Thứ Ba, 17/07/2012 23:04

Bảo hiểm phi nhân thọ, “cá bé nuốt cá lớn”

Những tháng đầu năm, các DN bảo hiểm phi nhân thọ có sự đổi ngôi rõ rệt, không chỉ những DN ở nhóm trên, mà ngay cả các DN nhóm dưới cũng có sự thay đổi, bứt phá mạnh mẽ.

4 tháng đầu năm, các DN dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốc là PVI, Bảo Việt, Bảo Minh, PTI, PJICO...

Số liệu ước tính từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2012, dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốc là PVI với 1.882,7 tỷ đồng, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2011, chiếm thị phần 23,3%. Tiếp đến là Bảo Việt, với doanh thu 1.764,03 tỷ đồng, tăng 17,8%, chiếm gần 22% thị phần. Bảo Minh vươn lên vị trí thứ ba (quý I/2012, vị trí này thuộc về PTI), với doanh thu 840 tỷ đồng, tăng 2,4%, chiếm 10,4% thị phần. PTI đứng thứ tư, với doanh thu 763 tỷ đồng, tăng 198,7%, chiếm 9,5% thị phần. PJICO đạt doanh thu 600 tỷ đồng, tăng 9%, chiếm 7,4% thị phần, đứng thứ năm. MIC đạt doanh thu 220 tỷ đồng, vươn lên vị trí thứ sáu. Các vị trí tiếp theo lần lượt là Samsung Vina, ước đạt 205 tỷ đồng doanh thu; BIC ước đạt 199 tỷ đồng doanh thu;Liberty đạt 162,9 tỷ đồng doanh thu…

Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, bảo hiểm phi nhân thọ là bán lời cam kết bồi thường, nên nhìn bề ngoài thì năng lực cung cấp lời cam kết bồi thường của một DN bảo hiểm dù lớn hay nhỏ là vô giới hạn, có thể cạnh tranh ngang ngửa với nhau và thậm chí “cá bé có thể nuốt được cá lớn”.

Trong nhóm DN thuộc Top 10, từ MIC trở xuống, sự bứt phá về doanh thu có thể là một bất ngờ thú vị cho thị trường. Nhưng với nhóm DN Top 5, sự thay đổi này không quá ngạc nhiên. Nhìn lại thống kê về doanh thu bảo hiểm gốc năm 2011 cho thấy, DN có doanh thu cao nhất vẫn là Bảo Việt với 4.877 tỷ đồng, kế đó là PVI với 4.241 tỷ đồng, Bảo Minh đứng vị trí thứ ba với 2.132 tỷ đồng, PJICO đứng thứ tư với 1.888 tỷ đồng và thứ năm là PTI với 1.084 tỷ đồng, nhưng nếu so về tốc độ tăng trưởng trung bình bảo hiểm gốc qua 3 năm gần nhất, từ 2009 đến 2011, thì tốc độ tăng trưởng của PTI là cao nhất với 29%, sau đó là PVI với 27%, PJICO 23%, Bảo Việt 16%, Bảo Minh khoảng 8%.

Khi mới thành lập, các DN bảo hiểm thường phấn đấu tăng trưởng doanh thu bằng mọi giá, trong đó chủ yếu là hạ thấp chuẩn mực kỹ thuật về quy tắc, điều khoản, điều kiện bảo hiểm, khấu trừ, phí bảo hiểm… để thu hút, “giành giật” khách hàng. Điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận bảo hiểm có rủi ro cao, thậm chí mang tính mạo hiểm, bỏ qua quy luật số đông bù số ít của nghề hoạt động kinh doanh bảo hiểm là dựa vào rủi ro nhưng phải quản lý được rủi ro và phân tán được rủi ro trong số khách hàng tham gia bảo hiểm. Điều này cũng khiến thị trường luôn cạnh tranh “điên đảo”. Đặc biệt là đối với những nghiệp vụ bảo hiểm mang lại doanh thu cao như bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe con người. Đây là hai nghiệp vụ bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng cao, số lượng khách hàng tham gia ngày càng lớn. Có DN bảo hiểm đạt tốc độ tăng trưởng nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới trên 50%/năm, tốc độ tăng trưởng nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe con người đạt 100%/năm.

Tất nhiên, không phải tất cả những DN đạt được tốc độ tăng trưởng cao đều làm “bằng mọi giá”. Đối với không ít DN bảo hiểm, tốc độ tăng trưởng doanh thu lớn đã thể hiện được tiềm năng, sức bật về hoạt động kinh doanh. Trong nhóm các DN dẫn đầu, Bảo Việt có mạng lưới phát triển rộng, nhân sự ổn định, có sự hậu thuẫn của các ngân hàng. PVI có mối quan hệ rộng của các DN dầu khí, cán bộ được trẻ hóa, thị phần khá ổn định. Bảo Minh có nhiều cán bộ kinh nghiệm, nghiệp vụ dày dặn, mạng lưới tương đối đều trên toàn quốc.

Theo ông Lộc, thực tế đã chứng minh, DN chiến thắng đối thủ cạnh tranh chính là DN có chất lượng sản phẩm tốt nhất, đồng nghĩa với thực hiện lời cam kết bồi thường cho khách hàng một cách đúng đắn nhất. Chính vì thế, gần đây, một số DN bảo hiểm chấp nhận không tăng trưởng doanh thu, thậm chí giảm doanh thu, siết chặt quản lý, không chấp nhận bảo hiểm rủi ro cao mà phí không tăng như là những bước đi của tái cấu trúc.

Khi thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, các DN bảo hiểm đều phải nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là việc giải quyết bồi thường, để đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Các DN bảo hiểm phi nhân thọ cũng đang phải “chạy đua” trong việc minh bạch hóa quy trình giải quyết bồi thường đối với khách hàng, để các trường hợp khách hàng phàn nàn và khiếu nại về tiến độ hay chất lượng giải quyết bồi thường trên tổng số các vụ bồi thường giảm xuống mức thấp nhất.

Ngọc Lan

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng âm (19/06/2012)

>   Hệ thống cảnh báo rủi ro bảo hiểm: Khoảng trống mênh mông! (23/06/2012)

>   Đại lý bảo hiểm “bắt cá hai tay” (25/06/2012)

>   Quy tắc ứng xử của DN bảo hiểm: Luật tại tâm (02/07/2012)

>   Bảo hiểm bán lẻ chiếm thế thượng phong (13/07/2012)

>   Đã hoàn tất dữ liệu về danh sách đen đại lý bảo hiểm (29/05/2012)

>   Vì sao không bảo hiểm ngoại tệ và vàng? (23/05/2012)

>   Bảo hiểm tiền gửi chỉ áp dụng với VND (23/05/2012)

>   Bảo hiểm “chơi trò” chuyển nhượng (14/05/2012)

>   Mạng lưới bảo hiểm, đau đầu chuyện mở rộng (05/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật