Thứ Ba, 24/07/2012 08:24

Bảo hiểm du lịch cá nhân: Dư địa lớn

Khác với du khách các nước phát triển luôn rất quan tâm chọn mua bảo hiểm du lịch, du khách Việt thường mua bảo hiểm chỉ để đáp ứng yêu cầu xin visa chứ chưa quan tâm thực sự đến quyền lợi và phạm vi bảo hiểm.

Những năm vừa qua, lượng người Việt Nam ra nước ngoài công tác, du lịch, thăm người thân… ngày càng tăng. Đa số du khách Việt ít kinh nghiệm xuất ngoại thường khá chủ quan trước những rủi ro tiềm ẩn và những sự cố bất ngờ có thể xảy đến từ sự thay đổi về múi giờ, khí hậu, thời tiết, vấn đề thủ tục, đi lại, ăn uống… Vì thế, khác với du khách các nước phát triển luôn rất quan tâm chọn mua bảo hiểm du lịch, du khách Việt thường mua bảo hiểm chỉ để đáp ứng yêu cầu xin visa chứ chưa quan tâm thực sự đến quyền lợi và phạm vi bảo hiểm.

Theo quy định của Luật Du lịch, tất cả các chuyến du lịch nước ngoài thông qua tổ chức du lịch đều bắt buộc phải có bảo hiểm du lịch toàn cầu trong suốt thời gian thực hiện chuyến đi, còn đối với du lịch cá nhân hoặc tự tổ chức thì không có sự bắt buộc này, nhưng sẽ theo quy định của từng nước đến. Dù số tiền mua bảo hiểm chỉ chiếm khoảng 1% tổng chi phí chuyến đi và khoảng 0,04% so với mức trách nhiệm tối đa mà công ty bảo hiểm phải trả cho khách hàng khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, nhưng nhiều du khách hoặc công ty lữ hành vẫn tiết kiệm từ vài đến vài chục USD trong khoản tiền này.

Theo bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm AAA, vướng mắc chính vẫn nằm ở việc các công ty bảo hiểm, khi bán sản phẩm bảo hiểm du lịch toàn cầu cho khách hàng, chưa tư vấn đến nơi đến chốn. Mặt khác, một số ít công ty bảo hiểm làm ăn manh mún, thiếu chuyên nghiệp và thiếu uy tín, trở thành “con sâu làm rầu nồi canh”, khiến nhiều người mất lòng tin với cả các công ty bảo hiểm uy tín.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều công ty bảo hiểm cung cấp sản phẩm du lịch quốc tế, mỗi sản phẩm có số tiền bảo hiểm, quyền lợi đi kèm, điều kiện loại trừ và trợ giúp khác nhau. Vì vậy, để chọn một sản phẩm thích hợp cho mình, khách hàng nên xem xét và tìm đến các công ty uy tín hoặc tham khảo những người quen đã có kinh nghiệm đi du lịch. Phí sản phẩm cũng là một yếu tố cần quan tâm, nhưng không phải là quyết định. Một số công ty có phí thấp nhưng chất lượng sản phẩm cũng như quyền lợi chi trả, cách thức chi trả, cách thức giải quyết và cả dịch vụ trợ giúp của đối tác bên nước ngoài… không tốt hoặc không phù hợp.

Bảo hiểm du lịch, đặc biệt là bảo hiểm du lịch quốc tế, hiện còn khá nhiều dư địa, vì lượng khách đi du lịch nước ngoài ngày càng nhiều. Với các công ty bảo hiểm, dù phí bảo hiểm du lịch chiếm một phần rất nhỏ trong tổng doanh thu phí, nhưng đây là một sản phẩm được đánh giá khá quan trọng vì nó đáp ứng được nhu cầu của cá nhân và cũng là sản phẩm dễ làm maketing.

Ông Phạm Trường Khánh, Giám đốc Maketing của Công ty bảo hiểm Liberty cho biết, không chỉ các công ty lữ hành, các khách hàng cá nhân cũng đang rất quan tâm đến bảo hiểm du lịch.

“Mức tăng trưởng bình quân sản phẩm bảo hiểm du lịch của Liberty luôn ở mức 30%, bán qua kênh trực tuyến thì mức tăng trưởng còn cao hơn, dù khách hàng mua bảo hiểm du lịch của Công ty chủ yếu là khách hàng cá nhân”, ông Khánh nói.

Đối với Công ty bảo hiểm BIC, chỉ riêng kênh bán hàng trực tuyến cũng thu được gần 100 triệu đồng/tháng tiền phí bảo hiểm sản phẩm này. Trong đó, 2/3 khách hàng mua bảo hiểm du lịch qua kênh trực tuyến là khách hàng cá nhân.

Trong khi đó, mới tung ra thị trường từ hồi đầu tháng 3, nhưng bảo hiểm du lịch quốc tế của Bảo Minh cũng mang lại doanh thu khá tốt. Khách hàng chính của Bảo Minh là các doanh nghiệp lữ hàng, các tour du lịch.

Các doanh nghiệp lữ hành cũng thường chọn các công ty bảo hiểm trong nước để mua bảo hiểm du lịch cho khách, bởi mức tránh nhiệm bảo hiểm được xây dựng khá “mềm”, hoa hồng cao. Vì vậy, đối với khách hàng là các doanh nghiệp lữ hành, các công ty bảo hiểm nước ngoài rất “ít cửa” cạnh tranh trong phân khúc này.

Khách hàng cá nhân đang ngày càng chú trọng đến việc mua bảo hiểm khi đi du lịch. Mảng thị trường này đang là “đích ngắm” của các công ty bảo hiểm. Theo ông Phạm Trường Khánh, sẽ ngày càng có nhiều người có ý thức mua bảo hiểm khi đi du lịch nước ngoài, nên “dư địa” của phần khúc này là rất lớn.

Việt Nguyễn

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Lợi nhuận DN bảo hiểm khó tách rời đầu tư (22/07/2012)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ, “cá bé nuốt cá lớn” (17/07/2012)

>   5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng âm (19/06/2012)

>   Hệ thống cảnh báo rủi ro bảo hiểm: Khoảng trống mênh mông! (23/06/2012)

>   Đại lý bảo hiểm “bắt cá hai tay” (25/06/2012)

>   Quy tắc ứng xử của DN bảo hiểm: Luật tại tâm (02/07/2012)

>   Bảo hiểm bán lẻ chiếm thế thượng phong (13/07/2012)

>   Đã hoàn tất dữ liệu về danh sách đen đại lý bảo hiểm (29/05/2012)

>   Vì sao không bảo hiểm ngoại tệ và vàng? (23/05/2012)

>   Bảo hiểm tiền gửi chỉ áp dụng với VND (23/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật