Thứ Sáu, 16/09/2011 14:40

Nhà đầu tư nói gì về vụ DVD

Rất nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra lo ngại về quyền lợi của mình sau sự kiện cổ phiếu của Công ty dược Viễn Đông (DVD) bị hủy niêm yết. Thực tế cho thấy lỗ hổng pháp lý quá rõ, trong khi cơ quan quản lý nhà nước thụ động, lỏng lẻo trong việc kiểm tra, giám sát...

Nhà đầu tư mong muốn cơ quan quản lý mạnh tay hơn để đảm bảo tính minh bạch, công khai, công bằng cho thị trường -

* Anh Dương Đình Tuấn (nhà đầu tư tại sàn SJCS): Phải làm rõ trách nhiệm của kiểm toán

Nhiều nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng trong vụ DVD lâm vào tình trạng phá sản, ngoài các đơn vị quản lý thị trường, đơn vị kiểm toán (trong trường hợp này là Công ty kiểm toán Ernst & Young) không thể vô can. Khi mua cổ phiếu DVD, các nhà đầu tư căn cứ vào kết quả kinh doanh trong báo cáo tài chính của DVD do kiểm toán thực hiện. Trong khi đó, thông tin từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) cho thấy DVD đã tạo doanh thu ảo, lợi nhuận ảo thông qua hoạt động kinh doanh... lòng vòng.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính từ các năm 2007-2010, phần lớn doanh thu của DVD đều phát sinh từ các giao dịch với ba đơn vị là Công ty CP liên doanh Lily Pháp, Công ty TNHH phát triển thương mại và kỹ thuật Hoàn Thiện và Công ty CP quốc tế Viễn Đông. Trong khi đó, DVD đã không cung cấp được các chứng từ chứng minh doanh thu có thật giữa DVD với ba đơn vị nêu trên cũng như giá trị các hợp đồng ký kết năm 2010 theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Nhà đầu tư có quyền đặt câu hỏi về độ tin cậy của các báo cáo kiểm toán mà đơn vị này thực hiện, vì đơn vị kiểm toán đã không phát hiện được các dấu hiệu đáng ngờ về nguồn doanh thu của DVD. Tôi cho rằng cơ quan chức năng nên làm rõ trách nhiệm của đơn vị kiểm toán trong vụ DVD.

* Ông Huỳnh Đức (nhà đầu tư tại sàn ACBS): Thiếu biện pháp bảo vệ nhà đầu tư

Trong việc xử lý các thông tin liên quan đến DVD, kể từ khi những vụ lùm xùm như giả mạo thông tin đến chuyện lãnh đạo công ty bị bắt vì hành vi thao túng giá, cả SSC lẫn Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã quá thụ động. Lẽ ra với một công ty đang có nhiều vấn đề như DVD, các cơ quan này phải chủ động giám sát chặt chẽ hơn thay vì ngồi chờ DVD tự nguyện công bố thông tin.

Chẳng hạn thời gian dài sau khi đợt phát hành của DVD bị đình chỉ, công ty này vẫn không hoàn trả tiền cho nhà đầu tư theo như yêu cầu, SSC cũng không có bất cứ động thái nào buộc công ty này thực hiện. Nếu cơ quan này chủ động hơn, trong trường hợp DVD không hoàn trả tiền cho nhà đầu tư, SSC có thể yêu cầu giải trình hoặc kiểm tra lý do vì sao...

Trường hợp công ty mất khả năng thanh khoản, thông tin này phải được công bố để các nhà đầu tư nắm rõ. Tương tự, HoSE không có động thái quyết liệt hơn khi DVD vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin. Là “ban quản lý chợ”, với một sản phẩm kém chất lượng như DVD, HoSE chẳng có biện pháp nào để bảo vệ nhà đầu tư.

* Ông Thanh Phong (cổ đông của DVD): “Bộ lọc” có vấn đề

Khi trả lời dư luận về vụ DVD, lãnh đạo SSC cho biết cơ quan này đã làm tròn trách nhiệm là chưa thỏa đáng. Một cổ phiếu kém chất lượng như DVD vẫn được niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán, chưa kể doanh nghiệp này còn thành công trong việc huy động vốn (dù đợt phát hành sau đó bị hủy), cho thấy “bộ lọc” tại HoSE và SSC đều có vấn đề. Tôi cho rằng chính sự chủ quan, lỏng lẻo của các bộ phận giám sát, thanh tra...của những cơ quan này đã tạo điều kiện cho DVD thực hiện hành vi gian dối suốt thời gian dài, đặc biệt từ khi hồ sơ phát hành thêm của đơn vị này bị phát hiện có vấn đề đến khi doanh nghiệp này bị hủy niêm yết.

Ngoài ra, đến nay “ban quản lý chợ” là HoSE - nơi DVD niêm yết - vẫn chưa một lần lên tiếng giải thích về sự chậm trễ trong xử lý các vấn đề liên quan DVD. Không một nhà đầu tư nào được cảnh báo về những rủi ro khi giao dịch cổ phiếu DVD đến khi cổ phiếu này đột ngột bị hủy niêm yết.

Hoài Giang ghi

Tuổi Trẻ

Các tin tức khác

>   Phiên 16/09, hàng triệu bluechips thỏa thuận với giá sàn (16/09/2011)

>   SeASecurities tiếp tục phí ưu đãi 0.15% cho dịch vụ S Trade (16/09/2011)

>   “Hội chứng” vượt rào của TTCK Việt Nam (16/09/2011)

>   16/09: Bản tin 20 giờ qua (16/09/2011)

>   Áp lực thoái vốn của quỹ ngoại (15/09/2011)

>   VPH vào diện cảnh báo từ ngày 16/09 (15/09/2011)

>   Thị trường điều chỉnh hay đảo chiều? (15/09/2011)

>   FPT, VIC lại bị khối ngoại xả mạnh, MSN tiếp tục được gom (15/09/2011)

>   'Tay to' chưa trở lại thị trường chứng khoán (15/09/2011)

>   Ngày 15/09: VN-Index giảm 0.43%, nếu loại trừ ảnh hưởng của MSN và BVH (15/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật