Thứ Ba, 30/10/2012 08:43

Thị trường bảo hiểm “gồng mình” về đích

Cũng như các ngành khác, bảo hiểm đang chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi những khó khăn của nền kinh tế, khả năng về đích với mục tiêu tăng trưởng 17% doanh thu phí bảo hiểm của thị trường là không dễ.

Theo số liệu tổng hợp thị trường bảo hiểm phi nhân thọ 9 tháng năm 2012 của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), doanh thu phí bảo hiểm gốc ước đạt trên 17.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 11%. Trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, doanh thu phí ước đạt trên 12.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 12%.

Phi nhân thọ: Đổi ngôi

Đối với khối phi nhân thọ, theo số liệu của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, 9 tháng đầu năm, Bảo hiểm Bảo Việt đã lấy lại ngôi vị dẫn đầu thị trường, vị trí này 8 tháng đầu năm đã để rơi vào tay PVI. Đạt gần 4.100 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc, Bảo Việt giữ vị trí số 1, nắm 24% thị phần; tiếp đến là PVI với trên 3.800 tỷ đồng và thị phần 22,4%; tiếp sau là Bảo Minh 9,4% thị phần; PJICO 8,8% và PTI 7,2%.

Về chỉ tiêu tổng doanh thu, Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, con số này 9 tháng đầu năm đạt gần 4.800 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế tăng 21,5% so với cùng kỳ. Nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và con người vẫn là hai nghiệp vụ truyền thống, chiếm tỷ trọng doanh thu cao của DN này.

Nếu theo dõi sát diễn biến kinh doanh trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, có thể thấy, trước đây Bảo Minh và PJICO là hai DN luôn bám sát vị trí thứ hai. Nhưng vài năm gần đây, cuộc “rượt đuổi” cạnh tranh ngôi vị thứ nhất - nhì chỉ là cuộc đua song mã Bảo hiểm Bảo Việt và PVI.

Xét về mùa vụ kinh doanh, có thể thấy, PVI thường dẫn đầu thị trường trong quý II và III hàng năm, do đơn vị này tập trung thu phí bảo hiểm ở các dự án lớn thuộc lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí tại thời điểm đó. Còn từ quý IV tới kết quả chung cuộc hàng năm, Bảo hiểm Bảo Việt chưa khi nào nhường ngôi dẫn đầu thị trường cho DN khác. Điều đó cũng phản ánh đặc thù kinh doanh của Bảo hiểm Bảo Việt là tập trung thu phí bảo hiểm ở thời điểm đầu và cuối mỗi năm.

Về việc đổi ngôi giữa PVI và Bảo Việt, chia sẻ với ĐTCK, ông Trương Quốc Lâm, Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI cho rằng, Công ty không quan tâm nhiều đến vị trí số 1 hay số 2, quan trọng là lợi nhuận và quyền lợi của cổ đông. Chín tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Công ty dự kiến đạt 340 tỷ đồng, hoàn thành 114,8% kế hoạch 9 tháng và 87,6% kế hoạch năm 2012.

Gồng mình về đích

Với kết quả kinh doanh trên, cùng với kết quả được DN, nhất là DN lớn rải rác công bố gần đây cho thấy, cũng như các ngành khác, bảo hiểm đang chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi những khó khăn của nền kinh tế, khả năng về đích với mục tiêu tăng trưởng 17% doanh thu phí bảo hiểm của thị trường là không dễ.

Trong bản tin nội bộ mới đây, Tập đoàn Bảo Việt dự báo tốc độ tăng trưởng bảo hiểm cả năm 2012 sẽ giảm so với tốc độ tăng trưởng của năm 2011.

Năm 2011, theo Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của cả thị trường tăng trưởng khoảng 18%. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 20.576 tỷ đồng, tăng 20,45%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt gần 16.000 tỷ đồng, tăng 16%. Năm 2012, Bộ Tài chính đặt mục tiêu doanh thu phí bảo hiểm ước tăng trưởng 17% so với năm 2011.

Đồng quan điểm, một vài DN thuộc tốp đầu thị trường cho rằng, còn hơi sớm để kết luận chuyện về đích của thị trường bảo hiểm cả năm 2012, nhưng với diễn biến đang diễn ra, thị trường bảo hiểm sẽ không dễ đạt được tốc độ tăng trưởng theo ước tính hồi đầu năm.

“Năm ngoái đã khó, năm nay lại càng khó khăn hơn, người dân càng thắt lưng buộc bụng để đảm bảo chi trả cho cuộc sống hàng ngày, nên không nghĩ nhiều đến bảo hiểm”, đại diện một DN nhân thọ cho biết.

Trên thực tế, 9 tháng đầu năm, cả 2 đơn vị dẫn đầu thị trường phi nhân thọ là Bảo Việt và PVI cũng chỉ tăng trưởng trên dưới 10%. Hay với mảng nhân thọ, trong 9 tháng, đơn vị đang dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm là Prudential cũng chỉ tăng trưởng một vài phần trăm. Đại diện một DN khối nhân thọ nhận định, khối này chỉ tăng trưởng khoảng 13,5 - 15% đã là lạc quan.

Mặc dù vậy, cũng có quan điểm nhận định, khi nền kinh tế quý IV khởi sắc hơn, cộng với việc các DN tập trung đưa ra các sản phẩm hấp dẫn với chiêu thức bán hàng mới, sẽ khiến nhu cầu mua bảo hiểm tăng lên. Hơn thế, với quyết tâm của DN khi thực hiện các kế hoạch trước đó để về đích cuối năm cũng như việc tập trung kết chuyển doanh thu vào những tháng cuối năm, sẽ giúp chỉ tiêu tăng trưởng được cải thiện.

Đại diện PVI cho rằng, các DN thuộc nhóm dưới/thuần túy bán lẻ sẽ gặp khó khăn hơn, khiến chỉ tiêu toàn ngành có thể bị ảnh hưởng, còn với PVI, với đặc thù kết hợp cả bán buôn lẫn bán lẻ (bán lẻ chiếm 40% doanh thu) vẫn sẽ không quá khó khăn về đích theo kế hoạch đề ra. Tính riêng 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu đạt 4.462 tỷ đồng, hoàn thành 105,3% kế hoạch 9 tháng đầu năm và đạt 83,1% kế hoạch năm do PVI Holdings giao.

Mặc dù vậy, có thể thấy, đa số DN đều nhận định, việc đạt được chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu phí 17% là không hề dễ dàng. Gồng mình để về đích sẽ là hình ảnh của các DN bảo hiểm vào những tháng cuối năm này.

Diệu Minh

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Bảo hiểm mắc kẹt giữa tình và lý (21/10/2012)

>   Bancassurance, ngân hàng ngoại vào cuộc (20/10/2012)

>   Bảo hiểm thất nghiệp đang bị lợi dụng (19/10/2012)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ, tăng trưởng cao mà vẫn lỗ (16/10/2012)

>   Vụ BHXH Việt Nam cho Cty ALCII vay tiền: Khoản nợ hơn 1.000 tỷ đồng ai trả? (13/10/2012)

>   Ngân hàng không được giữ tiền phí bảo hiểm (12/10/2012)

>   Doanh nghiệp bảo hiểm thêm cơ sở pháp lý (10/10/2012)

>   Doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ đạt gần 15 nghìn tỷ đồng (07/10/2012)

>   "Tăng thu, giảm chi", bài toán khó giải (06/10/2012)

>   Câu kéo nhân sự bảo hiểm: Những đòn đánh “dưới thắt lưng” (28/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật