Nhiều ngân hàng lại lỗi hẹn tăng vốn
Năm 2012 sắp qua đi, nhưng kế hoạch tăng vốn của nhiều ngân hàng, nhất là ở khối ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ vẫn nằm trên giấy.
Vậy là, thêm một năm nữa, kế hoạch tăng vốn ở nhiều ngân hàng tiếp tục phải dời lại.
Nhiều ngân hàng đã không thể tìm cách tăng vốn điều lệ như kế hoạch
|
Phải hoãn sang năm
Có thể điểm tên một số nhà băng đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ từ đầu năm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được như: VietAbank, NamAbank, Oricombank (OCB), Navibank (NVB), Westernbank (WSB)… Nguyên nhân lỗi hẹn chủ yếu do tình hình thị trường chứng khoán suy giảm, giá cổ phiếu ngành ngân hàng rơi vào vùng nhạy cảm, việc thu hút vốn gặp nhiều khó khăn và Ngân hàng Nhà nước thực hiện đề án tái cơ cấu ngành, trong đó, nhóm ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ phải đối mặt với xu hướng hợp nhất hoặc sáp nhập (M&A).
NamA Bank là một điển hình. Với quy mô vốn điều lệ còn khá khiêm tốn, nhà băng này đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.700 tỷ đồng trong năm 2011. Kế hoạch này đã được ĐHCĐ thường niên 2011 của Ngân hàng thông qua. Thế nhưng, do thị trường khó khăn, nhà băng đã dời kế hoạch tăng vốn sang năm 2012 và nhiều khả năng tiếp tục phải hoãn lại vào năm sau.
Tại ĐHCĐ thường niên diễn ra hồi đầu năm nay, bà Nguyễn Thị Xuân Loan, Chủ tịch HĐQT NamA Bank cho biết, có thể năm nay, Ngân hàng sẽ niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE). Theo bà Loan, NamA Bank kiên quyết không lựa chọn hình thức mua bán, sáp nhập với các đơn vị trong ngành, mà sẽ dựa vào nội lực để phát triển, vì thế, tăng vốn là điều cần thiết.
Để có thể tránh được làn sóng M&A đang ngày càng mạnh lên trong lĩnh vực tài chính, kể từ cuối năm ngoái, các nhà băng nhỏ đã lên kế hoạch huy động vốn từ các cổ đông hiện hữu cũng như cổ đông mới, với kỳ vọng tăng thêm tiềm lực tài chính, củng cố nội lực để tồn tại. Vì thế, trong tờ trình ĐHCĐ năm 2012, không ngân hàng nào bỏ sót việc tăng vốn điều lệ.
Trong kế hoạch tăng vốn điều lệ đưa ra đầu năm 2012, VietAbank cho biết, sẽ phát hành cổ phiếu nâng vốn lên 5.000 tỷ đồng, tăng 61% so với trước đó. Theo đó, VietAbank phát hành trên 10,8 triệu cổ phiếu để phân phối nguồn thặng dư vốn cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 3,49%; đồng thời, chào bán cho cổ đông cũ trên 30,9 triệu cổ phiếu tỷ lệ phân phối 10:1, giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu và phát hành hơn 148,3 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư, đối tác trong và ngoài nước, với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phiếu. Thế nhưng, đến nay, kế hoạch này của VietAbank vẫn giậm chân tại chỗ.
Không còn kỳ vọng từ cổ đông lớn
Trước bối cảnh hiện nay, các ngân hàng cần thiết tăng vốn điều lệ để đảm bảo năng lực tài chính, đáp ứng các tiêu chuẩn theo mục tiêu tái cấu trúc hệ thống NHTM của NHNN. Thế nhưng, muốn thực hiện được kế hoạch này không hề dễ dàng, nhất là trước diễn biến của thị trường năm 2012, khi tỷ lệ nợ xấu của các nhà băng tăng mạnh và rơi vào ở nhóm ngân hàng nhỏ. Áp lực sáp nhập và hợp nhất giữa các nhà băng nhỏ gia tăng khi có mức nợ xấu cao và thanh khoản bị đe dọa, khiến cổ đông không mặn mà góp vốn.
Theo lý giải của các nhà băng, sở dĩ ngân hàng phải lùi kế hoạch tăng vốn vào thời điểm cuối năm là do TTCK năm nay giảm sút, giá cổ phiếu ngân hàng chưa được cải thiện, nhất là trước bối cảnh khó khăn đã ảnh hưởng đến tiến trình tăng vốn.
Các nhà băng cũng khó có thể kỳ vọng vào cổ đông chiến lược trong và ngoài nước trong quá trình phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
Trong đề án tái cấu trúc nền kinh tế, mà trọng tâm là tái cấu trúc DNNN, Chính phủ
yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải thu hẹp đầu tư ngoài ngành. Với chủ trương này của Chính phủ, một số ngân hàng không còn trông chờ vào các cổ đông chiến lược là tập đoàn kinh tế nhà nước rót thêm vốn. Chẳng hạn, việc thoái vốn của cổ đông lớn là Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) khỏi VietAbank chắc sẽ chắn ảnh hưởng đến kế hoạch tăng vốn nói trên của Ngân hàng. Đến thời điểm này, VietAbank chưa có động tĩnh gì về việc triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ.
Lãnh đạo OCB cho hay, Ngân hàng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên mức 4.000 tỷ đồng, nhưng đến nay, vẫn chưa thể thực hiện được. Năm 2011, kế hoạch tăng vốn của OCB đã không thành công và Ngân hàng chỉ hoàn thành được 88,7% kế hoạch đề ra (tăng vốn lên 3.400 tỷ đồng). Hiện OCB đã có cổ đông chiến lược nước ngoài là Tập đoàn tài chính BNPP (Pháp), với tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại OCB là 20%, nên đã hết cơ hội gọi vốn từ cổ đông chiến lược nước ngoài. Điều này cũng diễn ra tương tự ở
ABBank.
Việc tìm kiếm cổ đông chiến lược mới để huy động vốn trong bối cảnh hiện nay cũng không dễ với nhà băng. Đơn cử như DongABank, Ngân hàng cho biết, vẫn chưa tìm được đối tác phù hợp, cho dù DongABank đã có một thời gian dài tìm hiểu.
Thùy Vinh
Đầu tư chứng khoán
|