Bảo hiểm tai nạn điện: Dân thành thị thờ ơ
Nghị Định số: 52/2012/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy sẽ áp dụng vào ngày mai (5/8). Nghị định ra đời sẽ một cách cửa cho phân khúc bảo hiểm cháy nổ sôi động hơn nhất là ở phân khúc khách hàng cá nhân.
Mặc dù Nghị định 52 chủ yếu dành cho doanh nghiệp nhưng đối với công tác phòng cháy chữa cháy ở các hộ gia đình cá nhân Nghị định cũng quy định cụ thể khi sự cố phát sinh từ hộ gia đình cá nhân thì phải chịu phạt hành chính đến mức 10 triệu đồng. Không quá kỳ vọng sẽ có sự thay đổi lớn trong việc mua bảo hiểm để tự bảo hiểm sau khi những quy định này ra đời bởi mua bảo hiểm ở nước ta vẫn đang bị xem như chuyện bắt buộc, khiên cưỡng, nhằm đối phó với pháp luật. Tuy nhiên các nhà bảo hiểm tin rằng, những quy định chặt chẽ hơn của luật cũng tác động nhiều đến ý thức của người dân trong việc bảo vệ tài sản của chính mình và xã hội.
Khảo sát nhỏ của Công ty cổ phần bảo hiểm AAA về nhu cầu mua bảo hiểm tai nạn người sử dụng điện cho thấy, việc mua bảo hiểm sản phẩm này của người dân tại vùng thành thị, thành phố khá thờ ơ trong khi người dân ở nông thôn lại khá hứng thú. Dù ở vùng nông thôn công tác tuyên truyền và hệ thống cộng tác viên, đại lý bán bảo hiểm còn yếu, không đủ nhân lực để tư vấn từng hộ giải thích quyền lợi thuyết phục khách hàng mua… Thực tế, những khách hàng ở Khu vực thành thị, thành phố do hệ thống đường dây điện, các hộ gia đình gần nhau và các thiết bị sử dụng điện thường tốt hơn vùng nông thôn, nên việc chập cháy nổ, điện giật tại nhà dân ít hơn vùng nông thôn, do đó việc mua sản phẩm bảo hiểm này tại vùng thành thị, thành phố có phần thờ ơ hơn nông thôn. Khách hàng nông thôn khi được tư vấn cụ thể họ rất thích tham gia sản phẩm này, vì tai nạn điện xảy ra rất nhiều ở khu vực nông thôn do chưa đủ kiến thức về sử dụng điện an toàn. Trong khi, người dân thành phố quan tâm nhiều đến bảo hiểm cháy nổ tài sản nhà cửa, do phần lớn các nguyên nhân cháy là do chập điện.
Bảo hiểm tai nạn người sử dụng điện với mức phí chưa đến một tô phở nhưng khi tham gia bảo hiểm, thực ra quyền lợi của khách hàng lớn hơn rất nhiều lần so với số tiền bỏ ra. Chỉ cần đóng phí 28.000đồng/ năm/ hộ cho sản phẩm Bảo hiểm tai nạn người sử dụng điện, khách hàng sẽ được bảo vệ 24/24h, mức bồi thường tối thiểu 10 triệu đồng…Trên thị trường nhiều doanh nghiệp đã triển khai sản phẩm này tuy nhiên với một số doanh nghiệp vẫn đang làm cho có chứ cũng chưa thật sự mặn mà. Bởi, để triển khai sản phẩm này cần có lực lượng cộng tác viên đi xuống từng hộ dân tại mỗi ấp xã, thôn.. do đó chi phí kinh doanh dành sản phẩm này cao, cạnh tranh về chi phí, trong khi phí bảo hiểm từng hộ dân thấp…
Bà Đỗ Thị Kim Liên-Tổng giám đốc bảo hiểm AAA cho rằng, tham gia bảo hiểm không chỉ bảo toàn về tài chính khi chẳng may xảy ra rủi ro …mà thực tế còn mang ý nghĩa cộng đồng và tính nhân văn cao giúp cân bằng tài chính,an sinh xã hội cho đất nước “Bảo hiểm là lấy may mắn của nhiều người để chia sẻ cho số ít thiếu may mắn”
Thực tế, hiện nay các sản phẩm bảo hiểm đã được các công ty bảo hiểm thiết kế để phủ sóng tới tận cả các đối tượng địa bàn và vùng miền với nhiều mức phí và quyền lợi bảo hiểm khác nhau, tuy nhiên, bà Liên cũng thừa nhận, việc mua bảo hiểm ở Việt Nam vẫn đang bị xem như chuyện bắt buộc, khiên cưỡng, nhằm đối phó với pháp luật. Tất nhiên cũng có một nguyên nhân là do các công ty bảo hiểm vẫn chưa tạo được niềm tin cho người dân vào dịch vụ của mình. Nhưng bà Liên tin rằng, người dân, rồi cũng sẽ nhận ra vai trò của bảo hiểm và biết cách để tiếp cận bảo hiểm và coi bảo hiểm như một công cụ thông minh bảo vệ tài chính cho gia đình mình an toàn nhất và góp phần xây dựng nền kinh tế phát triển.
Các công ty bảo hiểm, muốn tồn tại và phát triển bắt buộc cũng phải làm tốt vai trò và sứ mạng của mình. Chính vì thế, như trước đây với những sản phẩm bảo hiểm có doanh thu phí thấp, đối tượng không rộng hay còn gọi là phân khúc “ngách”… các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không mấy mặn mà để triển khai thì hiện nay tình hình đã khác. Các doanh nghiệp sẵn sàng triển khai sản phẩm thuộc mọi phân khúc dù doanh thu phí hàng tháng chỉ tính bằng đơn vị nghìn đồng. Thực tế, hướng đến mọi đối tượng mọi thành phần xã hội không chỉ là chiến lược của một vài công ty bảo hiểm.Nhưng nói gì thì nói bảo hiểm cũng là kinh doanh mà kinh doanh thì phải có hiệu quả và để có hiệu quả thì “Người bảo hiểm và Người được bảo hiểm” phải có tiếng nói chung và đôi bên cùng có lợi đây là mục tiêu phát triển bền vững.Mấy năm gần đây vai trò của ngành bảo hiểm đã được chính phủ quan tâm và đánh giá cao trong chiến lược phát triển ngành bảo hiểm đến năm 2020 các cơ quan quản lý cũng tính tới việc ban hành các chế độ bảo hiểm bắt buộc mới phục vụ mục tiêu an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ người có thu nhập thấp tham gia bảo hiểm, hỗ trợ phát triển các nhóm sản phẩm vì mục đích cộng đồng và an sinh xã hội….
Ngọc Nhi
DĐDN
|