Thứ Hai, 17/12/2012 16:36

Năm 2013, bảo hiểm ước đầu tư khoảng 95.000 tỷ đồng

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng so với các "gam trầm" khác của nền kinh tế trong năm 2012, ngành bảo hiểm vẫn là một điểm sáng.

Chia sẻ với ĐTCK, Ths. Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) dự báo, năm 2013, tổng số tiền các DN bảo hiểm tích lũy đầu tư trở lại nền kinh tế ước khoảng 95.000 tỷ đồng.

Thưa ông, đã gần kết thúc năm 2012, chỉ tiêu tăng trưởng 17% của toàn ngành bảo hiểm năm nay có lẽ khó đạt được?

Dự kiến ban đầu, thị trường bảo hiểm năm 2012 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khoảng 17% so với năm 2011. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế khó khăn, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường năm 2012 ước đạt 40.858 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2011; trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 22.942 tỷ đồng, tăng 11,5% và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 17.916 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2011.

Theo tôi, mức tăng trưởng 11,5% của khối bảo hiểm phi nhân thọ trong năm nay không như dự kiến, nhưng so với các ngành khác có thể nói là thành công trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, đầu tư công bị cắt giảm, DN giảm thiểu đầu tư mở rộng. Trước nhiều thách thức, các DN bảo hiểm phi nhân thọ đã chuyển hướng sản phẩm sang bảo hiểm tài sản cá nhân, bảo hiểm sức khỏe và y tế, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp... Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ cũng cho thấy sự thành công không kém, khi thu nhập của người lao động giảm sút, giá cả dịch vụ hàng hóa tăng, nhưng vẫn thu hút được đông đảo khách hàng tham gia bảo hiểm và duy trì được hợp đồng bảo hiểm cũ.

Nhìn chung, năm 2012 tốc độ tăng trưởng không đạt dự kiến, nhưng toàn ngành bảo hiểm đã nỗ lực rất lớn, thể hiện ở chỗ thị trường tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh và an toàn; đảm bảo khả năng tài chính; chất lượng dịch vụ được cải thiện; sản phẩm bảo hiểm đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của người tham gia bảo hiểm. Với kết quả đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá cao tiềm năng của thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Ngành bảo hiểm đóng vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn lực đầu tư trở lại cho nền kinh tế. Với những khó khăn kể trên, hoạt động này năm nay có bị ảnh hưởng? Ông có dự báo gì về kế hoạch huy động nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế trong năm 2013?

Trong giai đoạn 2003 - 2010, các DN bảo hiểm đã tạo lập nguồn vốn lớn và dài hạn, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2012, với những khó khăn trên, việc huy động nguồn lực đầu tư trở lại nền kinh tế bị ảnh hưởng nhưng không lớn vì hiện nay, hoạt động đầu tư của các DN bảo hiểm đã ngày càng đa dạng hơn và đi vào chiều sâu, nhằm đảm bảo lựa chọn các hình thức đầu tư thích hợp, an toàn và hiệu quả. Mặt khác, do đặc điểm hoạt động kinh doanh bảo hiểm và do kỹ thuật quản lý quỹ bảo hiểm, các DN bảo hiểm đầu tư vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ phải tuân thủ theo tỷ lệ tối đa cho phép.

Năm 2012, tổng số tiền các DN bảo hiểm tích lũy đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 90.591 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2011. Trong đó, các DN nhân thọ ước đạt 66.361 tỷ đồng (tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2011), các DN phi nhân thọ ước đạt 24.230 tỷ đồng (tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2011).

Dự báo, năm 2013, kinh tế Việt Nam sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức đặc biệt là đối với các DN trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản. Điều này cũng sẽ tạo ra không ít khó khăn cho DN bảo hiểm trong việc mở rộng khách hàng. Chúng tôi dự báo, năm 2013, tổng số tiền các DN bảo hiểm tích lũy đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt khoảng 95.000 tỷ đồng.

Dự báo tình hình năm tới còn nhiều khó khăn, liệu mức tăng trưởng toàn ngành có được điều chỉnh giảm so với kế hoạch dài hạn không, thưa ông?

Như tôi đã nói, năm 2013, những khó khăn sẽ còn hiện hữu, vì vậy, dự báo thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng khoảng 10 - 12 % so với năm 2012. Trong năm tới, nhiều sản phẩm bảo hiểm mới sẽ được các DN bảo hiểm đưa ra thị trường nhằm phục vụ nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân như các sản phẩm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm bảo lãnh, bảo hiểm trách nhiệm khám chữa bệnh và các sản phẩm bảo hiểm y tế, hưu trí, bảo hiểm cho người nghèo…

Dù khó khăn nhưng so với các "gam trầm" khác của nền kinh tế, ngành bảo hiểm vẫn là một điểm sáng. Điều gì khiến ông hài lòng nhất trong sự phát triển của ngành trong một năm qua?

Tình hình kinh tế vĩ mô năm 2012 ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động khai thác bảo hiểm. Tuy nhiên, bên cạnh đó, thị trường bảo hiểm cũng có một số thuận lợi như: các văn bản pháp luật mới có hiệu lực thi hành tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các DN... Năm 2012 cũng là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011 - 2020 với việc triển khai đồng bộ các giải pháp về cơ chế chính sách, tái cấu trúc DN, tăng cường quản lý, giám sát nhà nước về bảo hiểm...

Song Lan

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Năm… đổi chủ của các doanh nghiệp bảo hiểm! (14/12/2012)

>   Gần 100.000 tỷ đồng bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế (12/12/2012)

>   Gian lận bảo hiểm: Kẽ hở đến từ nhà bảo hiểm (03/12/2012)

>   Phân loại doanh nghiệp bảo hiểm để tái cấu trúc (30/11/2012)

>   Thị trường bảo hiểm 2013: Chỉ tiêu nào phù hợp? (26/11/2012)

>   Chống gian lận bảo hiểm, khung pháp lý nào? (24/11/2012)

>   Trục lợi bảo hiểm, phải coi là tội phạm (17/11/2012)

>   Doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng (15/11/2012)

>   Tàu Saigon Queen được bảo hiểm thân tàu 4,2 triệu USD (02/11/2012)

>   Thị trường bảo hiểm “gồng mình” về đích (30/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật