Tìm vốn ngoại
Tỷ lệ nợ phải trả và hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của các công ty Việt Nam cao hơn doanh nghiệp (DN) nhiều nước. Trong khi đó, khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế lại quá hạn chế.
|
DN chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng chứ chưa biết cách tìm đến các nhà đầu tư quốc tế |
TS Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc chính sách công, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, tại hội thảo Căn bệnh thập kỷ của DN Việt Nam do Báo Nhịp cầu đầu tư tổ chức hôm qua 16.8, khẳng định DN trong nước đang nặng nợ. Khảo sát từ 647 công ty phi tài chính niêm yết trên cả hai sàn ở Việt Nam vào quý 2/2012 cho thấy, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp 1,53 lần so với mức 1,20 của Mỹ và Trung Quốc 1,06.
Nguy cơ phá sản rất cao
Nhóm DN chịu gánh nặng nợ vay lớn nhất là các DN xây dựng và bất động sản (BĐS), gấp hơn 2 lần trên vốn chủ sở hữu; tiếp theo là DN năng lượng; DN nguyên vật liệu và thấp nhất là nhóm DN sản xuất hàng tiêu dùng, dịch vụ, chế biến nông nghiệp. Riêng các DNNN, nợ cao hơn hẳn phần DN còn lại, khi có tỷ lệ vay phải trả cao gấp 1,7 lần. Đơn cử như Sông Đà có nợ phải trả gấp 8,85 lần vốn chủ sở hữu; Tổng công ty điện lực VN gấp 4,26; Tổng công ty than và khoáng sản gấp 2,41 lần; Vinalines gấp 4,27 lần... Tính chung, dư nợ cho vay khu vực DNNN lên 415.347 tỉ đồng, chiếm 16,9% tổng dư nợ. Riêng 12 tập đoàn nhà nước có dư nợ 218.738 tỉ đồng, chiếm 8,9%
.
Khi ngân hàng trong nước hạn chế cho vay thì nguồn vốn quốc tế là rất quan trọng. Hơn nữa, đây là dòng tiền có lãi suất thấp, phù hợp với DN trong nước
Ông Nguyễn Nam Sơn - Giám đốc VCP
|
Ông Thành cho rằng, khó kiểm soát được dư nợ cho vay của DNNN vì đó là chủ trương để DNNN đóng vai trò điều tiết vĩ mô. Nhưng do không đủ vốn chủ sở hữu để phát triển nên buộc phải đầu tư bằng cách vay nợ. Hiện nay DNNN không còn đủ dòng tiền để trả nợ, thậm chí không có tiền để trả lãi. Từ đó gây tác động chèn ép tiêu cực bằng cách thắt chặt tín dụng nhưng lại dành tín dụng cho DNNN, khiến phần DN còn lại bị bóp nghẹt. Cho nên, đòi hỏi phải tái cấu trúc DNNN và không dùng đối tượng này làm công cụ điều tiết vĩ mô nữa.
Còn theo ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Công ty tư vấn tài chính Việt Nam (VCP), thì hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của các công ty Việt Nam quá lớn nên khi thị trường diễn biến xấu, nguy cơ phá sản là rất cao. Các chuyên gia cho rằng, việc đầu tư đa ngành, nhất là lao vào BĐS đã khiến DN Việt Nam rơi vào “thảm cảnh” nặng nợ ngân hàng.
Gọi vốn quốc tế bằng sự minh bạch
Trong bối cảnh đó, nhằm đa dạng nguồn vốn cho DN trong nước, ông Sơn nhận định nguồn tiền nước ngoài luôn sẵn sàng rót vào thị trường Việt Nam, đặc biệt cho các công ty đầu ngành. Ở châu Á, hầu hết công ty đầu ngành đều tiếp cận được với thị trường vốn quốc tế.
Các thương vụ huy động vốn ngoại tiêu biểu
Nhựa Bình Minh (BMP): 20 triệu USD
Nhựa Tiền Phong (NTP): 20 triệu USD
Vincom (VIC): 185 triệu USD
Nước Thủ Đức (TDW): 40 triệu USD
Vietcombank (VCB): 567 triệu USD
Masan (MSN): 159 triệu USD
Hoàn Mỹ: 64 triệu USD.
(Theo ông Nguyễn Nam Sơn - Giám đốc VCP)
|
Đối với Việt Nam, khi ngân hàng trong nước hạn chế cho vay thì nguồn vốn quốc tế là rất quan trọng. Hơn nữa, đây là dòng tiền có lãi suất thấp, phù hợp với DN trong nước. “Năm 2013 và 2014, nhiều công ty Việt Nam sẽ không tồn tại nổi nếu không tái cơ cấu DN, đặc biệt là tiếp cận vốn quốc tế, tập trung vào năng lực cốt lõi và thị trường chính. Lượng vốn ngoại là rất lớn, nhưng DN cần phải chuẩn bị chu đáo và mất thời gian để làm được điều đó”, ông Sơn cảnh báo
.
Cái khó là, hầu hết các công ty Việt Nam không làm nghiên cứu và dự báo thị trường dài hạn 3 - 5 năm, mà chỉ lên kế hoạch kinh doanh trong 1 năm. Đa số chạy theo thị trường, thay vì dẫn dắt thị trường và khẳng định “Việt Nam khác”, nhưng thực tế “Việt Nam không khác”. Bởi thế nên kế hoạch tài chính kém, hạn chế về kênh tiếp cận vốn, chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng mà chưa biết cách tìm đến các nhà đầu tư quốc tế. Trong khi đó, muốn công ty tăng trưởng dài hạn phải tiếp cận được các nguồn vốn quốc tế. Cơ cấu vốn là điểm yếu tài chính của công ty Việt Nam.
Cùng nhận định, ông Dominic Price, Tổng giám đốc J.P.Morgan Việt Nam cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều nơi để đầu tư, nhưng vẫn tìm đến Việt Nam để đổ tiền vào, vì ở đây có khả năng kiếm được nhiều tiền hơn chỗ khác. Do đó, DN Việt Nam phải có khả năng thuyết phục nhà đầu tư bằng sự minh bạch và hoạch định chiến lược. Nếu không, DN sẽ phải thiếu vốn dài hạn.
Bắt buộc phải tái cấu trúc
Thị trường tài chính gồm có thị trường trực tiếp và thị trường gián tiếp. Gián tiếp là thông qua ngân hàng (NH), phi NH như quỹ, cho thuê tài chính... Còn trực tiếp là thị trường tiền tệ (ngắn hạn như thị trường liên NH, thị trường hối đoái), thị trường vốn (dài hạn như chứng khoán). Một DN thiếu tiền có thể vay ở bất cứ nơi nào, miễn sao có lãi vay rẻ nhất. Tuy nhiên, ở thị trường Việt Nam, những nguồn kể trên chưa phát triển, nên DN phải dựa vào NH.
Cho nên, để thị trường tài chính Việt Nam có đủ nguồn cho DN tiếp cận, bắt buộc phải tái cấu trúc. Nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thể tái cấu trúc xong. Đối với thị trường chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào, coi như là một cách góp vốn vào DN Việt Nam. Nhưng chứng khoán cũng lại chưa phát triển. Còn bán trái phiếu, ở Việt Nam có Vincom và Hoàng Anh Gia Lai đã làm. Tuy nhiên, với hình thức này, DN cần phải chứng minh rõ ràng rằng anh là người đáng tin cậy. Mua bán - sáp nhập (M&A) cũng là một cách, nhưng đây là nước cờ cuối cùng. Hoặc 2 DN có thể vay lẫn nhau...
(TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa QTKD, ĐH Ngân hàng TP.HCM)
N.T.Tâm (ghi)
|
N.T.Tâm - Hạnh Vân
Thanh niên
|