Góc nhìn 18/01: Đối mặt với áp lực giảm sâu?
Phiên giảm điểm ngày 17/01 làm cho nhiều chuyên gia bi quan về diễn biến thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch ngày 18/01. Lo ngại về khả năng thị trường sẽ giảm sâu nếu xuyên thủng mức hỗ trợ 455 là hoàn toàn có khả năng. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng sự điều chỉnh chỉ là tất yếu khi thị trường đã tăng 25% không ngừng và xu hướng tăng sẽ sớm quay lại.
Điều chỉnh cuối tuần
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Thị trường có phiên điều chỉnh giảm mạnh trong phiên giao dịch 17/01, dường như lực bán trong phiên giao dịch chiều qua đã khiến cho tâm lý của bên nắm giữ cổ phiếu lung lay kèm theo đó là áp lực chốt lời khá mạnh tại nhiều cổ phiếu bluechips.
Mặc dù vậy, VDS nhận thấy giao dịch mua ròng của NĐT nước ngoài là điểm sáng của phiên giao dịch hôm nay, họ vẫn duy trì được xu thế mua ròng đồng thời không có hiện tượng bán mạnh đối với nhóm cổ phiếu bluechips (các giao dịch bán lớn chỉ tập trung ở ba cổ phiếu là KDH, DRC và CSM).
Những diễn biến của hai phiên giao dịch vừa qua cho thấy vùng kháng cự hiện tại là khá mạnh đối với VNIndex, tâm lý chốt lời đang chiếm ưu thế hơn so với lực cầu và thị trường đang bắt đầu điều chỉnh với nhịp độ lớn hơn.
Sau phiên giảm điểm ngày 17/01, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm trong phiên giao dịch cuối tuần. Tuy nhiên, VDS kỳ vọng dòng tiền vẫn đang bám trụ thị trường và sẽ có xu hướng dịch chuyển sang các mã chưa tăng nhiều hoặc có cơ bản tốt với mục đích nắm giữ dài hạn nhiều hơn.
Hỗ trợ từ khối ngoại
CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) : Dù đà giảm trải rộng, mức giảm hôm nay chưa quá sâu nếu so sánh tương đối với đợt tăng dài và mạnh vừa qua. Trong khi đó khối lượng 2 sàn vẫn ở mức cao và ổn định chứ không có dấu hiệu hoảng loạn, khối lượng không tăng vọt như thường thấy trong những phiên phân phối.
Nhiều khả năng thị trường hiện tại đã thiết lập được vùng giá và mức khối lượng mới so với thời kỳ trước, nên kể cả khi xảy ra điều chỉnh thị trường cũng khó giảm sâu. Ngoài ra, yếu tố nước ngoài cũng cần được lưu ý khi vẫn đang mua ròng ổn định trên HSX, rủi ro giảm mạnh nhiều khả năng chỉ xảy ra khi có sự đảo chiều xu thế của khối ngoại.
Chúng tôi cho rằng thị trường trong thời gian tới sẽ bước sang giai đoạn mới, sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh giữa các cổ phiếu nên cơ hội tìm kiếm lợi nhuận dù vẫn có nhưng sẽ khó khăn hơn so với giai đoạn trước đây.
Chốt lời và giảm tỷ trọng danh mục
CTCP Chứng khoán Maybank Kimeng Việt Nam (MBKE): Biến động mạnh trên cả hai sàn, VN-Index giảm 1,8% trong khi HNX-Index mất 2,1% so với mức cao nhất trong ngày 17/01. Hai chỉ số đều đưa ra những tiến triển đáng chú ý.
Với VN-Index, trong 5 phiên gần nhất có tới 3 phiên mà mức đóng cửa thấp hơn nhiều so với mức mở cửa - dấu hiệu cho thấy bên bán đang chiếm ưu thế hơn là bên mua. MBKE cho rằng đây là một chỉ báo rằng thị trường đang muốn điều chỉnh sau đợt tăng mạnh 25% không ngừng nghỉ.
Việc khối các nhà đầu tư nước ngoài giảm mua ròng trong các phiên gần đây cũng làm giảm vai trò hỗ trợ giá của họ. Với HNX-Index, chỉ số dừng tại kháng cự 63,8 điểm. Cả hai chỉ số đều đang ở thời điểm gần với một sự điều chỉnh. Với các nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn, họ có thể chốt lời và giảm tỷ trọng danh mục.
Tiếp tục điều chỉnh
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Tâm lý nhà đầu tư thay đổi khá nhanh trong phiên giao dịch ngày 17/01 khi thị trường duy trì khá ổn định trong phần lớn thời gian giao dịch nhưng áp lực chốt lời gia tăng mạnh trong những phút cuối đã kéo chỉ số của hai sàn cùng điều chỉnh.
Đặc biệt là VN-Index giảm điểm khá mạnh với sắc đỏ bao phủ toàn diện trên bảng điện từ và chỉ còn lại một số ít cổ phiếu giữ được sắc xanh. Thị trường vẫn giao dịch sôi động nhưng trong xu thế khá tiêu cực, thanh khoản vì vậy được duy trì ở mức cao trong suốt cả phiên. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng mua ròng với giá trị là 90,5 tỷ đồng, lượng mua vào tập trung ở một số cổ phiếu như MBB, HAG, DPM, VCB.
Sau nhiều ngày thị trường chỉ xuất hiện điều chỉnh trong phiên và khá nhẹ nhàng thì hôm nay đã chứng kiến một phiên điều chỉnh rõ rệt trên cả hai sàn. Hầu hết các cổ phiếu chủ chốt đều giảm điểm, đã có sự bán tháo ở một số cổ phiếu tuy nhiên lượng cầu ở giá thấp vẫn dồi dào.
Thanh khoản tiếp tục ở mức cao cho thấy dòng tiền vẫn đang ở lại trong thị trường, tuy nhiên trước áp lực điều chỉnh khá rõ rệt nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm trong những phiên tới. Nhà đầu tư nên chờ đợi thị trường cân bằng hơn trở lại và thận trọng trước quyết định giải ngân, cân nhắc chốt lời ở những cổ phiếu đã tăng nóng trong thời gian qua.
Giảm mạnh nếu thủng mốc 455
Công ty Chứng khoán ngân hàng Đông Á (DAS): Trong 5 phiên giao dịch gần đây, đường giá vni-index biến động trong vùng 470-455, tuy nhiên khả năng đóng cửa trên 470 điểm không được đánh giá cao. DAS nghiêng về kịch bản thị trường sẽ kiểm định lại mốc 455 điểm trong phiên giao dịch 18/1, nếu mất mốc này sẽ xảy ra hiện tượng bán mạnh của giới đầu cơ vì tại đây chính là đường xu hướng trung hạn kéo dài 2 đỉnh trước đó, tạm thời được xem là hỗ trợ gần nhất, xa hơn là vùng 448-440.
Xét trên các chỉ báo kỹ thuật, Parabolic SAR đang thu hẹp khoảng cách với giá nên nguy cơ cho tín hiệu bán ngắn hạn tăng cao. Và các nhóm chỉ báo ngắn hạn hầu hết đã tạo phân kỳ giá xuống nên hiện tượng rung lắc trong phiên sẽ diễn ra thường xuyên và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Vì vậy, nhà đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc bán hạ bớt tỉ trọng cổ phiếu và thu lợi nhuận tại những vùng kháng cự. Tuy nhiên bán ra bằng mọi giá là không cần thiết trừ phi VN-index xuyên thủng 455 điểm cho thấy khả năng điều chỉnh mạnh bắt đầu. Nhà đầu tư trung và dài hạn tận dụng những phiên điều chỉnh để gia tăng lượng cổ phiếu và nắm giữ.
Sanh Tín tổng hợp (Vietstock)
FFN
|