Giải mã các quỹ ETF
Thời gian gần đây, các quỹ đầu tư ETF (exchange-traded fund) liên tục được nhắc đến như một sức mạnh mới của NĐTNN. Với những lợi thế đặc thù của mình, các quỹ ETF có thể tạo ra những sự thay đổi mang tính bước ngoặt trên TTCK Việt Nam. Liệu ETF “made in Vietnam” có thể ra đời hay không, khi nhiều đồn đoán họ là tác nhân tạo những sự kiện mà nhiều NĐT từng nghĩ do NĐTNN lướt sóng.
Nguồn gốc ETF
Tại TTCK thế giới, việc tạo ra các quỹ ETF được giám sát rất chặt chẽ và loại hình cũng khá đa dạng. Các nhà quản lý ETF tương lai sẽ lập một kế hoạch và đệ trình lên cơ quan quản lý TTCK. Khi kế hoạch được thông qua, các nhà quản lý sẽ kết hợp với các nhà tài trợ vốn để mượn CP từ một quỹ hưu trí để tạo ra một rổ CP, thông thường là những CP có biến động tương đồng với các Index để hình thành lên một quỹ ETF.
Những người quản lý sẽ quyết định xem quỹ ETF này sẽ được chia nhỏ ra thành bao nhiêu đơn vị chứng chỉ quỹ (CCQ) và con số dao động từ 10.000 đến 600.000 đơn vị. Sau đó những CCQ này sẽ được đem ra giao dịch trên TTCK và người mua sẽ dựa vào giá trị tài sản ròng (NAV) của CCQ để quyết định mua hay bán. Thí dụ, nếu ETF A có NAV là 2USD nhưng thị giá chỉ là 1USD thì NĐT có thể mua vào với kỳ vọng ETF có thể tăng giá lên gần bằng với NAV của mình.
Có một dạng ETF khác, được tạo thành từ nhu cầu “mua cả thị trường” của một số NĐT. Hiểu một cách dễ, trong một “rừng CP”, không đơn giản để chọn ra những CP tăng giá, trường hợp thị trường tăng điểm nhưng CP mua vào lại đứng hoặc giảm giá là chuyện bình thường.
Dạng ETF này ra đời nhằm phục vụ cho nhu cầu của một bộ phận NĐT: chỉ cần điểm số của thị trường tăng là có lời, không cần quá vất vả để chọn mua CP. Sau khi kêu gọi NĐT bỏ vốn, những người quản lý ETF sẽ bắt đầu lựa chọn những CP chi phối đến các chỉ số chứng khoán với số lượng 20-50 CP.
Thí dụ CP ABC nào đó chiếm 10% giá trị vốn hóa thị trường cũng chiếm 10% giá trị danh mục của ETF. Khi NĐT sở hữu một CCQ của ETF dạng này, cũng đồng nghĩa với việc sở hữu hàng loạt những CP hàng đầu mà nếu tự mình mua chắc chắn rất khó. Như vậy, nếu TTCK tăng điểm các ETF này cũng sẽ tăng giá theo. Lúc đó, nếu NĐT muốn rút tiền ra khỏi ETF, giả sử 10%, thì những nhà quản lý quỹ sẽ phải bán ra 10% danh mục các CP của mình và ngược lại khi đóng tiền vào ETF, số CP được mua thêm cũng phải căn cứ vào tỷ lệ tăng thêm của danh mục.
Trong 2 dạng ETF nói trên, dạng thứ hai thường thu hút được nhiều NĐT tham gia hơn, các ETF này hoạt động theo dạng quỹ mở, tức là NĐT có thể bỏ vốn vào và rút vốn ra nhanh chóng. Hình thức này càng có lợi thế hơn nữa khi hiện nay NĐT rất e ngại khi phải “chôn” đồng vốn của mình vào quỹ đóng với thời gian khá lâu. Trong khi phí quản lý của quỹ đóng hàng năm lên đến 2% giá trị tài sản, phí quản lý của quỹ ETF chỉ 0,2% và đây cũng là một lợi điểm nữa của ETF.
Thực tế, phí quản lý của ETF thấp cũng bắt nguồn từ việc “chất xám” bỏ ra trong việc điều hành cũng không nhiều. Vì là một dạng Index Fund, nên đối tượng mua vào của các ETF sẽ là những CP có giá trị vốn hóa lớn nhất để mô phỏng thị trường mà không cần quan tâm đến các yếu tố cơ bản của công ty như thế nào.
Hành tung ETF
CP BVH (Bao Viet Holdings) sau khi chào sàn vào giữa năm 2009 đã không để lại được nhiều ấn tượng, nhưng tính từ đầu năm 2010 lại là một trong những CP có biến động giá mạnh mẽ nhất. Từ mức 3.0 vào đầu tháng 1, BVH đang được giao dịch tại ngưỡng 4.5.
Trong những ngày gần đây, NĐTNN cũng thường chiếm tỷ trọng giao dịch lớn đối với BVH. Đã có nhiều ý kiến nhận định và cả những tin đồn về việc các quỹ ETF thông qua những tổ chức tài chính như Deutsche Bank, Citigroup hay HSBC đã tiến hành gom mua những CP có vốn hóa lớn. Một trường hợp có “dấu ấn” của các quỹ ETF là VNM khi CP này được khối ngoại gom mua rất mạnh, theo đồn đoán tác giả là một quỹ ETF chuyên về ngành thực phẩm.
ĐTTC đã tiến hành thu thập thông tin và xác định được thực tế các ETF đã tham chiến tại TTCK Việt Nam (xem danh mục ở bảng dưới). Không khó để nhận ra những tác động mang tính tích cực khi các quỹ ETF chọn Việt Nam là địa điểm giải ngân. Điều này cho thấy TTCK Việt Nam đã tạo ra những dấu ấn rõ nét trong việc thu hút NĐTNN.
Càng nhiều loại hình quỹ đầu tư tham gia càng cho thấy biểu hiện của sự cải thiện về chất lẫn lượng của thị trường. Với tính chất linh hoạt trong hoạt động giao dịch, các quỹ ETF cũng sẽ giúp cho nguồn vốn trên thị trường được luân chuyển đều đặn và thông suốt hơn.
Điểm lại danh sách những CP có thể rơi vào tầm ngắm của các quỹ ETF, sẽ dễ dàng nhận ra được một số CP vẫn chưa tạo được nhiều ấn tượng cho NĐT, kể cả về biến động giá lẫn tính thanh khoản. Chính vì vậy, sự tham gia của các ETF sẽ tạo cho nhóm này một lực đẩy mới, kể từ đó sẽ có thể kéo NĐT trong nước tham gia trở lại.
Tuy nhiên, những tín hiệu mang tính tích cực kể trên, cho đến nay vẫn chưa có một quỹ ETF nào công bố chính thức sẽ tham gia TTCK Việt Nam, mà chỉ thông qua tin đồn và cũng chỉ giới hạn trong phạm vi những NĐT chuyên nghiệp. Điều này cho thấy lực lượng ETF vẫn chưa thực sự đông đảo và cần có thêm thời gian để định hình.
Cũng từ đây, “hành tung” của các quỹ ETF trở nên khó đoán định hơn, từ đó giá CP có sự tham gia của các quỹ này cũng biến động một cách bất thường và có thể ảnh hưởng đến thị trường chung. NĐT trong nước trước đây vốn quen với việc các NĐTNN mua vào và nắm giữ hơn là lướt sóng.
Chính vì vậy, việc các ETF xuất hiện và đẩy mạnh các giao dịch mang tính lướt sóng có thể tạo ra không ít cú sốc cho CP nói riêng và thị trường nói chung.
Theo các chuyên gia tài chính, loại hình hoạt động của các quỹ ETF không quá phức tạp và hoàn toàn có thể thiết lập tại Việt Nam, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có một quỹ ETF nào ra đời. Trước đây một sản phẩm giao dịch Index đã xuất hiện nhưng không được UBCKNN cho phép thực hiện vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Bản chất của các quỹ ETF cũng như những công cụ phái sinh khác nhằm quản lý và hạn chế rủi ro, nên việc các ETF xuất hiện càng nhiều trên TTCK trong nước sẽ giúp cho thị trường ổn định hơn, muốn điều này trở thành hiện thực cần có sự nỗ lực của các cơ quan quản lý cũng như các tổ chức đầu tư lớn.
Đại Ngàn
ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH (SÀI GÒN GIẢI PHÓNG)
|