Chủ Nhật, 08/01/2012 09:04

Quỹ mở: Không phải tất cả đều “màu hồng”!

(Vietstock) – Không phải mọi đặc tính của quỹ mở đều “màu hồng”, vì vẫn tồn tại những bất lợi mà nhà đầu tư cần biết khi cân nhắc tham gia mua chứng chỉ quỹ mở

* Thông tư 183: Quỹ đóng chuyển thành quỹ mở phải có NAV tối thiểu 50 tỷ đồng

* Chứng chỉ Quỹ mở ngừng giao dịch khi yêu cầu mua lại không thể thực hiện

Bộ Tài chính vừa qua có ban hành Thông tư 183/2011/T-BTC về việc hướng dẫn thành lập và Quản lý quỹ mở có hiệu lực vào tháng ba tới (từ ngày 01/03/2012). Động thái này đang được kỳ vọng sẽ là một bước đột phá trong việc giới thiệu các sản phẩm đầu tư mới và kích thích sự sôi động của TTCK.

Theo Điều 6 Luật Chứng khoán năm 2006, quỹ mở được định nghĩa là quỹ đại chúng mà chứng chỉ quỹ đã chào bán ra công chúng phải được mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư; và quỹ đóng là quỹ đại chúng mà chứng chỉ quỹ đã chào bán ra công chúng không được mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư.

Tính thanh khoản của chứng chỉ quỹ mở được cung cấp bởi chính công ty quản lý quỹ này. Trong khi đó, tính thanh khoản của chứng chỉ quỹ đóng lại do thị trường thứ cấp quyết định.

Thực tế cho thấy, tính thanh khoản của chứng chỉ quỹ đóng trong thời gian gần đây khá kém do phụ thuộc nhiều vào “tâm trạng” thị trường.

Khác với giá giao dịch của chứng chỉ quỹ đóng hiện đang bị thị trường chiết khấu khá cao, giá trị mua/bán lại đơn vị quỹ mở (từ phía công ty quản lý quỹ) được xác định bằng giá trị tài sản ròng (NAV) trên một đơn vị quỹ tính tại ngày giao dịch quỹ trừ/cộng với chi phí (nếu có).

Nhờ vào đặc tính thanh khoản cao và giá trị mua/bán xác định trên NAV, sự ra đời của quỹ mở hứa hẹn sẽ mang đến một sản phẩm mới hấp dẫn cho giới đầu tư.

Tuy vậy, không phải mọi đặc tính của quỹ mở đều “màu hồng”, vì vẫn tồn tại những bất lợi mà nhà đầu tư cần biết khi cân nhắc tham gia mua chứng chỉ quỹ mở.

Chi phí mua bán. Trong hầu hết các giao dịch, nhà đầu tư phải trả một khoản phí để mua (front-end load) và bán (back-end load) chứng chỉ quỹ mở với giá trị dựa trên NAV hiện tại.

Tiền mặt dự phòng không hiệu quả. Quỹ mở thường phải duy trì một lượng tiền mặt khá lớn để phòng ngừa việc phải mua lại một số lượng lớn chứng chỉ quỹ. Mặc dù điều này mang lại tính thanh khoản cao cho nhà đầu tư, nhưng nó lại làm giảm lợi suất tiềm năng của danh mục.

Tính ổn định của danh mục đầu tư không cao. Công ty quản lý quỹ chịu áp lực phải mua lại chứng chỉ quỹ khi có yêu cầu của nhà đầu tư, vì thế cơ cấu đầu tư vốn của quỹ mở không ổn định so với quỹ đóng. Tăng trưởng NAV nhiều khả năng khó có đột biến do áp lực rút vốn này.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc dòng vốn có thể rút nhanh khỏi thị trường khi có những biến động bất lợi; và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giao dịch của TTCK.

Nhà đầu tư vẫn có thể bị công ty quản lý quỹ từ chối mua lại chứng chỉ quỹ, khi không thể xác định được NAV (trường hợp chứng khoán trong danh mục đầu tư của quỹ bị hủy niêm yết), hoặc khi công ty không bán được tài sản trong danh mục đầu tư (do tài sản bị mất tính thanh khoản hoặc chứng khoán trong danh mục của quỹ nằm trong diện giải thể, phá sản).

Hạn chế giao dịch. Hoạt động mua bán thường chỉ diễn ra vào cuối ngày khi việc tính toán NAV hiện tại của mỗi đơn vị chứng chỉ quỹ được hoàn tất. Do đó, nhu cầu mua/bán giữa phiên giao dịch không thể thực hiện được.

Rủi ro biến động thị trường. Mặc dù hoạt động của quỹ mở luôn được tích cực theo dõi và có thể tính được giá trị NAV của quỹ thường xuyên; nhưng vẫn có những rủi ro đi kèm khi hiệu suất sinh lời phụ thuộc khá nhiều vào mức độ thăng trầm của thị trường.

Dưới đây là thống kê thay đổi NAV của các quỹ đóng niêm yết trên thị trường trong 1 năm qua. Giá trị NAV ở hầu hết các quỹ này bị sụt giảm khá mạnh, và thị giá của các chứng chỉ quỹ bị chiết khấu rất cao so với NAV.  

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK

Các tin tức khác

>   Thông tư 183: Những điểm cần lưu ý khi giao dịch chứng chỉ quỹ mở (02/01/2012)

>   Chứng chỉ Quỹ mở ngừng giao dịch khi yêu cầu mua lại không thể thực hiện (02/01/2012)

>   Thông tư 183: Quỹ đóng chuyển thành quỹ mở phải có NAV tối thiểu 50 tỷ đồng (02/01/2012)

>   Quỹ đầu tư bất động sản: Lợi ích và rủi ro (01/01/2012)

>   Chạy theo ETF - May nhờ rủi chịu (04/10/2011)

>   Ứng xử với “dòng vốn nóng” từ ETF (20/09/2011)

>   GDW: Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Đông Á mua ròng 8,000 cp (31/08/2011)

>   Bài toán mới với thị trường chứng khoán 2011 (21/02/2011)

>   Cuộc "đỡ giá" của các quỹ đầu tư chỉ số (17/12/2010)

>   Giải mã các quỹ ETF (05/03/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật