Chủ Nhật, 30/12/2012 08:10

Hiểu đúng về bảo hiểm hưu trí bổ sung

Hiện tại, nguồn thu của người lao động khi hết khả năng làm việc duy nhất đến từ lương hưu và nguồn thu này là khá ít ỏi, không đủ để đảm bảo cuộc sống an nhàn, đầy đủ cho họ. Các nhà làm chính sách đang xem xét một đề xuất mới là bảo hiểm hưu trí bổ sung để tháo gỡ vấn đề này.

Thế nào là bảo hiểm hưu trí bổ sung?

Trước tiên bảo hiểm (BH) hưu trí là chế độ bảo hiểm thực hiện theo nguyên tắc đóng – hưởng và chỉ đươc thực hiện khi người lao động đóng góp trong quá trình lao động cho đến khi về già, hết tuổi lao động theo luật định. Đây chính là chế độ hưu trí mà nước ta đang áp dụng. Nhưng với khoản lương hưu ít ỏi này thì người lao động khi về già chưa đảm bảo có được cuộc sống đầy đủ.

Người lao động về hưu cần nguồn thu đủ để đảm bảo cuộc sống

Theo Bộ LĐ-TB&XH, cần có nguồn hưu trí bổ sung để bảo đảm cuộc sống người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu, giúp họ có cuộc sống an nhàn lúc tuổi già. Xu hướng trên thế giới cũng cho thấy thu nhập của người nghỉ hưu từ hưu trí cơ bản sẽ giảm dần, thu nhập từ hưu trí bổ sung sẽ tăng dần khi kinh tế phát triển.

Từ quan điểm hoạch định chính sách, hệ thống hưu trí đa tầng (bao gồm cả cơ bản và bổ sung) sẽ giải quyết được những rủi ro khác nhau có liên quan đến vấn đề già hóa dân số (đa dạng hóa nguồn lương hưu cho người lao động; giảm áp lực đối với hưu trí cơ bản…) tốt hơn hệ thống hưu trí đơn tầng (chỉ cơ bản).

Có thể xem hệ thống hưu trí ở Mỹ là một ví dụ minh họa cho hệ thống hưu trí đa tầng. Người lao động về hưu ở Mỹ có 3 nguồn thu nhập nhất định:

Thứ nhất là nguồn thu từ BH hưu trí (bắt buộc) hay quỹ BHXH chung, được xây dựng theo nguyên tắc chung như các quỹ BHXH khác trên thế giới là đóng – hưởng.

Thứ hai là BH hưu trí tự nguyện, hình thức này do doanh nghiệp tự tổ chức trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên.

Nguồn thứ ba đến từ tiết kiệm hưu trí, nguồn này đến từ việc người lao động tự mở tài khoản và đóng tiền vào đó, đối với khoản này người đóng góp sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân nếu cam kết chỉ rút khi đã về hưu.

Với hệ thống hưu trí này thì hai nguồn sau chính là bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Như vậy, bảo hiểm hưu trí bổ sung chính là một chương trình bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc bắt buộc có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức các tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính; thực hiện bởi các định chế tài chính trung gian, dưới sự giám sát của các Cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của Pháp luật.

Bảo hiểm hưu trí bổ sung với nhiều hình thức khác nhau cùng với hưu trí cơ bản bắt buộc mở ra khả năng rộng lớn, đa dạng để người lao động tự lựa chọn, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động khi về già, hết khả năng lao động.

Thế giới triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung ra sao?

Theo thống kê, hiện có 80 nước trên thế giới đã triển khai quỹ hưu trí bổ sung và trong khối APEC chỉ còn duy nhất Việt Nam chưa tiến hành loại hình này.

Đơn cử một vài trường hợp như sau:

Đức vận hành bảo hiểm hưu trí bổ sung theo từng doanh nghiệp, ưu điểm cơ chế này là cấu trúc linh hoạt, chi phí thấp, thuận lợi cho doanh nghiệp tuy nhiên với người lao động thì vấp phải rủi ro phá sản hay rủi ro thanh khoản từ công ty. Để khắc phục nhược điểm này Đức yêu cầu các công ty phải mua “bảo hiểm mất tính thanh khoản”.

Anh, Mỹ, Hà Lan thì thành lập quỹ hưu trí bổ sung, một đơn vị độc lập, có cơ sơ pháp lý, có mục tiêu duy nhất là vận hành chế độ hưu trí bổ sung. Hình thức này khắc phục lại hoàn toàn các nhược điểm của quỹ hưu trí do doanh nghiệp quản lý nhưng lại phát sinh chi phí lớn.

Trung Quốc, Thái Lan lại dựa vào các ngân hàng giám sát và công ty quản lý quỹ quản lý quỹ hưu trí bổ sung. Theo cơ chế này thì ngân hàng giám sát mở cho mỗi người lao động tham gia một tài khoản cá nhân để lưu giữ tiền đóng góp. Khi đó, Chính phủ vừa xây dựng tiêu chí lựa chọn công ty quản lý quỹ đủ năng lực, vừa xây dựng danh mục đầu tư cho quỹ này. Cơ chế này vừa tách bạch với rủi ro doanh nghiệp, vừa không tạo ra chi phí quản lý lớn, nhưng lại cần có khung pháp lý quy định bởi nhà nước.

Kinh nghiệm rút ra

Hầu hết các nước thực hiện đều vào thời điểm cơ cấu dân số vàng và hình thức ban đầu là tự nguyện sau đó chuyển sang bắt buộc khi thích hợp

Ngoài ra, phải chú ý chính sách thuế khi áp dụng, nhìn chung là cần có chính sách thuế ưu đãi như các khoản đóng góp của doanh nghiệp và cá nhân được khấu trừ thuế, thu nhập từ lãi do đầu tư không bị tính thuế, người nghỉ hưu lĩnh tiền hàng tháng không bị đánh thuế, chỉ đánh thuế cho rút một lần.

Bên cạnh đó cũng cần quy định mức đóng góp tối đa, tối thiểu để tránh việc trốn thuế và đảm bảo tính hiệu quả, tức số tiền người lao động nhận được khi nghỉ hưu không quá thấp.

Từ mô hình mà các nước đã áp dụng, chúng ta cũng rút ra những kinh nghiệm trong việc đưa ra quy định ràng buộc giữa người lao động và người sử dụng lao động, mô hình tổ chức, những tiêu chí để lựa công ty quản lý quỹ, quy định về danh mục tài sản được phép đầu tư…

Việt Nam sẽ triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung ra sao?

Tại hội thảo “ Đề xuất những nội dung chủ yếu về bảo hiểm hưu trí bổ sung tại Việt Nam” tại TPHCM hồi cuối tháng 11/2012, ông Phạm Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH đã nêu ra sự cần thiết và nội dung cơ bản hướng đến của quỹ hưu trí bổ sung cho người lao động của Việt Nam.

Theo như ông Giang, với cơ cấu dân số trẻ chiếm đến 62%, thu nhập bình quân của người lao động là 1,300 USD/người/năm, kèm thêm cơ sở hạ tầng gồm nhiều công ty quản lý quỹ và ngân hàng, Việt Nam đã đến thời điểm thích hợp để triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung cho người lao động.

Hiện tại đã có khá nhiều doanh nghiệp triển khai loại hình hưu trí này, tuy nhiên việc triển khai không hề theo khuôn khổ hay cơ sở pháp lý nào. Mô hình bảo hiểm hưu trí bổ sung ở Việt Nam tạo khuôn khổ pháp lý cho các doanh nghiệp thực hiện.

Bảo hiểm hưu trí bổ sung nhằm tăng thêm thu nhập cho người lao động ngoài lương hưu từ hệ thống hưu trí cơ bản hiện hành, từ đó đảm bảo cuộc sống cho họ sau khi bước vào giai đoạn nghỉ hưu, hết khả năng lao động và cũng góp phần giảm gánh nặng xã hội cho ngân sách nhà nước.

Theo như đề xuất của tổ nghiên cứu liên bộ, ban đầu thực hiện chương trình bảo hiểm hưu trí sẽ dựa trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Hoạt động đầu tư của quỹ bảo hiểm hưu trí bổ dung do công ty quản lý quỹ thực hiện dưới sự giám sát của ngân hàng. Công ty này phải đáp ứng được các quy định chặt chẽ của Nhà nước, đồng thời việc sử dụng quỹ để đầu tư cũng theo quy định, vốn sẽ chỉ được đem đầu tư những tài sản có mức độ an toàn cao.

Tài sản hưu trí bổ sung thuộc sở hữu của người lao động và được quản lý trên tài khoản cá nhân. Với doanh nghiệp, quỹ hưu trí được hoạch toán ngoài bảng và do cơ quan giám sát quản lý.

Ngoài ra, một vấn đề được nêu ra tại hội thảo là tạo khung pháp lý về thuế cho chế độ hưu trí, hướng nhắm đến là sẽ có các ưu đãi cho vấn đề này. Cụ thể, khoản đóng góp của doanh nghiệp vào tài khoản hưu trí bổ sung cho người lao động được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, và cá nhân người lao động cũng được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ được miễn thuế khi hưởng theo hàng tháng.

Tuy nhiên, để tránh trường hợp doanh nghiệp trốn thuế thì nhóm nghiên cứu cho biết sẽ có quy định mức sàn và trần cho tỷ lệ đóng góp vào quỹ hưu trí.

Trần Việt (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   Nhiều công ty mất khả năng trả nợ BHXH (19/12/2012)

>   Năm 2013, bảo hiểm ước đầu tư khoảng 95.000 tỷ đồng (17/12/2012)

>   Năm… đổi chủ của các doanh nghiệp bảo hiểm! (14/12/2012)

>   Gần 100.000 tỷ đồng bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế (12/12/2012)

>   Gian lận bảo hiểm: Kẽ hở đến từ nhà bảo hiểm (03/12/2012)

>   Phân loại doanh nghiệp bảo hiểm để tái cấu trúc (30/11/2012)

>   Thị trường bảo hiểm 2013: Chỉ tiêu nào phù hợp? (26/11/2012)

>   Chống gian lận bảo hiểm, khung pháp lý nào? (24/11/2012)

>   Trục lợi bảo hiểm, phải coi là tội phạm (17/11/2012)

>   Doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng (15/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật