Câu kéo nhân sự bảo hiểm: Những đòn đánh “dưới thắt lưng”
Để “đi tắt đón đầu”, hiện đã có những công ty bảo hiểm bỏ ra cả nửa tỷ đồng để mua đứt đại lý bảo hiểm xuất sắc của công ty khác.
Những tưởng “sóng đã yên, biển đã lặng” sau cuộc họp CEO ngành bảo hiểm nhân thọ diễn ra hồi đầu năm 2012, bởi khi ấy CEO của các DN đã bắt tay nhau cam kết tuân thủ quy tắc ứng xử chuyên nghiệp của toàn ngành và chấm dứt tình trạng “mua, bán đại lý”. Nào ngờ...
Hầu như DN bảo hiểm nhân thọ nào ở Việt Nam cũng có đại lý là thành viên của MDRT.
|
500 triệu đồng một thành viên MDRT?
Khi câu chuyện mua GA (Văn phòng tổng đại lý bảo hiểm) với giá vài tỷ đồng tạm thời lắng xuống thì lại xuất hiện vấn đề mới khi các đại lý bảo hiểm là thành viên MDRT đang được rao mua với đắt giá “như tôm tươi”, bởi đây chính là mục tiêu câu kéo mới của DN bảo hiểm chuyên đi “săn” người của công ty khác.
MDRT - tổ chức của các tư vấn bảo hiểm xuất sắc ra đời từ một hội nghị với sự tham dự của 32 nhà tư vấn bảo hiểm được tổ chức vào năm 1927 tại Mỹ. Những người tham gia hội nghị này là những triệu phú thành công từ nghề tư vấn bảo hiểm.
Theo quy định, các đại lý bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam cần phải đạt doanh số phí bảo hiểm khai thác mới tối thiểu là 516.984.600 đồng/năm thì mới được công nhận là thành viên MDRT. Những đại lý có khả năng khai thác tốt như vậy thường chiếm không quá 1% tổng số đại lý đang hoạt động. MDRT đã có mặt tại Việt Nam từ khoảng 10 năm trước. Hầu như công ty bảo hiểm nhân thọ nào ở Việt Nam cũng có đại lý là thành viên của MDRT và họ là những người được công ty đào tạo để từ từ đi lên. Tuy nhiên, để “đi tắt đón đầu”, hiện đã có những công ty bảo hiểm không ngần ngại bỏ ra cả nửa tỷ đồng để mua đứt thành viên MDRT của công ty khác cho… khỏi tốn công đào tạo.
Câu chuyện “chiêu dụ” thành viên MDRT của công ty khác thực ra đã râm ran trên thị trường bảo hiểm nhân thọ từ đầu năm 2012. Cả thị trường đều hiểu thành viên MDRT của công ty bảo hiểm nào đang bị “câu kéo” nhiều nhất và công ty bảo hiểm nào “chịu chơi” bỏ ra cả đống tiền “mua” đại lý là thành viên MDRT của công ty khác. Tuy nhiên, câu chuyện đang nóng lên khi những tin nhắn “mua bán” trắng trợn được gửi tới các đại lý là thành viên MDRT.
Xin trích lại nguyên văn tin nhắn “mua người” trắng trợn này: "Tin nhắn từ công ty…: Văn phòng… tại Thủ Đức xin gửi lời chúc các anh chị cuối tuần được vui vẻ. Công ty… kêu gọi các anh chị gia nhập công ty. Những anh chị bán giỏi đã từng đạt danh hiệu thành viên MDRT (Million Dollars Round Table - một tổ chức của các tư vấn bảo hiểm xuất sắc) sẽ được hỗ trợ tiền mặt ngay 100 triệu và sẽ được nhận thêm 400 triệu nếu đạt chỉ tiêu doanh thu. Chân thành cám ơn. Vui lòng liên hệ số điện thoại 6259… hoặc 093…." . Không hiểu vô tình hay cố ý mà tin nhắn này không chỉ được gửi tới các thành viên trong lực lượng kinh doanh của công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu Việt Nam, mà còn chuyển thẳng tới số điện thoại của phó tổng giám đốc của công ty này.
Ngao ngán
ĐTCK mang câu chuyện này trao đổi với các công ty thành viên khác của thị trường và đều nhận được những cái lắc đầu ngao ngán. Có đại diện DN lại tặc lưỡi, biết đâu đó chỉ là những tin nhắn làm gây nhiễu, gây rối, chứ nội dung có thể không xác thực!?
Ngay cả người trong cuộc - công ty đang bị mất các thành viên MDRT, cũng không muốn bình luận gì thêm.
Câu chuyện đằng sau sự cạnh tranh tàn khốc này là gì: mua để phát triển hay mua để phá vẫn còn nhiều chuyện phải bàn. Tuy nhiên, một câu hỏi cũng đáng được suy nghĩ: Tiền đâu bỏ ra để mua người như vậy? Một người là nửa tỷ đồng, 100 người là 50 tỷ đồng chưa kể các chi phí khác… Số tiền bỏ ra cũng không phải là ít. Liệu tiền thu về có đủ bù đắp chi phí đã bỏ ra hay không, nhất là trong bối cảnh “người khôn của khó” như hiện nay, dễ gì mà khai thác mới?
Bình luận về hiện tượng này, một chuyên gia trong ngành cho rằng, 500 triệu đồng chỉ là mồi nhử - số tiền thực tế bên “câu kéo” bỏ ra chỉ là 100 triệu đồng, bởi rất ít người có thể đạt được chỉ tiêu để có thể nhận được 400 triệu đồng còn lại. Ngoài ra, khi chuyển từ công ty này sang công ty khác, đại lý sẽ mất toàn bộ các khoản hoa hồng tái tục mà họ được quyền hưởng từ công ty cũ.
“Tuy nhiên, con số 100 triệu đồng cũng đủ để nhiều đại lý muốn chuyển đi nếu trước đó họ chỉ bán bảo hiểm cho người quen và nay đang gặp khó khăn về nguồn khách hàng”, ông này nói.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vốn được coi phát triển lành mạnh hơn khối phi nhân thọ, giờ xem ra cũng lộn xộn và bộc lộ nhiều vấn đề. Thực trạng này khiến các DN bảo hiểm may mắn chưa dính rắc rối này cũng phải đưa ra những chiến lược “phòng thủ” để giữ người. Những công ty ở trong vòng xoáy (công ty đi mua người và công ty bị mua) chẳng thể yên tâm mà tập trung phát triển. Chắc chắn, trong “cuộc chiến” này, tất cả sẽ đều thua vì: một bên thì “hao binh tổn tướng” và một bên hao tiền tốn bạc. Và quan trọng hơn, niềm tin đối với thị trường có lẽ cũng bị vơi đi không ít.
Ngọc Lan
đầu tư chứng khoán
|