Thứ Bảy, 12/01/2013 08:42

Doanh nghiệp bảo hiểm: Vẫn nặng tư tưởng tăng doanh thu

“Đã đến lúc không thể tăng trưởng mà vẫn lỗ triền miên”, đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ nói về bước ngoặt chiến lược của công ty.

Năm 2012, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 40.591 tỷ đồng, chỉ tăng 11% so với năm 2011

CEO một công ty bảo hiểm đã từng nói với ĐTCK rằng, rất khó để đánh giá ngành bảo hiểm đang bị “vạ lây” bởi khó khăn kinh tế chung, hay nội tại ngành đã có những vấn đề và khó khăn kinh tế chỉ là cái cớ cho sự suy giảm tăng trưởng. Có thể là cả hai nguyên nhân. Nhưng thực tế, sau bao nhiêu năm phát triển “nóng”, có lẽ không còn quá sớm để các DN ngành bảo hiểm nhìn lại nên phát triển theo chất lượng hay số lượng và thị phần.

Năm 2013, không hẹn mà gặp, nhiều CEO bảo hiểm tuyên bố không chạy theo doanh thu…, chất lượng kinh doanh và tăng trưởng bền vững đã được coi là ưu tiên số 1. Thực tế kinh doanh có phần “phũ phàng” của năm 2012 đã khiến nhiều công ty bảo hiểm “tỉnh mộng”, không còn đưa ra những chỉ tiêu trên trời. Cuối năm 2011, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam từng dự báo thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có thể đạt mức tăng trưởng 20% (doanh thu phí khoảng 24.200 tỷ đồng), nhân thọ tăng trưởng 15% (khoảng 18.400 tỷ đồng) trong năm 2012. Một dự đoán khác cũng lạc quan cho rằng, chí ít tổng phí bảo hiểm thu được trực tiếp có thể lên tới 43.000 tỷ đồng trong năm 2012.

Nhưng thực tế và dự báo cuối cùng đã vênh nhau khá xa. Tác động của cơn lốc suy thoái đã để lại ảnh hưởng xấu đối với việc khai thác kinh doanh bảo hiểm nhiều hơn những dự báo. Kết thúc năm 2012, theo ước tính của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 40.591 tỷ đồng, chỉ tăng 11% so với năm 2011; trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 22.675 tỷ đồng, tăng 10,2% và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 17.916 tỷ đồng, tăng 12%. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường và mức độ tăng trưởng đều thấp hơn so với dự báo.

Không chỉ có các chuyên gia trong ngành từng quá lạc quan với một tương lai tiếp tục tăng trưởng cao của ngành bảo hiểm. Các DN bảo hiểm cũng từng đưa ra kế hoạch rất cao và rồi đến thời điểm này, đa số đã “ngấm đủ” một năm doanh thu không như mong đợi. Vẫn tăng trưởng so với năm 2011, nhưng hầu hết các DN đều không đạt được chỉ tiêu đặt ra hồi đầu năm.

“Doanh thu đạt được 70% kế hoạch đề ra hồi đầu năm 2012 cũng là mừng lắm rồi”, đại diện một DN bảo hiểm nhân thọ nói với ĐTCK. Một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ cũng không nằm ngoài tình trạng này. Số công ty bảo hiểm đạt được chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận so với kế hoạch năm không nhiều. Đưa ra kế hoạch năm quá cao so với thực tế thị trường là một trong những nguyên nhân khiến nhiều DN bảo hiểm rơi vào tình trạng dồn toàn lực “chạy marathon” cuối năm, nhưng cũng không thể đạt chỉ tiêu.

So với các công ty bảo hiểm trong nước, khối DN nước ngoài có cái khó hơn là không được thay đổi kế hoạch kinh doanh đã chốt đầu năm. Nếu như năm 2012, nhiều DN bảo hiểm trong nước liên tục thông báo giảm chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận so với kế hoạch vì tình hình thị trường quá khó khăn, thì với khối bảo hiểm nước ngoài, nếu tập đoàn đã thông qua thì chỉ có “tiến” chứ không được xin “lùi”.

Chỉ tiêu của các DN bảo hiểm nước ngoài thường được tập đoàn mẹ đưa ra khá cao và thường thì năm sau bao giờ cũng cao hơn rất nhiều so với năm trước. Nhưng năm tài chính 2013 này, có lẽ sẽ có sự thay đổi. CEO một công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài nói rằng, công ty sẽ nhìn kết quả của 2012 để xây dựng lại kế hoạch cho năm 2013. Dù không quá thấp nhưng có thể sẽ không cao như kế hoạch đã xây dựng 5 năm về trước. “Công ty phải nhìn vào hiện thực của nền kinh tế để đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp chứ không đặt ra những mục tiêu thiếu tính thực tế”, CEO này nhấn mạnh. Đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cũng nói rằng, năm 2013 chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 10% - thấp hơn cả năm 2012 và là năm có chỉ tiêu thấp nhất trong lịch sử phát triển của công ty tại thị trường Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết của một DN bảo hiểm phi nhân thọ thuộc nhóm 1 mới đây, ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho rằng, hiện nay đối với nhiều DN bảo hiểm, tư tưởng tăng doanh thu vẫn còn khá nặng nề, trong khi đó, vấn đề quan trọng mấu chốt là lãi nghiệp vụ bảo hiểm lại chưa được quan tâm. Chính vì thế, trong năm 2013 các công ty bảo hiểm cần thực hiện tốt định hướng tăng cường hiệu quả khai thác bảo hiểm gốc. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ sau bán hàng cũng là vấn đề cần được quan tâm nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho các DN bảo hiểm.

Ngọc Lan

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro tài sản: Tỷ trọng vẫn nhỏ (07/01/2013)

>   TPHCM: Khởi kiện 492 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (06/01/2013)

>   Gian lận bảo hiểm tràn lan vì luật chưa nghiêm? (05/01/2013)

>   Tuyệt vọng vì bị Bảo hiểm Quân đội “câu giờ” (28/12/2012)

>   Hiểu đúng về bảo hiểm hưu trí bổ sung (30/12/2012)

>   Nhiều công ty mất khả năng trả nợ BHXH (19/12/2012)

>   Năm 2013, bảo hiểm ước đầu tư khoảng 95.000 tỷ đồng (17/12/2012)

>   Năm… đổi chủ của các doanh nghiệp bảo hiểm! (14/12/2012)

>   Gần 100.000 tỷ đồng bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế (12/12/2012)

>   Gian lận bảo hiểm: Kẽ hở đến từ nhà bảo hiểm (03/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật