Cuộc "đỡ giá" của các quỹ đầu tư chỉ số
Biến động của VN-Index thời gian qua khiến giới phân tích trong nước cảm nhận “hơi thở” các ETF tại TTCK nội địa.
Vốn ngoại vào TTCK Việt Nam thông qua sự hiện diện trực tiếp của các quỹ, tổ chức đầu tư và các cá nhân. Một hình thức khác là các NĐT quốc tế ủy thác đầu tư qua các định chế tài chính quốc tế có mặt tại Việt Nam. Nhưng gần đây, có một dòng chảy ngầm của vốn ngoại diễn ra mạnh mẽ dưới hình thái quỹ đầu tư theo chỉ số (ETF). Nhận diện được hình thái này có thể giúp NĐT nội địa giải mã phần nào giao dịch bất thường của khối ngoại thời gian qua.
Tính ưu việt của ETF
Các quỹ đầu tư ETF (Exchange - Traded Fund) bắt đầu được nhắc đến trên TTCK Việt Nam gần đây, dù mô hình này đã khá quen thuộc trên thế giới. Tại các sàn giao dịch chứng khoán lớn như NYSE (Mỹ) luôn có hàng trăm loại ETF được mua bán hàng ngày. Ngay trong khu vực, tại sàn chứng khoán Singapore có 41 ETF niêm yết, TTCK Hồng Kông có 24 ETF...
Quỹ ETF ra đời vào những năm 1990 nhằm phục vụ cho nhu cầu của một bộ phận NĐT không muốn quá vất vả để lựa chọn cổ phiếu, mà chỉ cần điểm số của TTCK hoặc giá cả một loại hàng hóa nào đó tăng là có lợi nhuận. Bởi vậy, các quỹ ETF lựa chọn danh mục đầu tư mô phỏng theo các chỉ số chứng khoán, một nhóm ngành hoặc theo các loại hàng hóa có tính thanh khoản cao như dầu mỏ hay vàng.
Với đặc điểm như vậy, chiến lược đầu tư của quỹ ETF rất khác biệt. Chẳng hạn, với các ETF chỉ số, họ chọn mua những cổ phiếu chi phối xu hướng thị trường, mà không chú trọng tới các nhân tố cơ bản. Cấu trúc của ETF khiến cho quỹ trở thành một hình thức dầu tư chỉ số được phân tán rủi ro tốt, chi phí khá thấp (thường dưới 1%). Chính điều này đã giúp ETF thu hút các NĐT tổ chức, cũng như các cá nhân đầu tư vào ETF với mục tiêu nắm giữ lâu dài hoặc phục vụ chiến lược giao dịch ngắn hạn. Cơ chế của ETF làm cho giá chứng chỉ quỹ thường theo sát giá trị tài sản ròng (NAV), chứ không biến động quá xa. Điều này khiến ETF ưu việt hơn các quỹ đóng.
Nhận diện ETF tại Việt Nam
Biến động của VN-Index thời gian qua khiến giới phân tích trong nước cảm nhận “hơi thở” các ETF tại TTCK nội địa. Chẳng hạn, bất chấp xu thế túc tắc đi xuống của VN-Index trong gần cả năm, thì tại khá nhiều blue-chip hợp “khẩu vị” NĐT nước ngoài như HAG, FPT, DPM, HPG... vẫn kiên cường tin vững. Chính các mã này đóng vai trò chiếc “neo” không cho VN-Index giảm sâu.
Tại một số mã khác như BVH, MSN, VIC, cuộc chơi còn hoàn toàn do khối ngoại cầm trịch. Dựa trên sức cầu NĐT nước ngoài, cổ phiếu BVH đã tăng giá gấp 3, MSN và VIC tăng gấp đôi trong năm nay, dù trong mắt NĐT nội địa, đây là các mã không hấp dẫn nếu nhìn trên các chỉ số cơ bản. Thậm chí, đôi khi ở các thời điểm nhạy cảm, các mã này còn được “nâng lên đặt xuống” một cách có chủ ý. Thông qua các trụ cột như vậy, NĐT nước ngoài có thể tăng hay giảm tốc VN-Index một cách khéo léo.
Theo thông báo chính thức, một trong các quỹ ETF đã hoạt động tại Việt Nam là The Market Vector Vietnam ETF (ký hiệu là VNM). Đây là quỹ do Công ty quản lý đầu tư Van Eck Global thành lập. Chứng chỉ của ETF này được niêm yết trên NYSE từ trong tuần tháng 8/2009, với mã nhận dạng chứng khoán quốc tế (ISIN) số US57060U7616.
Số vốn ban đầu của VNM chỉ vỏn vẹn 14 triệu USD. Ban đầu, Quỹ đã đầu tư vào một danh mục gồm 28 chứng khoán niêm yết trên TTCK Việt Nam. Phí quản lý thường niên của ETF này khá thấp, chỉ 0,85% giá trị danh mục/năm. Trong thư ngỏ gửi các NĐT toàn cầu, nhà quản lý Van Eck Global viết: “Mọi NĐT có thể mua ETF của chúng tôi. Bạn có thể mua bán cổ phiếu trên thị trường thứ cấp cùng với cách mà bạn có thể mua bán trên sàn thông qua nhà môi giới chứng khoán. Chứng chỉ VNM sẽ được giao dịch ở nhiều mức giá khác nhau, tùy thuộc vào NAV. Nhưng chúng tôi tin tưởng rằng, sự giảm giá và lợi nhuận giảm trên NAV sẽ không kéo dài”. Dù quy mô khiêm tốn, nhưng quỹ ETF này đã thu hút một luồng vốn ngoại mới cho TTCK Việt Nam năm 2009.
Theo tìm hiểu, VNM không phải là quỹ đầu tư ETF đầu tiên hiện diện trên TTCK Việt Nam. Từ ngày 15/1/2008, Deutsche Bank AG dã thành lập quỹ ETF mang tên FTSE Vietnam Index ETF và có ISIN là LU0322252924, vốn 5,1 triệu USD. Quy mô khá nhỏ nên Quỹ khi đó không được NĐT nội địa chú ý.
Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau đó, quy mô tài sản quỹ ETF này tăng gấp đôi. Nửa năm sau khi ngày thành lập, tài sản của Quỹ đạt mức 100 triệu USD, tăng gấp 20 lần so ban đầu. Do các NĐT bên ngoài góp thêm vốn và theo đà tăng của VN-Index, tài sản mà Quỹ quản lý liên tục mở rộng.
Năm đầu tiên, tài sản Quỹ đạt mức cho nhất 160 triệu USD vào cuối tháng 8/2008, khi VN-Index đạt đỉnh cao. Nhưng khi bóng mây đen của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vần vũ trên bầu trời thì quy mô của Quỹ đã giảm xuống nhanh chóng, có lúc chỉ còn 40 triệu USD, chỉ bằng 25% lúc cao nhất.
Mặc dù vậy, không hổ danh là “quỹ chỉ số”, trong bất cứ hoàn cảnh nào, biến động NAV của Quỹ với VN-Index gần như sát nhau (xem Bảng 1). Thống kê của Rothschild về hoạt động của các quỹ đang hoạt động tại Việt Nam cũng chỉ đề cập đến hoạt động của hai ETF trên.
“Cuộc chơi chỉ số”
Từ lâu giới phân tích trong nước vẫn hoài nghi lượng mua ròng cổ phiếu của NĐT nước ngoài không xuất phát từ các quỹ “đóng đô”, ở Việt Nam. Họ cho rằng, vốn cũ chỉ nhúc nhích, loay hoay với quá trình tái cơ cấu, còn tiền mới “bơm” vào thị trường thực sự đến từ các gương mặt quỹ mới hay các định chế tài chính lớn như Deutsche Bank, CitiGroup, HSBC...
Mối nghi ngờ này dường như được khẳng định nếu nhìn vào thay đổi giá trị tài sản của FTSE Vietnam Index ETF trong 3 năm qua. Chỉ số VN-Index trong năm 2010 biến động khá hẹp, NAV của Quỹ theo sát chỉ số này, nhưng tài sản của Quỹ tăng lên đáng kể, vượt 300 triệu USD - mức cao nhất từ trước tới nay, tăng 60 lần so với mức ban đầu (xem Bảng 2). Điều này cho thấy, quỹ ETF này đã thu hút một lượng đáng kể vốn của các NĐT mới, bên cạnh tăng trưởng (nếu có) của danh mục.
Tương tự, Quỹ The Market Vector Vietnam ETF cũng đã âm thầm có bước nhảy vọt về quy mô, thay da đổi thịt. Tính đến ngày 8/12, tài sản của Quỹ quản lý đã tăng lên mức 220 triệu USD. Theo thông tin mới nhất từ Van Eck Global, số tài sản của Quỹ đang quản lý có 68,4% được dành đầu tư trực tiếp vào 24 loại cổ phiếu Việt Nam.
Bên cạnh đó, quỹ ETF này còn nắm 1,7 triệu chứng chỉ luỹ Vinacapital Vietnam Opportunity Fund Ltd và một số cổ phiếu của các công ty trong lĩnh vực năng lượng như Talisman Energy Inc (Canada), Premier Oil PLC (Anh)...
Chính sự hiện diện của các ETF khiến NĐT trong nước nhận ra VN-Index và một số blue-chip không biến động nhiều, còn rất nhiều mã mất giá mạnh. Điều này xuất phát từ cuộc chơi chỉ số của các quỹ ETF tại TTCK Việt Nam.
Bảng 3: Top 10 cổ phiếu trong danh mục của hai quỹ ETF tại Việt Nam
(đơn vị: triệu cp)
|
|
Nhìn vào Top 10 danh mục của FTSE Vietnam Index ETF và Market Vectors Vietnam ETF có thể thấy, VN-Index đã được khéo léo giữ bằng các mã lớn như BVH, VIC, HAG, DPM. FPT... (xem Bảng 3). Chính động thái đỡ giá này khiến VN-Index đã có một thời gian đi ngang, cho dù phần lớn các mã hạng trung và hạng nhỏ giá đều giảm sâu. Danh mục của các ETF và diễn biến thực tế thị trường cho thấy yếu tố dẫn dắt VN- Index của NĐT ngoại, dù trung bình giá trị mua của khối này chỉ chiếm trên dưới 10%.
Nếu các ETF đẩy mạnh giao dịch mang tính lướt sóng có thể tạo ra không ít cú sốc cho các nhóm cổ phiếu nói riêng và thị trường nói chung. Tất nhiên, không thể phủ nhận nhân tố tích cực là càng nhiều loại hình quỹ đầu tư tham gia TTCK Việt Nam thì càng góp phần giúp thị trường cải thiện cả về chất và lượng.
Giang Thanh
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|