Doanh nghiệp chưa mặn mà với bảo hiểm tín dụng xuất khẩu
Tại hội nghị bảo hiểm tín dụng xuất khẩu diễn ra ngày 27.9 ở TP.HCM, ông Phạm Đình Trọng, Cục phó Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho hay sau gần hai năm triển khai bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, đến nay rất ít doanh nghiệp mặn mà với hình thức bảo hiểm này.
Ông Trọng cho biết số lượng và giá trị hợp đồng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu ngày càng có xu hướng giảm. Năm 2011, có 15 hợp đồng (với mức phí 8,6 tỉ đồng) được ký kết để bảo hiểm cho hơn 3.700 tỉ đồng hàng hóa xuất khẩu. Trong khi đó, 9 tháng đầu năm nay mới có 6 hợp đồng (với mức phí 2,95 tỉ đồng) để bảo hiểm 471 tỉ đồng giá trị hàng hóa xuất khẩu.
Hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu quen với hình thức thanh toán truyền thống. Theo đó, nhà nhập khẩu sẽ mở L/C (thanh toán tín dụng thư) tại một ngân hàng và ngân hàng này sẽ đảm bảo vấn đề thanh toán cho doanh nghiệp xuất khẩu. Với phương thức thanh toán này, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ đỡ tốn chi phí.
Tuy nhiên, theo bà Võ Thị Phương Anh, đại diện Công ty Coface Services Việt Nam, phương thức thanh toán L/C chỉ phù hợp với thị trường truyền thống của Việt Nam như châu Âu, Mỹ.
Hiện nay các thị trường này đang gặp khó khăn, doanh nghiệp xuất khẩu cần phải tìm kiếm thị trường khác. Do đó, loại hình bảo hiểm tín dụng xuất khẩu sẽ rất cần thiết cho doanh nghiệp trong lúc này.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết bảo hiểm tín dụng xuất khẩu còn quá mới mẻ nên chưa có doanh nghiệp nào thuộc VFA tham gia.
Trong thời gian tới, VFA sẽ khuyến khích doanh nghiệp tham gia loại hình bảo hiểm này đối với thị trường có nhiều rủi ro về thanh toán như Trung Quốc.
Trung Hiếu
Thanh Niên
|