Thứ Bảy, 24/11/2012 13:00

Chống gian lận bảo hiểm, khung pháp lý nào?

Đau đầu với vô vàn chiêu thức gian lận bảo hiểm từ khách hàng, song DN bảo hiểm chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Nguyên nhân cũng vì khung pháp lý đối với hành vi vi phạm này chưa được hoàn thiện.

Trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới thường xuyên xảy ra các vụ trực lợi

Theo thống kê của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2007 -2011, có tới 44.000 vụ trục lợi bảo hiểm được phát hiện, với tổng số tiền lên tới hơn 410 tỷ đồng. Nhiều công ty bảo hiểm đã phải than phiền về việc tốn công, tốn của để phát hiện và ngăn chặn gian lận bảo hiểm, thậm chí lắm khi, nhân viên phải sắm vai thám tử để điều tra các vụ tai nạn của khách hàng. Không những thế, quá trình giải quyết các vụ việc tranh chấp về bảo hiểm thường mất nhiều thời gian, khi khách hàng thường xuyên có đơn khiếu nại. Thậm chí, có vụ việc kéo dài đến vài năm, nếu DN bảo hiểm và khách hàng không tự thống nhất được và một bên quyết định khởi kiện ra tòa.

Hiện đối với hành vi vi phạm các quy định quản lý trong lĩnh vực bảo hiểm, chỉ có Nghị định 118/2003/NĐ -CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định cho phép DN bảo hiểm từ chối bồi thường hay hủy hợp đồng khi phát hiện có hành vi gian dối, “cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường”. Tuy nhiên, việc giải quyết như vậy vẫn nằm trong khuôn khổ quan hệ dân sự, nên các hành vi gian lận bảo hiểm vẫn nở rộ và có xu hướng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.

Bộ luật Hình sự có quy định về các tội danh kinh tế như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng… Gian lận trục lợi bảo hiểm, xét ở phía cạnh pháp lý, đó là hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, việc buộc tội khách hàng đối với các DN bảo hiểm không dễ.

Mặc dù có những tội danh hình sự chỉ cần yếu tố hình thức đã đủ cấu thành, nhưng với các tội danh kinh tế thì cần phải có yếu tố thiệt hại mới có thể kết tội và định khung hình phạt. Xét trường hợp khách hàng gian lận bị công ty bảo hiểm phát hiện và từ chối bồi thường, DN bảo hiểm có căn cứ để chứng minh hành vi gian dối nhưng do hành vi chiếm đoạt chưa xảy ra, DN bảo hiểm chưa bị thiệt hại nên không đủ yếu tố cấu thành tội danh. Chính vì vậy, đối với các hành vi gian lận của khách hàng, khi phát hiện, nhà bảo hiểm chỉ có cách duy nhất là từ chối bồi thường.

Trong trường hợp khách hàng gian lận và DN bảo hiểm đã bồi thường sau đó mới phát hiện ra, công ty bảo hiểm có căn cứ để yêu cầu xử lý hình sự đối với hành vi của khách hàng (tất nhiên xử lý đến đâu, thế nào còn tùy thuộc vào vụ việc cụ thể). Nhưng trên thực tế, chỉ khi có vụ việc nghiêm trọng và sau khi cân nhắc thiệt hơn cẩn thận, nhà bảo hiểm mới đưa ra cơ quan công an, bởi việc này có thể đem lại không ít phiền phức cho họ. Chẳng hạn như cơ quan công an triệu tập nhiều nhân sự phía DN bảo hiểm, trong đó, có cấp lãnh đạo để tường trình về thiệt hại, nguyên nhân xảy ra và trách nhiệm của lãnh đạo cũng như các nhân sự có liên quan. “Nguy cơ” rất lớn là ngoài thủ phạm chính là khách hàng bảo hiểm thì một số nhân sự của DN bảo hiểm cũng có thể bị truy cứu tội danh: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Cố ý làm trái”. Đây là điều đã từng xảy ra. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra có thể sẽ mở rộng diện điều tra, ít nhiều gây ảnh hưởng tới hoạt động của DN.

Như vậy, với những quy định pháp luật hiện tại, nhà bảo hiểm rất khó xử “rắn” đối với khách hàng khai báo sai sự thật nhằm trục lợi bảo hiểm. Tuy nhiên, trước nguy cơ rất lớn từ tình trạng gian lận của khách hàng, nhiều DN bảo hiểm kiến nghị, cần đưa tội danh trục lợi trên thị trường bảo hiểm vào Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi sự hoàn thiện của pháp luật, nhà bảo hiểm có thể đưa ra cơ quan công an các trường hợp mà hành vi gian lận của khách hàng liên quan đến việc làm giả tài liệu, văn bản giấy tờ để đòi bồi thường. Đây sẽ là biện pháp mang tính răn đe khá hữu hiệu đối với những khách hàng có ý định trục lợi.

Hoàng Duy

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Trục lợi bảo hiểm, phải coi là tội phạm (17/11/2012)

>   Doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng (15/11/2012)

>   Tàu Saigon Queen được bảo hiểm thân tàu 4,2 triệu USD (02/11/2012)

>   Thị trường bảo hiểm “gồng mình” về đích (30/10/2012)

>   Bảo hiểm mắc kẹt giữa tình và lý (21/10/2012)

>   Bancassurance, ngân hàng ngoại vào cuộc (20/10/2012)

>   Bảo hiểm thất nghiệp đang bị lợi dụng (19/10/2012)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ, tăng trưởng cao mà vẫn lỗ (16/10/2012)

>   Vụ BHXH Việt Nam cho Cty ALCII vay tiền: Khoản nợ hơn 1.000 tỷ đồng ai trả? (13/10/2012)

>   Ngân hàng không được giữ tiền phí bảo hiểm (12/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật