan đến chứng khoán hoặc phục vụ thuần túy cho hoạt động đầu cơ cổ phiếu. Một chỉ dấu hết sức quan trọng nhằm phát hiện và phân tích mục đích này có lẽ cần phát xuất từ... thị trường BĐS.

Thị trường chứng khoán (TTCK) thật kỳ lạ! Đúng vào lúc mặt bằng lãi suất đang trên đà được kéo giảm, khi con sóng đang dâng trào cùng với sự tham gia trở lại đầy hưng phấn của dòng tiền đầu cơ, cộng với một nhân tố mới là dấu hiệu xuất hiện của dòng tiền mới chảy từ kênh tiết kiệm của ngân hàng vào cổ phiếu..., thì thị trường đột ngột đảo chiều!

Nhà đầu tư lại một lần nữa phải đau đầu với câu hỏi: gần tương tự như thời điểm giữa tháng 6/2011, niềm tin đang trở lại với thị trường sau chuỗi dài thất vọng xen lẫn tuyệt vọng. Nhưng lần này còn thuận lợi hơn hẳn bởi những tín hiệu hồi sinh đầu tiên của nền kinh tế đang chớm hiện ra; vậy tại sao thị trường, hay nói đúng hơn là nhà tạo lập thị trường, lại tự đánh mất ngọn lửa mà đã phải khó khăn lắm mới khơi cháy được?

Ba phiên giảm mạnh của chỉ số HNX, đặc biệt là phiên giảm cuối tuần qua, đã gần như chính thức đặt thị trường vào xu thế giảm. Với sàn Hà Nội, mẫu hình đồ thị giảm quả thực là xấu. Còn với sàn HOSE, dù mới chỉ giảm mạnh một phiên nhưng "bù" lại, chỉ số VNI đã kịp tạo lập mô hình hai đỉnh đầy đe dọa, mà cứ bằng vào những bài học trong quá khứ thì đã có không biết bao nhiêu lần sau mô hình hai đỉnh như vậy, thị trường rơi vào tình trạng lao dốc thảm thiết.

Có vẻ như tất cả mọi chuyện đến giờ phút này đều do những "tội đồ" MSN, BVH,... gây ra. Chẳng kém cạnh gì nhóm cổ phiếu nhỏ và siêu nhỏ, trong suốt chiều dài con sóng tăng của thị trường từ giữa tháng 8 đến gần giữa tháng 9/2011, những cổ phiếu có vốn hóa siêu lớn này được tái hiện kịch bản làm giá, tạo nên mức tăng trưởng đầy thèm muốn và gợi lại hình ảnh đầu tư chỉ số thị trường của các quỹ ETF.

Nhưng kết quả là, lên càng cao thì xuống càng mạnh. Đợt giao dịch cuối cùng trong phiên cuối tuần qua đã cho thấy lượng ATC đổ ra bán tháo đối với MSN và BVH là nhiều đến thế nào, trong lúc bên mua hoàn toàn chùn tay. Với thế lệch pha quá lớn về tương quan cung - cầu như thế, chẳng khó gì cũng thấy ít nhất về điểm số, thị trường sẽ tiếp tục bị mất mát giá trị cho đến khi nào lượng bán tháo tại những cổ phiếu trên giảm hẳn.

Diễn biến về khối lượng và giá trị giao dịch trong tuần qua cũng dường như lặp lại lịch sử của giai đoạn tháng 12/2010 và tháng 6/2011 - cũng xuất hiện một cột giá trị giao dịch cao đột biến, tiếp sau đó là những cột giao dịch thấp dần.

Nhìn xa hơn nữa về quá khứ, có thể thấy đợt tăng vừa qua có một số nét trùng hợp với con sóng tăng vào tháng 4/2010, trong đó nổi bật là chiến thuật đẩy và duy trì nhóm cổ phiếu bluechip ở một tỷ lệ vừa phải nhằm đẩy mạnh mặt bằng giá của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Thực tế vừa qua cũng cho thấy nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ trên hai sàn, đặc biệt là sàn Hà Nội, đã đạt mức tăng mạnh hơn cổ phiếu lớn. Và cũng như hậu con sóng tháng 4/2010, thị trường quay ngoắt phũ phàng không chỉ bởi nhóm cổ phiếu lớn mà còn được cộng hưởng bởi đà bán tháo không thương tiếc tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Với cách giảm trong 3 phiên cuối tuần qua, thật khó nêu ra lý do để có thể hy vọng về làn sóng tiếp nối có thể hình thành trong thời gian tới. Về lý thuyết, thị trường vẫn có thể tiếp tục hồi phục, với điều kiện tiên quyết là dòng tiền phải xuất phát từ tổ chức và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip chứ không phải nhóm cổ phiếu vừa và và nhỏ. Động thái này phải được tiến hành một cách ổn định và mang màu sắc bền vững, làm sao duy trì được thế đi lên từ từ của chỉ số và giữ được niềm tin cho nhà đầu tư, nhất là số nhà đầu tư đang chớm dùng tiền tiết kiệm thảy vào chứng khoán.

Tuy nhiên, việc nhà tạo lập thị trường tự nguyện đánh mất lửa trong những phiên vừa qua đã biến tình thế trở nên rất khó hiểu. Với cú lao dốc cuối tuần qua, sẽ phải mất một thời gian nhiều hơn để lấy lại thế cân bằng và sinh khí cho thị trường.

Nhưng giả dụ nhà tạo lập thị trường không còn cần đến cái sinh khí và sự tái cân bằng của thị trường? Đây là một giả thuyết không phải là không thể xảy ra, nếu căn cứ vào việc nó đã từng xảy ra khá nhiều lần trong hai năm qua. Nếu giả thuyết này có cơ sở, chủ đích của các tổ chức lớn trong việc đánh lên con sóng vừa qua chỉ nhằm thoát hàng, và do vậy con sóng đó đã thực sự lập đỉnh.

Khả năng thị trường lập đỉnh đã được chúng tôi đặt ra trong nhận định vào đầu tuần trước. Tuy thế, hiện thời vấn đề mà chúng ta cần quan tâm hơn cả là cách thức suy giảm của thị trường. Có thể vào vài phiên đầu tuần này, thị trường sẽ phản ứng tăng, nhưng ứng với xu thế điều chỉnh, những phiên sau đó lại giảm. Vậy thị trường sẽ giảm theo mô hình răng cưa với độ choãi lớn hay giảm dốc đứng?

Với một phần niềm tin của nhà đầu tư còn được níu giữ, cộng với xu thế giải chấp đã kết thúc từ cuối tháng 5/2011 và tình trạng nhiều cổ phiếu đã rớt giá quá sâu, thường thì thị trường sẽ suy giảm từ từ, xen kẽ những phiên phục hồi, gần giống như giai đoạn tháng 12/2008-1/2009.

Nhưng sẽ thật sự ngạc nhiên nếu sắp tới thị trường giảm dốc đứng. 3 phiên lao dốc cuối tuần qua đã phần nào thể hiện hình ảnh đó. Muốn sự thể hiện này được hoàn hảo, thị trường không thể được để cho vận động theo cách tự nhiên mà cần phải có tác động đánh xuống, chẳng hạn thông qua thủ thuật vay mượn cổ phiếu để bán khống.

Nếu quá trình đánh xuống được thực thi và thị trường lao dốc thẳng đứng, thậm chí cho chỉ số HNX phá vỡ cả đáy cũ 65 điểm của nó, có thể nói nhà tạo lập thị trường không còn quá quan tâm đến việc thoát hàng nữa (có chăng chỉ là một số tổ chức nước ngoài và nhà đầu tư cá nhân). Hàng của tổ chức lớn có thể đã được thoát cơ bản trong con sóng vừa qua, hoặc cũng có thể vẫn còn găm lại. Vậy thì nhà tạo lập thị trường quan tâm đến điều gì, mục đích của họ là gì nếu họ làm cho thị trường giảm dốc dứng?

Câu trả lời có vẻ đơn giản: đánh xuống để gom hàng rồi đánh lên. Nhưng động cơ này có vẻ khá mâu thuẫn với việc chính tổ chức điều khiển thị trường đã không tận dụng cơ hội giảm lãi suất để đẩy thị trường lên cao hơn nữa. Mặt khác, nếu thị trường giảm thẳng đứng thì lại một lần nữa, niềm tin vừa chớm hồi sinh của các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ bị triệt tiêu, gây ra nỗi sợ hãi và thất vọng còn lớn hơn cả thời gian trước đây.

Nếu quả thực thị trường bị đánh xuống thẳng đứng, mục đích của nhóm đánh xuống có lẽ không đơn thuần liên quan đến chứng khoán hoặc phục vụ thuần túy cho hoạt động đầu cơ cổ phiếu. Như chúng tôi đã đề cập ở trên, sẽ thật ngạc nhiên nếu thị trường rơi mạnh theo cái cách tháng 5/2010.

Theo chúng tôi, một trong những chỉ dấu hết sức quan trọng nhằm phát hiện và phân tích mục đích của nhóm đánh xuống có lẽ cần phát xuất từ... thị trường bất động sản.

Việt Thắng

Diễn đàn kinh tế việt nam

Các tin tức khác

>   Tiếng nói nhà đầu tư: Lạc quan về con “Sóng” mới (19/09/2011)

>   19/09: Bản tin đầu tuần (19/09/2011)

>   Sự kiện doanh nghiệp niêm yết tuần 19 – 23/09 (18/09/2011)

>   Khối ngoại gia tăng đầu tư vào ngành dược (17/09/2011)

>   Thanh khoản trên TTCK: Một góc nhìn khác! (17/09/2011)

>   Chứng khoán vẫn còn nguyên tính bi kịch? (17/09/2011)

>   Nhiều cổ phiếu vào danh sách 'đặc biệt' (17/09/2011)

>   “Cuộc chơi” vẫn của các nhà đầu tư nhỏ (16/09/2011)

>   Ngày 16/09: Khối ngoại bán ròng 228 tỷ đồng, lớn thứ hai kể từ đầu năm (16/09/2011)

>   Nhà đầu tư nói gì về vụ DVD (16/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật