Bảo hiểm cháy nổ và rủi ro đặc biệt: Cần nâng phí
Hiệp hội Bảo hiểm cũng đề nghị, các doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình tham gia chào phí, ngoài việc đánh giá đúng về bản chất rủi ro, mức độ rủi ro, cần tuân thủ biểu phí theo quy định của Bộ Tài chính.
Ảnh hưởng từ nhiều rủi ro, thảm họa xảy ra trong năm 2011 tại các quốc gia châu Á, điển hình như thảm họa kép (động đất – sóng thần) tại Nhật Bản, đã khiến cho hầu hết công ty tái bảo hiểm lớn phải tiến hành các biện pháp thắt chặt nghiệp vụ để bù đắp các thiệt hại đã phải gánh chịu trong năm.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, các công ty bảo hiểm Việt Nam cũng gián tiếp bị các nhà tái bảo hiểm siết chặt các điều kiện nhận bảo hiểm như: hạn chế nhận bảo hiểm cho các ngành hàng như dệt may và da giầy, nhựa, gỗ, giấy bao bì, sơn…
Các nhà tái báo hiểm sẽ nâng tỷ lệ phí từ 0,15 - 0,2%, tùy thuộc vào mức độ rủi ro cũ - mới của các ngành hàng này và áp dụng giới hạn bồi thường đối với tổn thất thảm họa với mức giới hạn từ vài chục tới hàng trăm triệu USD.
“Với giới hạn bồi thường này, nếu xảy ra một trận lụt như ở Thái Lan những năm trước thì hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam sẽ phá sản”, Hiệp hội Bảo hiểm cảnh báo.
Thực tế, ngay từ cuối năm 2011, những nhà tái bảo hiểm hàng đầu thế giới đã gửi thông điệp thông báo về việc sẽ tăng mức phí tái bảo hiểm và thắt chặt điều kiện bảo hiểm đối với khách hàng tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, áp dụng từ năm 2012.
Bà Đỗ Thị Kim Liên, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm AAA cho biết, không chỉ tăng phí tái bảo hiểm gấp đôi đối với những nghiệp vụ bảo hiểm được tính toán sẽ có nhiều rủi ro trong năm nay, các nhà tái bảo hiểm còn yêu cầu nhiều điều khoản chặt chẽ, các quy trình đánh giá rủi ro cũng khắt khe hơn.
Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước cho biết, lo ngại ngày càng lớn hơn về rủi ro thiên tai ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam, chỉ là một trong những lý do khiến các nhà tái bảo hiểm có nhiều thay đổi về chính sách nhận tái. Một nguyên nhân khác là, 2 năm qua, tại Việt Nam cũng đã xảy ra nhiều vụ tổn thất tài sản lớn do cháy nổ… Số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm cho thấy, trong những năm qua, Việt Nam không bị tác động bởi các tổn thất thảm họa lớn như bão, lụt, nhưng năm 2011 vẫn là năm thị trường bảo hiểm tài sản chịu rất nhiều tổn thất do cháy lớn. Trong hàng trăm vụ tổn thất do cháy, chỉ 13 vụ lớn đã có số ước dự phòng bồi thường gần 1.459 tỷ đồng. Số tiền này so với tổng phí thu được là xấp xỉ 100%. Phần lớn các tổn thất của thị trường đều phát sinh từ các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may và da giầy, nhựa, gỗ…
Rủi ro cao, nhưng vì thị trường cạnh tranh khốc liệt để giành giật thị phần, nên nhiều doanh nghiệp vẫn sẵn sàng hạ phí. Tình trạng hạ phí phổ biến khiến tỷ lệ phí trung bình của nhóm hàng này thậm chí xuống thấp hơn 0,1%. Đây rõ ràng là một nghịch lý.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cảnh báo, để tồn tại và phát triển bền vững, các doanh nghiệp bảo hiểm cần thực hiện ngay các giải pháp tăng phí đối với các rủi ro kể trên, thậm chí không chấp nhận bảo hiểm cho những ngành hàng rủi ro quá cao.
Thực tế, 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc những nhóm hàng trên đều thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Việc lấy lý do không có chứng nhận phòng cháy chữa cháy chỉ là cách tạo cớ để cạnh tranh bán bảo hiểm tự nguyện thấp hơn bảo hiểm bắt buộc. Nếu các doanh nghiệp bảo hiểm tuân thủ việc chào phí theo đúng biểu phí của Thông tư 220/2010/TT-BTC thì tỷ lệ bồi thường nghiệp vụ sẽ giảm đi rất nhiều.
Hiệp hội Bảo hiểm cũng đề nghị, các doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình tham gia chào phí, ngoài việc đánh giá đúng về bản chất rủi ro, mức độ rủi ro, cần tuân thủ biểu phí theo quy định của Bộ Tài chính. Đối với những khách hàng mới tham gia bảo hiểm lần đầu, các doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ ngay việc chào phí theo quy định của Thông tư 220/2010/TT-BTC. Với những khách hàng thời gian trước đã áp dụng mức phí thấp hơn quy định của Thông tư 220/2010/TT-BTC, doanh nghiệp bảo hiểm cần điều chỉnh tăng dần đến mức phí chuẩn. Đến hết 31/12/2013, bắt buộc phải chào phí tuân thủ theo đúng biểu phí quy định. Khi đó, bất kỳ doanh nghiệp bảo hiểm nào vi phạm quy định của Bộ Tài chính về việc áp dụng biểu phí, Hiệp hội Bảo hiểm sẽ báo cáo Bộ Tài chính để xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ngọc Lan
đầu tư chứng khoán
|