Sẽ có thêm nhiều sản phẩm mới cho quỹ đầu tư
Các quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ đầu tư tín thác (ETF) hàng hóa, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư bất động sản… là những sản phẩm đang được cơ quan quản lý nghiên cứu để cho ra đời, nhằm giúp các quỹ và nhà đầu tư bảo vệ được thành quả.
Đó là một trong những thông tin được Vụ trưởng Vụ Quản lý các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) Nguyễn Thành Long chia sẻ với phóng viên.
TBKTSG Online: Thưa ông, lĩnh vực quản lý quỹ thời gian qua hoạt động không hiệu quả, gây tâm lý e dè trong việc mở thêm quỹ mới trên thị trường, ông nghĩ gì về thực tế này?
- Ông Nguyễn Thành Long: Không nên đánh đồng về hiệu quả hoạt động của các quỹ. Trên thị trường có những quỹ hoạt động tương đối tốt và có quỹ chưa hiệu quả, bởi mỗi quỹ có một mục tiêu đầu tư khác nhau. Có quỹ đầu tư chuyên về giá trị, có quỹ đầu tư các sản phẩm OTC hay theo P/E (hệ số giá trên thu nhập), bất động sản.
Quỹ đầu tư vào lĩnh vực A nhưng những công ty thuộc ngành đó hoạt động kém thì quỹ không thể tăng trưởng tốt. Quỹ là công cụ đầu tư gián tiếp, phụ thuộc rất nhiều vào kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp mà quỹ đầu tư vào theo các tiêu chí tại điều lệ quỹ, vì vậy, quỹ cũng khó mà chủ động được hoàn toàn trước những biến động của thị trường.
Một thực tế ta phải thừa nhận là nhiều quỹ đóng trong thời gian qua đã được giao dịch với giá trị dưới giá trị thực, tỷ lệ chiết khấu quá cao, thậm chí lên tới 30-50%, đấy không thể nói đó là do hiệu quả đầu tư của quỹ mà một phần là lỗi của sản phẩm. Nhiệm vụ của chúng ta cần tiếp tục triển khai những sản phẩm mới khắc phục được những hạn chế đó.
Một số quỹ đóng cho biết họ cũng muốn chuyển sang mô hình quỹ mở, ra những sản phẩm mới, song thủ tục tương đối khó khăn, mất thời gian?
- Thông tư 183/2011 đã có hẳn các điều khoản dành riêng cho quỹ nếu chuyển đổi. Ta đang có 22 quỹ nội, tuy nhiên chủ yếu là quỹ thành viên, và chỉ có vài quỹ đại chúng, cụ thể là 6 quỹ đóng.
Theo tôi biết, mới chỉ có vài quỹ đang lên kế hoạch chuyển đổi sang quỹ mở, và chưa có bất kỳ quỹ nào nộp hồ sơ đăng ký chuyển đổi, vì vậy, không thể nói là thủ tục khó khăn, mất thời gian khi mà chưa có trường hợp nào triển khai thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định, việc chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở là không có gì khó khăn, trừ trường hợp các quỹ đóng đang có danh mục đầu tư tập trung quá nhiều vào các cổ phiếu OTC, kém thanh khoản hoặc khó định giá, không đáp ứng điều kiện về thanh khoản đối với danh mục để có thể chuyển đổi sang quỹ mở theo quy định.
Ngoài ra, cũng không loại trừ tâm lý e ngại của các công ty quản lý quỹ, khi mà việc quản lý quỹ mở hoàn toàn không đơn giản, đặc biệt phải đối mặt với tình trạng rút vốn của nhà đầu tư ra khỏi quỹ khi thị trường không thuận lợi. Quỹ đóng, mặc dù có hạn chế nhất định đối với nhà đầu tư (giá thị trường luôn thấp hơn giá trị thực của quỹ), nhưng công ty quản lý quỹ thì sẽ an toàn hơn khi họ không phải đối mặt với sức ép rút vốn trong thời gian quỹ hoạt động.
Nhìn chung, sau khi kết thúc hoạt động một quỹ, lẽ đương nhiên các công ty quản lý quỹ cũng phải tính tới việc thành lập các quỹ khác. Hiện đã có một số công ty đang chuẩn bị hồ sơ cho quỹ mới. Mô hình quỹ đóng có thể sẽ không phổ biến, thay vào đó là các quỹ mở với thời hạn hoạt động không hạn chế. Chúng tôi vừa cấp phép cho 2 qũy mở trong thời gian tới. Các quỹ đóng có thể sẽ còn và nếu có, cũng có thể tập trung nhiều trong các lĩnh vực như bất động sản hay P/E, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Cụ thể hơn, xin ông cho biết thị trường sẽ xoay chuyển theo hướng nào?
- Quỹ đóng thì hiện trên thị trường chỉ có 6 quỹ. Một quỹ hoạt động khá ổn với tỷ lệ tiền mặt cao. Năm quỹ còn lại chuẩn bị đến thời gian chuẩn bị đáo hạn, trong đó theo chúng tôi được biết, có một số quỹ dự định chuyển qua mô hình quỹ mở, còn lại sẽ đóng.
Hiện ta có 18 quỹ thành viên, mô hình này không cần thiết phải chuyển đổi bởi hết cái nọ họ sẽ lập cái kia. Đối với nền kinh tế hiện tại, mô hình quỹ thành viên chắc vẫn còn phát triển vì gắn với các chương trình cổ phần hóa, cũng như sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quỹ thành viên được thành lập trên thỏa thuận giữa các thành viên với nhau và báo cáo với SSC. Các quỹ này hoạt động hoàn toàn theo quy định tại điều lệ quỹ và cơ chế thỏa thuận giữa các bên có liên quan. Việc kéo dài, gia hạn thời gian hoạt động, thanh lý toàn phần hoặc thanh lý một phần quỹ, hoạt động đầu tư của quỹ sẽ do các thành viên thỏa thuận với nhau. Nhìn chung, hoạt động quản lý của SSC đối với các quỹ này là không nhiều.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý thời điểm này tôi cho rằng phải tạo điều kiện cho ra các sản phẩm mới, theo đúng xu hướng tất yếu của thị trường. Cơ quan quản lý phải lập trình để cho thị trường phát triển theo một trật tự nhất định, lo trước nỗi lo của thị trường và làm chính sách không phải vì hiệu quả hiện tại. Chúng tôi tập trung vào xây dựng hành lang pháp lý để khi thị trường cần có thể ra sản phẩm ngay. Từ nền tảng của quỹ mở như chúng tôi đã cho ra đời vừa qua (Thông tư 183), nhiều sản phẩm mới cũng đang được tích cực nghiên cứu, triển khai.
Ví dụ như quỹ ETF, đặc biệt trong đó có sản phẩm ETF hàng hóa hay các sản phẩm khác như công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư bất động sản nhằm kết nối thị trường chứng khoán với thị trường bất động sản, khuyến khích sự phát triển của thị trường bất động sản cho thuê phù hợp với thông lệ quốc tế, hay các sản phẩm hưu trí tự nguyện…
Cần làm gì để các công ty quản lý quỹ tạo dựng giá trị bền vững?
- Nghiệp vụ quản lý quỹ rất đặc thù, khi mà cốt lõi là lòng tin của khách hàng ủy thác. Có tin tưởng, thì khách hàng mới giao tài sản để quản lý, hoặc mới có thể huy động được quỹ.
Tôi nghĩ có ba nội dung giúp các công ty tạo dựng được hình ảnh và giá trị dài lâu. Thứ nhất, đó là tính thượng tôn pháp luật. Thứ hai, là đạo đức nghề nghiệp. Các công ty quản lý quỹ và nhân viên nghiệp vụ phải ý thức được đạo đức nghề nghiệp là giá trị rất khó đong đếm, nhưng rất thực tế. Cái đó có thể cho các công ty tất cả hoặc mất tất cả. Thứ ba mới là chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là sự cẩn trọng và tính chuyên nghiệp. Những giá trị này thì công ty có thể tích lũy trong quá trình hoạt động.
Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi vẫn đang nghiên cứu các sản phẩm mới, làm sao để sớm triển khai theo đúng lộ trình đã được xác định từ trước và không phụ thuộc vào các biến động hiện tại của thị trường. Chẳng hạn như các sản phẩm chứng khoán phái sinh, là công cụ giúp phòng ngừa rủi ro, giúp các quỹ và nhà đầu tư bảo vệ được thành quả. Hoặc các quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ này hình thành không phải cho thị trường chứng khoán mà bảo đảm cuộc sống sau khi nghỉ hưu của một bộ phận dân cư. Tuy nhiên, quỹ sẽ phải tìm đến các địa chỉ đầu tư tin cậy, các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hoặc đầu tư vào trái phiếu chính phủ… và khi đó thị trường tài chính sẽ là một kênh dẫn vốn giúp các khoản tiền nhàn rỗi này tìm địa chỉ đầu tư.
Nhiều ý kiến cho rằng việc công bố thông tin của các quỹ thời gian qua rất hạn chế, cơ quan quản lý sẽ làm gì để việc này được minh bạch hơn?
- Thứ nhất, thông tin về danh mục tài sản ủy thác chỉ cung cấp cho khách hàng ủy thác, chứ không cung cấp cho bên thứ ba.
Thứ hai, thông tin về hoạt động đầu tư của các quỹ thành viên thì cũng chỉ các thành viên được biết (như tài sản của mình hiện nay là bao nhiêu, danh mục tài sản có gì, giá trị hiện tại là bao nhiêu).
Thứ ba, thông tin về hoạt động của quỹ đại chúng (quỹ đóng niêm yết) là mọi hoạt động về danh mục đầu tư, giá trị tài sản ròng đều phải được công bố định kỳ hàng tuần.
Thứ tư, thông tin về công ty quản lý quỹ thì hiện nay chưa có công ty quản lý quỹ đại chúng mà chỉ có các công ty trách nhiệm hữu hạn (thậm chí một thành viên), công ty cổ phần chưa đại chúng. Vì vậy, ngoài các thông tin liên quan tới cơ cấu tổ chức, nhân sự chủ chốt của công ty thì thông tin về hoạt động kinh doanh (hoạt động tự doanh) của họ công bố ra thị trường chỉ dừng ở các báo cáo tài chính.
Song, yếu tố khác khiến thông tin về ngành quỹ chưa nhiều là sự phát triển còn non của ngành. Khi có nhiều loại hình quỹ ra đời, đặc biệt là quỹ mở, thì thông tin sẽ được khai thác nhiều hơn, giúp công chúng hiểu và đánh giá rõ hơn về ngành này.
Cám ơn ông!
Hồng Phúc thực hiện
TBKTSG ONLINE
|