Áp lực thoái vốn của quỹ ngoại
Gần đây, bất chấp diễn biến phục hồi ấn tượng của thị trường, một quỹ đầu tư nước ngoài vẫn ráo riết thoái bớt danh mục.
VinaCapital thoái sạch 23,6% cổ phần tại Halico và thu về hơn 50 triệu USD
Họ chào mời giao dịch thỏa thuận và sẵn sàng bán một số khoản đầu tư với giá dưới mệnh giá, trong khi vài năm trước mua với giá gấp 3. Gáo nước lạnh trên dội vào sự hưng phấn của giới thạo tin trên thị trường, giống như hồi chuông đồng hồ đếm ngược về thời điểm thoái vốn khi thời hạn hoạt động của một số quỹ đầu tư sắp hết. Áp lực gia tăng, nhưng sự căng thẳng đến đâu?
Chuyển đổi mô hình
Quỹ đầu tư nêu trên được thành lập, huy động vốn và giải ngân vào TTCK Việt Nam giai đoạn 2006 - 2007. Ở thời điểm gọi vốn, quỹ quản lý tài sản hàng trăm triệu USD. Cuối năm 2008, khi đám mây đen của cuộc khủng hoảng tài chính vần vũ trên bầu trời tài chính thế giới, thì dưới áp lực từ các NĐT góp vốn, quỹ đã phải bán ra một phần danh mục cổ phiếu, khiến tổng tài sản giảm mạnh. Cùng với sự phục hồi của thị trường trong năm 2009, tài sản của quỹ tăng lên, nhưng chưa bao giờ quay về điểm khởi đầu. 5 năm đã trôi qua và năm 2012 - thời điểm giải thể quỹ đã tới gần. Mất kiên nhẫn vì thanh khoản thị trường liên tục sụt giảm, quỹ tìm cách bán ra một phần cổ phiếu ngay khi thị trường chớm xoay chiều.
Định chế tài chính trên là một trong hai quỹ đóng đến từ Hàn Quốc, năm 2012 đến hạn giải thể. Trước đó, Golden Brigde, một “đồng hương” Hàn Quốc khác thậm chí đã mất hết kiên nhẫn, nên giải thể sớm quỹ đầu tư cổ phiếu từ cuối năm 2010. Ba quỹ đầu tư đến từ xứ sở Kim Chi nằm trong số rất nhiều quỹ đầu tư gọi vốn và đầu tư vào Việt Nam - các tổ chức tài chính quản lý tài sản có quy mô từ vài chục đến vài trăm triệu USD, giải ngân vào cổ phiếu niêm yết, OTC hay các dự án bất động sản, cơ sở hạ tầng. Riêng với danh mục cổ phiếu, phần lớn giải ngân trong giai đoạn 2006 - 2007, khi cả hai chỉ số chứng khoán ngự trên đỉnh cao. Với thời hạn hoạt động trung bình từ 5 - 7 năm, làn sóng quỹ đầu tư thành lập cách đây vài năm sắp kết thúc bằng làn sóng các quỹ đầu tư thoái vốn. Bắt đầu từ năm 2012.
Thực tế, TTCK Việt Nam đã được thử thách và vượt qua việc một số quỹ đầu tư như Indochina Capital Vietnam, Golden Brigde thoái vốn. Tuy nhiên, các sự kiện chỉ mang tính chất đơn lẻ như các con sóng nhỏ, khác xa với quy mô của đợt thủy triều sắp tới. Hóa giải các căng thẳng trước kỳ “stress-test” này của chứng khoán Việt Nam, trao đổi với ĐTCK, ông Marc Djandji - Trưởng bộ phận Phân tích CTCK Bản Việt nhận định, một số quỹ đóng tới hạn sẽ được chuyển đổi thành quỹ mở và bám trụ lại TTCK Việt Nam. Cụ thể, hai quỹ đầu tư đến từ Hàn Quốc năm tới sẽ chuyển đổi mô hình. Các đợt tái cơ cấu hiện tại nhằm dọn đường cho các chuyển dịch trong năm tới. Xu hướng này có thể diễn ra phổ biến.
Tre già măng mọc
Trong buổi hội thảo cuối tuần trước tại CTCK TP. HCM (HCM), tâm lý nặng nề trước áp lực thoái vốn của các quỹ nước ngoài lan sang cả các NĐT cá nhân. Tuy nhiên, ông Fiachra MacCana - Trưởng bộ phận Phân tích CTCK HCM cho rằng, đây là việc mang tính chu kỳ, với mỗi quỹ cũ tới hạn giải thể thì thường có một quỹ mới mở ra thay thế. Các NĐT cá nhân không nên quá lo lắng, vì các nhà quản lý quỹ hoặc đàm phán kéo dài thời hạn hoạt động của quỹ hoặc gọi thêm vốn mới.
Thời gian qua, không ít định chế tài chính nước ngoài sa lầy ở TTCK Việt Nam. Không ít quỹ đại chúng lên kế hoạch gọi thêm vốn mới, nhưng không một gương mặt nào thành công. Một trong các lý giải là khoảng cách chiết khấu quá lớn giữa thị giá và giá trị tài sản ròng của quỹ (NAV). Sự chênh lệch khiến NĐT không có động lực dốc hầu bao góp vốn vào quỹ. Báo cáo mới nhất của Rothschild về hoạt động của các quỹ tại thị trường mới nổi cho thấy, các quỹ đầu tư đại chúng nước ngoài tại Việt Nam vẫn duy trì khoảng cách chiết khấu từ 12 - 40%, cao hơn so với nhiều quốc gia lân cận. Về mặt logic, khả năng các nhà quản lý quỹ đàm phán với cổ đông kéo dài thời hạn hoạt động hay huy động thêm vốn mới khá thấp. Nhưng khả năng thấp không có nghĩa là không thể xảy ra. Hai năm qua, các quỹ đầu tư đại chúng nội địa (VFMVF1, VFMVF4, MAFPF1, PRUBF1) cũng khó khăn không kém các quỹ nước ngoài, nhưng vượt qua “lời nguyền chiết khấu”, VFMVFA và ACBGF vẫn chào đời.
Theo một khảo sát của ĐTCK tại các CTCK có ưu thế thu hút NĐT nước ngoài, số lượng tài khoản của các NĐT tổ chức đang tăng lên. Các gương mặt mới là các quỹ thành viên, quỹ phòng hộ (hedge fund) có nguồn vốn nhàn rỗi, không chịu áp lực về NAV, ưa thích tới thẳng DN tham gia các đợt phát hành riêng lẻ. Họ mở tài khoản, phần lớn vẫn trong trạng thái quan sát, nhưng một số đã sớm hành động như mua 10 triệu cổ phần của Vinamilk vừa qua.
Từ cuộc chia tay VinaCapital - Halico, Dragon Capital - Sacombank
Bất chấp giao dịch trầm lắng của khối ngoại trên hai sàn niêm yết, các thương vụ chuyển nhượng vốn trên thị trường OTC diễn ra khá sôi động từ đầu năm 2011 tới nay. Một loạt thương vụ sang nhượng cổ phần đình đám đã được công bố: Tập đoàn đồ uống Diageo mua 30% vốn tại CTCP Cồn Rượu Hà Nội (Halico); Tập đoàn SEB (Pháp) mua 51% cổ phần Quạt Việt Nam; Tập đoàn Unicharm (Nhật Bản) mua 95% cổ phần của Diana Việt Nam; Masan Consumer bán 10% cổ phần cho Tập đoàn KKR (Mỹ), với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường.
Trong đó, thương vụ Diageo mua cổ phần Halico gây ngạc nhiên lớn khi Diageo đang sở hữu thương hiệu Johnnie Walker chấp nhận mua với mức giá cao gấp đôi giá thị trường. Bên bán - Tập đoàn VinaCapital thoái sạch 23,6% cổ phần tại Halico và thu về hơn 50 triệu USD. Để có thương vụ thành công mỹ mãn, bên bán vốn chỉ là NĐT tài chính đã cùng với hai thương hiệu nổi tiếng tiến hành đàm phán 3 bên, thúc đẩy thương vụ tiến triển. Tương tự, sau 10 năm gắn bó với Sacombank (STB), mới đây Dragon Capital đã nói lời chia tay khi bán ra một lượt hơn 61 triệu cổ phiếu STB. Để thoái vốn thành công, bên bán đã chuyển nhượng bằng giao dịch thỏa thuận cho các đối tác do Sacombank đàm phán và chỉ định. Vì vậy, trong trường hợp xấu nhất buộc phải thoái vốn, các định chế tài chính hay các DN lớn đóng vai trò như nhà môi giới để chuyển nhượng cổ phần sẽ đạt được mức giá tối ưu và hạn chế gây xáo trộn trên thị trường.
Giang Thanh
Đầu tư chứng khoán
|