Năm… đổi chủ của các doanh nghiệp bảo hiểm!
Năm 2012 là đúng là năm của những cuộc “thay thầy, đổi chủ” của các doanh nghiệp bảo hiểm ở nhóm sau.
Những ngày cuối năm này, dự kiến MIC sẽ “về chung một nhà” với MB
|
Mặc dù Đề án tái cấu trúc thị trường bảo hiểm - tập trung vào việc phân loại DN bảo hiểm thành 4 loại - của Bộ Tài chính vẫn chưa chính thức được ban hành, nhưng ngay tại các DN, chủ yếu là ở nhóm DN tốp sau thì câu chuyện tái cấu trúc vẫn đang diễn ra từ các cuộc đổi chủ. Nhiều người còn nói vui rằng, với những DN bảo hiểm như Bảo hiểm Hàng không, SHB - Vinacomin (SVIC), Quân đội (MIC), Viễn Đông (VASS)… thì 2012 đúng là năm của những cuộc “thay thầy, đổi chủ”.
Nhà băng “làm chủ” bảo hiểm
Câu chuyện song hành ngân hàng - bảo hiểm theo mô thức hình thành các tập đoàn tài chính lâu nay vẫn diễn ra trên thị trường. Do đó, không quá ngạc nhiên khi cả 2 nhà băng là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Quân đội (MB) vừa lần lượt trở thành những ông chủ mới tại SVIC và MIC.
Chủ tịch HĐQT SHB, ông Đỗ Quang Hiển vừa chính thức đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT SVIC. Cùng với đó, ông Bùi Gia Anh, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bảo hiểm Vietinbank (Bảo Ngân) dưới sự giới thiệu của Tập đoàn T&T giữ chức vụ Tổng giám đốc SVIC. Hai vị trí này trước đó đều do các nhân sự thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đảm nhận. Hay với MB, sau khi nắm tới 60% cổ phần tại MIC, những quyết sách về chiến lược kinh doanh cũng như nhân sự tại DN này dường như đã thuộc về MB.
Tương tự, VASS, sau khi có cổ đông lớn là CTCP Thủ phủ tre (Bamboo Capital), Công ty đã tổ chức ĐHCĐ bất thường để thông qua kế hoạch tái cấu trúc. Ông Phạm Văn Thiệt, từng đảm nhận các vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, Tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank trước đó được bầu làm Chủ tịch HĐQT mới của VASS.
Đổi thay nào?
Trước khi MB nâng sở hữu từ 18% lên khoảng 60% cổ phần tại MIC, với vị trí luôn nằm trong Top 10 DN bảo hiểm phi nhân thọ cùng với lượng khách hàng tiềm năng lớn trong quân đội, đồng thời sở hữu khu đất trên đường Lê Văn Lương, MIC đã khiến nhiều đối tác nhòm ngó. Tuy nhiên, chủ mới của MIC vẫn thuộc một đơn vị trong ngành quân đội là MB.
Cũng giống như diễn biến tại SVIC, VNI, VASS, sau khi MB sở hữu cổ phần chi phối, những đổi thay về quản trị của MIC là tất yếu. Đúng như chia sẻ của một ông chủ mới tại một trong những DN bảo hiểm này với ĐTCK, chủ mới của một DN cũng như chủ nhân mới của một ngôi nhà, đã bỏ tiền ra để có được ngôi nhà đó thì không có lý do gì mà họ không ít nhiều trang hoàng, sắm sanh lại nội ngoại thất cho ngôi nhà mới của mình.
Sau khi thuộc về MB, vào những ngày cuối năm này, MIC sẽ “về chung một nhà” với ngân hàng này khi chuyển đến trụ sở tại đường Liễu Giai đẹp nhất nhì Hà Nội. Cùng với đó, Ban tổng giám đốc, HĐQT cũ cũng đã được thay thế bằng người của MB. Ông Nguyễn Quang Hiện, Giám đốc Chi nhánh MB Hoàn Kiếm được giao đảm trách 2 vị trí cao nhất tại MIC hiện tại là Chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc thường trực MIC trong khi MIC chưa có Tổng giám đốc mới.
MIC đang kiện toàn bộ máy với sự phân định rõ các khối hoạt động, giám sát chặt chẽ hơn phần quản lý rủi ro theo hệ thống quản trị của MB. Chưa rõ MIC sẽ thay đổi theo chiều hướng nào, nhưng rõ ràng là từ khi có chủ mới, sản phẩm mới ra nhiều hơn, các chương trình chăm sóc khách hàng cũng được chú trọng hơn. Ngay trong những tháng cuối năm, một loạt chương trình marketing đã được thực hiện nhằm giúp MIC về đích doanh thu. Phát triển các sản phẩm kinh doanh qua kênh ngân hàng (bancassurance) nhằm phát huy cao nhất sức mạnh của hệ thống MB bên cạnh việc tăng cường mở rộng dịch vụ với khối khách hàng hàng quân đội sẽ là điểm nhấn của MIC trong thời gian tới.
Còn với SVIC, khi được hỏi về chiến lược mới sau khi SHB tham gia sâu hơn vào DN này, ông Hiển cũng cho ĐTCK biết, còn hơi sớm để nói về điều này khi mới chân ướt chân ráo “vào” SVIC, nhưng mảng bancassurance sẽ là chiến lược mà các ngân hàng hướng tới khi tham gia sâu vào các DN bảo hiểm. Tuy nhiên, để tăng tính chuyện nghiệp, hiệu quả cũng như giải quyết bài toán đầu tư được cho là còn rủi ro cao của SVIC như thế nào cũng là câu hỏi lớn đối với ông chủ mới.
Cho đến hiện tại, hầu hết thành viên ban lãnh đạo cũ của các DN đổi chủ đã có bến đỗ mới. Điển hình như tại MIC, một vài thành viên trong Ban tổng giám đốc như ông Nguyễn Văn Quang, ông Lê Tuấn Dũng… đã chuyển đến Bảo hiểm Bảo Ngân hoặc về Bộ Tài chính. Hay tại SVIC, bến đậu mới của một số lãnh đạo cũ là Bảo hiểm Bảo Long hay quay trở về với Vinacomin. Dù sự đã rồi, nhưng tâm trạng tiếc nuối, lưu luyến của những ông chủ cũ chắc chắn sẽ còn, cũng chẳng khác nào việc buộc phải rời xa ngôi nhà mình đã từng gắn bó. ‘Thay thầy, đổi chủ” DN cũng là những chuyện đã và sẽ còn xảy ra trong chốn thương trường cạnh tranh gay gắt và khắc nghiệt.
Diệu Minh
đầu tư chứng khoán
|