Thứ Ba, 11/09/2012 10:35

Đau đầu với trục lợi bảo hiểm

Chừng nào chưa có các quy định pháp luật rõ ràng hơn, chưa có các chế tài mạnh mẽ hơn cho các hành vi trục lợi bảo hiểm, thì khi đó vẫn còn rất nhiều sự thiệt hại cho ngành bảo hiểm nói riêng và xã hội nói chung.

Theo ông Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trục lợi bảo hiểm nhằm kiếm được số tiền lớn hơn từ bồi thường, chi trả bảo hiểm đang là vấn nạn đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Điều đáng nói, số tiền trục lợi này không phải là sở hữu của doanh nghiệp bảo hiểm mà là trục lợi từ quỹ bảo hiểm do người dân, tổ chức xã hội đóng góp. Trong đó, có một phần đóng góp từ ngân sách Nhà nước, mà bản chất là tiền thuế của nhân dân. Thống kê từ các nước tiên tiến cho thấy, trục lợi bảo hiểm đã lên tới 10% số tiền bồi thường. Tại Việt Nam, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra một số khuyến cáo về trục lợi bảo hiểm đã và đang xảy ra tại nhiều doanh nghiệp ngành này và xã hội.

Trong các hành vi trục lợi bảo hiểm hiện nay, trục lợi bảo hiểm con người và trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới diễn ra khá phổ biến, tinh vi do số đông người tham gia và có lượng hồ sơ yêu cầu bồi thường chi trả nhiều nhất. Đặc biệt, 3 năm gần đây khi bồi thường thiệt hại về người không phân biệt lỗi thì hiện tượng trục lợi càng gây nhiều khó khăn, vất vả cho đơn vị bồi thường... TS. Nguyễn Minh Thảo - Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, nhức nhối nhất hiện nay vẫn là hành vi trục lợi bảo hiểm trong việc tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) bởi nó để lại nhiều tác hại về kinh tế, xã hội. Hiện tượng trục lợi này thường diễn ra dưới nhiều hình thức như doanh nghiệp thực hiện ký hợp đồng với mức lương thấp hơn nhiều so với thực tế hoặc, hợp đồng tách thành các khoản phụ cấp khác… để giảm được đáng kể số tiền đóng BHXH cho doanh nghiệp. Nhưng cả hai hình thức này đều làm người lao động bị thiệt thòi do mức hưởng thấp khi nghỉ việc hay ốm đau, thai sản, hưu trí. Mặt khác, do quy định mức lãi suất chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH trong năm, thường thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng, nên nhiều doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ BHXH…

Ngoài ra, còn “muôn hình vạn trạng” các trường hợp lạm dụng việc hưởng chế độ BHXH, BHYT như cho người khác mượn thẻ BHYT, không ốm vẫn khám bệnh lĩnh thuốc, sau đó đem bán lại cho các cửa hàng thuốc ngoài bệnh viện và coi đây là nguồn thu nhập thêm. Theo nhận định của một số chuyên gia, một trong những nguyên nhân của tình trạng lạm dụng BHXH, BHYT là do nhận thức của người dân, doanh nghiệp và phương thức chi trả chi phí khám chữa bệnh hiện nay là thanh toán theo phí dịch vụ cũng tạo điều kiện phát sinh trục lợi bảo hiểm. Giám đốc pháp lý của một công ty bảo hiểm nhân thọ cho biết, trong những năm gần đây, tình trạng trục lợi bảo hiểm trên nhiều loại yêu cầu bồi thường đang gia tăng nhanh đã tạo thêm gánh nặng cho xã hội. Con số thống kê tại công ty này cho thấy, trong vòng 1 năm, tổng số tiền chi trả bồi thường cho các trường hợp nằm viện lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhiều yêu cầu chi trả bồi thường bảo hiểm hơn 10 ngày nằm viện cho những bệnh lý thông thường như đỏ mắt, viêm khớp… Tổng số tiền bồi thường đã chi trả cho nhóm bệnh nêu trên chiếm gần 50% trên tổng số tiền bồi thường bảo hiểm. Nhiều trường hợp gian lận bảo hiểm có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhưng doanh nghiệp bảo hiểm luôn gặp khó khăn trong việc đưa ra cơ quan điều tra và truy tố do chưa có hướng dẫn cũng như quy định pháp luật rõ ràng cho việc xử lý các trường hợp trục lợi này.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên - Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm AAA cho biết, trục lợi không chỉ là một vấn nạn của ngành bảo hiểm, mà còn là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều năm thua lỗ của các công ty bảo hiểm. Ở Việt Nam, trục lợi bảo hiểm diễn biến khá nghiêm trọng so với các quốc gia khác bởi trình độ quản lý, tập quán kinh doanh bảo hiểm chưa theo đúng chuẩn mực thị trường, luật pháp về vấn đề này còn lỏng lẻo. Vì vậy, theo bà Kim Liên, trong điều kiện hiện nay khi pháp luật chưa đủ sức răn đe các đối tượng trục lợi bảo hiểm, thì các công ty bảo hiểm phải tìm cách tự bảo vệ mình trước. Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm có thể thành lập những phòng, tổ công tác chuyên trách điều tra đấu tranh chống trục lợi bảo hiểm. Riêng đối với AAA, từ giữa 2011 đến giữa 2012, Phòng Điều tra của Công ty đã điều tra kết luận trên 30 vụ trục lợi bảo hiểm lớn với số tiền trên 5 tỷ đồng. Đến nay, Phòng giám định bồi thường tập trung của công ty đã phối hợp với một số cơ quan sở ngành xác minh nguồn gốc đối với các khiếu nại với số tiền bồi thường từ 50 triệu đồng trở lên… Nhiều vụ việc, doanh nghiệp bảo hiểm nhận thấy có dấu hiệu trục lợi nhưng không thể thu thập bằng chứng, bởi chính hệ thống pháp luật chưa mở cho doanh nghiệp thẩm quyền yêu cầu các cơ quan đang lưu giữ bằng chứng phải cung cấp. Vì vậy, hầu như doanh nghiệp bảo hiểm phải tự “bơi” trong khi nạn trục lợi đang diễn ra ngày càng gia tăng và phức tạp. Rất nhiều vụ việc, doanh nghiệp bảo hiểm đã phải “ngậm đắng” chấp nhận giải quyết bồi thường cho khách hàng trong khi biết chắc rằng đây là trường hợp gian lận dẫn đến tiền lệ xấu về sau do hệ thống pháp luật chưa đủ chế tài răn đe hoặc đơn giản là vì “chưa có tiền lệ”. Trên thực tế, từ khi mở cửa thị trường bảo hiểm cho đến nay, chưa có một vụ việc gian lận bảo hiểm nào bị truy tố ra trước pháp luật, chưa một cá nhân nào phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi trục lợi bảo hiểm. Và chừng nào chưa có các quy định pháp luật rõ ràng hơn, chưa có các chế tài mạnh mẽ hơn cho các hành vi trục lợi bảo hiểm, thì khi đó vẫn còn rất nhiều sự thiệt hại cho ngành bảo hiểm nói riêng và xã hội nói chung.

 Tuyết Anh

Thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Từ 1/10, DN bảo hiểm phải công khai thông tin (07/09/2012)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ: 7 tháng, doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng 14,78% (04/09/2012)

>   Bảo hiểm đang “tự bơi” trong “biển” trục lợi (04/09/2012)

>   Bảo hiểm nhân thọ kiếm lời tốt với đầu tư trái phiếu (31/08/2012)

>   Liberty tăng vốn đầu tư lên hơn 1.200 tỉ đồng (26/08/2012)

>   Bảo hiểm nhân thọ tiếp tục Bắc tiến (24/08/2012)

>   Trục lợi bảo hiểm, cần xử lý hình sự (21/08/2012)

>   Bảo hiểm nhân thọ liên tiếp tung “hàng nóng” (14/08/2012)

>   Bảo hiểm cháy nổ và rủi ro đặc biệt: Cần nâng phí (07/08/2012)

>   Cimigo: Liberty, Bảo Việt dẫn đầu về bảo hiểm ô tô (06/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật