Thứ Hai, 06/08/2012 15:10

Bảo hiểm tín dụng XK: Trợ lực cạnh tranh thời khó

Tình hình kinh tế khó khăn từ các thị trường xuất khẩu ngày càng ảnh hưởng mạnh đến các DN xuất khẩu Việt Nam. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia ngành bảo hiểm cho rằng muốn đẩy mạnh xuất khẩu, DN cần quan tâm hơn đến những hình thức mua bán thanh toán sau thông qua việc sử dụng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (BHTDXK).

ĐTTC đã trao đổi với ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, về sự hữu ích của hình thức BHTDXK dành cho DN hiện nay.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, sử dụng BHTDXK sẽ giúp DN có cơ hội vượt khó trong giai đoạn hiện nay?

Ông PHÙNG ĐẮC LỘC: - Trên thế giới, khi giao dịch hàng hóa với nước ngoài, các nhà nhập khẩu đều có xu hướng chuộng hình thức mua hàng trả chậm, tức nhập hàng trước, khi bán được hàng mới thanh toán tiền. Song DN Việt Nam lo ngại rủi ro nên thường giao dịch theo kiểu truyền thống như mở L/C thanh toán qua ngân hàng, ứng trước tiền hàng…

Trước đây, khi nền kinh tế toàn cầu còn khả quan, các đối tác nhập khẩu sẵn sàng đáp ứng yêu cầu này. Nhưng hiện nay nhu cầu nhập khẩu ở các nước đã giảm khiến cung cao hơn cầu, các nhà xuất khẩu ngày càng cạnh tranh gay gắt để có được đối tác. Hệ quả của việc này là nhà xuất khẩu nào đưa ra nhiều điều kiện hấp dẫn hơn sẽ thắng.

Vì thế, khi hàng tồn đang chất đầy kho, đơn hàng thiếu hụt, các DN Việt Nam có thể tăng sức cạnh tranh thông qua việc bán hàng thanh toán chậm. Tuy nhiên, muốn bán chịu an toàn, các nhà xuất khẩu cần phải thu xếp hợp đồng tín dụng cho bên nhập khẩu và cần phải sử dụng BHTDXK.

Hình thức bảo hiểm này đảm bảo sẽ bồi thường cho các DN xuất khẩu những thiệt hại do khách hàng nhập khẩu không có khả năng thanh toán, hoặc do bị phá sản, rủi ro chính trị khi thực hiện bán hàng trả chậm.

Vậy DN Việt Nam có quan tâm đến hình thức bảo hiểm này?

- Hiện nay, chỉ mới có khoảng 20-30% DN biết và làm quen với BHTDXK. Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2011 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 206 tỷ USD, trong đó nhập khẩu 110 tỷ USD và xuất khẩu đạt 96 tỷ USD. Thế nhưng, mức phí BHTDXK thu được chỉ đạt khoảng 50 triệu USD.

Để DN tiếp cận hình thức này, Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện chương trình thí điểm BHTDXK và có 7 DN ngành bảo hiểm tham gia. Sau 1 năm thực hiện, kết quả báo cáo cho thấy chỉ có Công ty TNHH Bảo hiểm Chartis Việt Nam có được một số hợp đồng với doanh thu khoảng 200.000USD và công ty bảo hiểm Liên Hiệp đạt 100.000USD.

5 đơn vị còn lại không nhận được hợp đồng nào hoặc đang thương lượng với khách hàng. Trong số các hợp đồng BHTDXK đó, đa số đối tượng tham gia là các DN FDI, các DN nội vẫn còn thờ ơ.

- Theo ông, lý do nào khiến DN thờ ơ với BHTDXK?

- DN không mặn mà sử dụng BHTDXK vì chưa có đầy đủ thông tin để hiểu được ý nghĩa của hình thức này. Do đó, DN Việt Nam chưa chủ động mua bảo hiểm để tham gia kinh doanh thanh toán chậm.

Thêm nữa, các DN nội cũng cho rằng khả năng tài chính của họ rất hạn chế, đa số dựa vào vốn vay ngân hàng, nên nếu để đối tác nước ngoài vay tiền hàng qua việc bán chịu sẽ chồng chất khó khăn.

Tuy nhiên, khi DN bán hàng thu tiền chậm, các nhà nhập khẩu ở các thị trường quen sẽ tăng cường mua hàng vì có được yếu tố hỗ trợ.

Song song đó, các nhà nhập khẩu đến từ các thị trường mới muốn nhập hàng để thử nghiệm hoặc nhà nhập khẩu đến từ các thị trường có nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cao nhưng không đủ năng lực tài chính nếu được thanh toán chậm cũng sẽ mạnh dạn nhập khẩu hàng Việt.

Khi đó, DN Việt Nam sẽ được lợi vì bán được hàng, các tổ chức tín dụng sẽ cảm thấy lạc quan về tình hình của DN để bơm vốn cho hoạt động sản xuất.

- Một số DN cho rằng họ không tham gia do mức phí BHXKTD khá cao, tạo thêm gánh nặng về chi phí?

- Trong thời điểm hiện nay, DN nên cân nhắc giữa việc chấp nhận để hàng tồn trong kho không bán được hay chi trả phí bảo hiểm để có thể đưa hàng hóa ra thị trường một cách nhanh nhất. Hiện nay, chi phí bảo hiểm trong tổng giá thành hàng hóa chiếm khoảng 15-20%, DN có thể mua BHXKTD theo 2 hình thức.

Thứ nhất, mua cho cả 1 năm tài chính đối với tất cả các mặt hàng xuất khẩu.

Thứ hai, DN chỉ chọn những mặt hàng cụ thể để mua BHTDXK. Giá trị mỗi hợp đồng BHXKTD thường phụ thuộc vào tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng cũng như phụ thuộc vào từng thị trường mà mặt hàng đó cập cảng.

Khi mua bảo hiểm, nếu có rủi ro DN sẽ được bồi thường, nếu không mua, DN phải tự gánh chịu và thực tế đã có nhiều trường hợp bị mất trắng. Sự đổ vỡ dây chuyền trong hệ thống thanh toán quốc tế cũng như các trường hợp quịt nợ của đối tác nhập khẩu không phải là chuyện hiếm.

Do đó, nếu trả phí nhưng được bảo đảm an toàn vốn và bán hàng nhanh qua đó cải thiện tình hình kinh doanh, giảm lượng hàng tồn cũng là một điều nên làm. Hơn nữa, Bộ Tài chính đã thông báo sẽ hỗ trợ 20% tổng mức phí cho mỗi đơn hàng xuất khẩu nếu DN mua BHTDXK.

Theo đó, 23 mặt hàng xuất khẩu sẽ được hỗ trợ phí bảo hiểm bao gồm các mặt hàng nông lâm thủy sản, dệt may, giày dép, điện tử và linh kiện điện tử, gỗ… Vì vậy, DN có thể tận dụng sự hỗ trợ này để tìm kiếm đơn hàng từ các nhà nhập khẩu ngay từ bây giờ

- Xin cảm ơn ông.

Yên Lam (thực hiện)

Sài Gòn Đầu tư Tài Chính

Các tin tức khác

>   Bảo hiểm tai nạn điện: Dân thành thị thờ ơ (04/08/2012)

>   Doanh nghiệp chưa quen với bảo hiểm rủi ro (01/08/2012)

>   6 tháng cuối năm, sẽ trình ký ban hành 4 thông tư về bảo hiểm (31/07/2012)

>   Đằng sau các cuộc chuyển dịch CEO bảo hiểm (31/07/2012)

>   Rắc rối việc bảo hiểm thất nghiệp (30/07/2012)

>   Doanh nghiệp bảo hiểm: lãi suất “gọt bớt” lãi (28/07/2012)

>   Bảo hiểm thiếu kênh đầu tư an toàn (27/07/2012)

>   Bảo hiểm du lịch cá nhân: Dư địa lớn (24/07/2012)

>   Lợi nhuận DN bảo hiểm khó tách rời đầu tư (22/07/2012)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ, “cá bé nuốt cá lớn” (17/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật