Thứ Bảy, 18/08/2012 16:34

Cửa sắp mở cho chứng chỉ ETF

Trong quí ba năm nay Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (Hnx) sẽ thử nghiệm hệ thống giao dịch chứng chỉ quỹ ETF, thông qua việc chọn lọc một số công ty chứng khoán và những tổ chức muốn thành lập quỹ, chạy trên môi trường giả đối chiếu với chỉ số Hnx-30. Đây là bước hai của lộ trình triển khai giao dịch chứng chỉ ETF sau khi đề án tổ chức và quản lý loại hình này được trình Bộ Tài chính phê duyệt. Dự kiến chứng chỉ ETF sẽ chính thức giao dịch vào quí một năm sau.

Hàng hóa mới, kỳ vọng mới

Chứng chỉ quỹ ETF (quỹ đầu tư tài sản cơ cấu – exchange traded fund) đã được giao dịch phổ biến trên thế giới với nhiều chủng loại khác nhau. Ở Hàn Quốc doanh số giao dịch chứng chỉ ETF hiện lên tới 1,7 tỉ đô la Mỹ/tuần. Ở Việt Nam khái niệm ETF mới chỉ xuất hiện hai năm trước khi một số quỹ ETF ngoại đầu tư theo chỉ số VN-Index “làm mưa làm gió” với các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn trên Hose.

Nói như chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ông Vũ Bằng, chứng chỉ ETF là sản phẩm hấp dẫn bởi tính minh bạch cao, dễ tiếp cận, cơ chế giao dịch linh hoạt, thanh khoản tốt và chi phí thấp. So với chi phí quản lý quỹ đóng hiện nay khoảng 2 -2,5%/năm tổng giá trị quỹ, chi phí quản lý quỹ ETF thấp hơn nhiều, chỉ 0,09 đến 0,55%/năm. Đại diện Hnx cho rằng chứng chỉ ETF phù hợp với cả mục tiêu đầu tư dài hạn và ngắn hạn (lướt sóng), vốn đang thịnh hành trên thị trường vì nó mang đặc tính tối ưu của cả quỹ đóng lẫn quỹ mở.

Một cách đơn giản, chứng chỉ ETF là thứ hàng hóa mới và sự có mặt của nó sắp tới đang được đặt vào nhiều kỳ vọng. Tại sao thế? Tại vì sản phẩm của chứng khoán Việt Nam cho đến nay vẫn chỉ có thị trường giao ngay (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đóng), nhà đầu tư phải có tiền trong tài khoản mới được mua, phải có cổ phiếu trong tài khoản mới được bán. Sản phẩm cơ cấu, sản phẩm phái sinh vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu.

Với chứng chỉ ETF nhà đầu tư có thể mua bán trên sàn vì chúng được niêm yết. Đồng thời nếu nhà đầu tư (thường là tổ chức) có nhu cầu lớn, công ty quản lý quỹ có thể phát hành thêm. Hoặc nếu nhà đầu tư muốn rút tiền về, quỹ sẽ thanh lý, bán bớt danh mục để trả cho nhà đầu tư theo yêu cầu. Cơ chế giao dịch dạng này rất linh hoạt. Sự linh hoạt đi kèm với cơ chế công bố thông tin liên tục là ưu điểm nổi trội của chứng chỉ ETF. Danh mục đầu tư, giá trị tài sản ròng (NAV) của ETF được công bố hàng ngày, giá trị tài sản ròng tham chiếu (iNAV) được công bố theo thời gian thực. Sự lên xuống của NAV, thay đổi danh mục có thể diễn ra nhanh, nhất là khi quỹ có nguồn tiền mới (chứng chỉ được phát hành ngay trong ngày) để giải ngân hoặc phải rút bớt vốn (bán bớt danh mục). Điều này rõ ràng thu hút các tay lướt sóng.

Sẵn sàng đến đâu?

Muốn khai sinh một sản phẩm mới như chứng chỉ ETF phải có nền. Về mặt pháp lý, cùng với việc ban hành Thông tư hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, thì khung pháp lý cho ETF về cơ bản đã có. Tất nhiên vẫn còn thiếu những qui định kỹ thuật như cơ chế phát hành/mua lại, ký quỹ, giao dịch, niêm yết, hủy niêm yết…. Những qui định này Hnx có thể ban hành hướng dẫn cụ thể.

Liên quan đến các hoạt động đăng ký, lưu ký, thanh toán bù trừ…, Trung tâm lưu ký cho biết đủ khả năng xử lý mọi chi tiết kỹ thuật, từ phong tỏa, phân phối chứng chỉ ETF cho nhà đầu tư đến chuyển khoản chứng khoán cơ cấu sang cho quỹ. Trung tâm thậm chí nhấn mạnh: “Sẽ nghiên cứu tự động hóa một số chức năng hiện có trên hệ thống nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các qui trình và khả năng kết nối cổng giao tiếp điện tử với công ty quản lý quỹ để đẩy nhanh quá trình trao đổi thông tin”.

Các thành viên thị trường như công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán đều mong chờ sự xuất hiện ETF. ETF không đặt nặng vấn đề về năng lực quản trị như quỹ mở, nên các công ty quản lý quỹ đều có thể tham gia phát hành loại sản phẩm mới này. Ở vị trí trung gian giữa nhà đầu tư và tổ chức phát hành thông qua qui trình phát hành và mua lại chứng chỉ ETF, các công ty chứng khoán sẽ có thêm việc để làm. Tuy nhiên, Hnx cũng cần phải chọn lọc theo tiêu chí nhất định bởi tình hình tài chính của các công ty chứng khoán hiện không ổn định. Không ít công ty không đủ năng lực tài chính để đảm bảo cho việc phát hành và mua lại ETF thành công. Ở các nước, các thành viên lập quỹ (authorized participant - AP) thường là các ngân hàng lớn. Nhưng ở Việt Nam, hiện nay yêu cầu các ngân hàng tham gia lập quỹ ETF với công ty quản lý quỹ có lẽ chưa thích hợp.

Còn lại, quyết định sự thành bại của chứng chỉ ETF sẽ là nhà đầu tư. Không phải ngẫu nhiên Hnx đặt nặng câu chuyện tuyên truyền cho nhà đầu tư cá nhân hiểu rõ về ETF. Chứng khoán chưa qua thời kỳ suy thoái là chủ đề không thuận lợi cho sự chào đời của chứng chỉ ETF. Hơn nữa chứng chỉ sáu quỹ đại chúng trên sàn đang được giao dịch ở mức chiết khấu cao so với NAV cộng với thanh khoản kém, cũng sẽ ít nhiều khiến nhà đầu tư suy nghĩ. Bên cạnh đó cũng không thể không lưu ý rằng ETF được huy động hay rút vốn ra thường xuyên, nên tổng số lượng chứng chỉ quỹ lưu hành sẽ thay đổi liên tục. Từ đây khó cố định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Vậy quản lý tỷ lệ sở hữu của nước ngoài đối với chứng chỉ ETF sẽ theo nguyên tắc nào đây?

Thành Nam

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Chứng khoán Châu Á công bố tỷ lệ an toàn vốn khả dụng 430% tại 30/6/2012 (18/08/2012)

>   CTCP Chứng khoán Eurocapital công bố Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tại thời điểm 30/6/2012 (18/08/2012)

>   CTCK, còn nợ thì không thể “mất tên” (17/08/2012)

>   INC không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (17/08/2012)

>   CTV không được giao dịch ký quỹ (17/08/2012)

>   SCL không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (17/08/2012)

>   SRB không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (17/08/2012)

>   Tội phạm chứng khoán - còn những ai chưa lộ diện? (17/08/2012)

>   Hiệu quả hoạt động của 4 quỹ đầu tư do VAM quản lý (17/08/2012)

>   Tìm vốn ngoại (17/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật