Thứ Hai, 03/12/2012 16:38

Gian lận bảo hiểm: Kẽ hở đến từ nhà bảo hiểm

Ở một góc độ khác, có ý kiến chia sẻ rằng gian lận bảo hiểm là một phần “tất yếu”, xem đó như là chi phí đặc thù của thị trường và rằng, nếu chi phí đó ở mức hợp lý thì nhà bảo hiểm sẽ chấp nhận.

Như đã đề cập trong bài viết "Chống gian lận bảo hiểm, khung pháp lý nào?", tình trạng khung pháp lý hiện hành chưa hữu hiệu để các công ty bảo hiểm vận dụng và đề nghị cơ quan chức năng xử lý hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm. Trước thực trạng hành vi gian lận bảo hiểm ngày càng tinh vi, phức tạp, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đang nghiên cứu để trình cơ quan có thẩm quyền xây dựng hệ thống pháp luật liên quan, để phòng chống và xử lý nghiêm minh trục lợi bảo hiểm. Đồng thời, đề nghị các cơ quan liên quan (Công an, Tòa án, Viện kiểm soát) nghiên cứu bổ sung quy phạm pháp luật xử lý trục lợi bảo hiểm và tuyên truyền, lên án hành vi trục lợi bảo hiểm.

Nhiều vụ trục lợi bảo hiểm xảy ra do nhân viên DN bảo hiểm bỏ qua quy trình, quy định nội bộ khi tiếp nhận đơn bảo hiểm

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi những thay đổi trong hệ thống pháp luật, những thay đổi từ phía cơ quan chức năng, các công ty bảo hiểm có thể phòng ngừa các hành vi gian lận từ phía khách hàng bằng cách siết chặt quản trị, đảm bảo nhân viên tuân thủ đúng, đủ các quy trình, quy định nội bộ. Sở dĩ nói như vậy bởi trong rất nhiều vụ gian lận bảo hiểm, tranh chấp đòi bồi thường bảo hiểm, chính việc lơ là, bỏ qua quy trình, quy định nội bộ của nhân viên công ty bảo hiểm đã tạo ra kẽ hở để gian lận có thể xảy ra.

Đơn cử như một vụ tranh chấp đòi bồi thường xe cơ giới vừa qua, trong đó khách hàng mua bảo hiểm và nhà bảo hiểm đã cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm dù khách hàng chưa trả phí. Sau khi xe tải gặp tai nạn, khách hàng mới đến nộp phí, song nhân viên kế toán của công ty bảo hiểm vẫn thu phí mà không xem xét tình trạng thực tế của đối tượng được bảo hiểm. Khách hàng đòi bồi thường dựa trên 2 căn cứ: nhà bảo hiểm đã chấp nhận cho khách hàng nộp phí và văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính yêu cầu DN bảo hiểm không được cấp Giấy chứng nhận khi khách hàng chưa đóng đủ phí. Văn bản của Bộ Tài chính còn nói rõ, nếu DN bảo hiểm đã cấp Giấy chứng nhận, nhưng chưa thu đủ phí thì vẫn có trách nhiệm giải quyết bồi thường theo phạm vi bảo hiểm. Do đó, nhà bảo hiểm này đã phải bồi thường cho khách hàng.

Một trường hợp khác, chỉ sau 2 ngày mua bảo hiểm, chiếc xe Toyota của một khách hàng gặp tai nạn. Những tài liệu và kết quả giám định của cơ quan chức năng dẫn nhà bảo hiểm đến nghi ngờ rằng, tai nạn đã xảy ra trước, khách hàng mua bảo hiểm sau. Trong quá trình giải quyết, khách hàng khăng khăng đòi bồi thường, thi thoảng lại gửi đơn từ, mời luật sư và thông tin cho báo chí khiến nhà bảo hiểm đau đầu. Nhìn lại vụ việc này, rõ ràng nhà bảo hiểm có thể ngăn chặn tranh chấp hoặc bồi thường nhanh chóng cho khách hàng nếu như nhân viên bán bảo hiểm đã kiểm tra xe trước khi cấp đơn.

Từng có nhà bảo hiểm phải giải quyết một trường hợp khách hàng đòi bồi thường cho chiếc xe bị tai nạn. Nếu như thực sự vụ tai nạn xảy ra ở địa điểm đó vào thời gian đó thì chiếc xe phải qua một bến phà, tuy nhiên, khi nhà bảo hiểm có được băng ghi hình của camera tại bến phà đó thì phát hiện vào ngày xảy ra tai nạn, chiếc xe đó không hề đi qua bến phà. Bởi vậy, có khả năng là tai nạn xảy ra ở nơi khác và sau đó chiếc xe được kéo đến hiện trường mới. Cuối cùng, nhà bảo hiểm đã có căn cứ để từ chối bồi thường, tuy nhiên, công sức và tiền bạc bỏ ra không nhỏ. Sau vụ việc, chính nhà bảo hiểm thừa nhận nhân viên bán bảo hiểm đã không kiểm tra xe trước khi cấp đơn. Chính sự dễ dãi này khiến cho nhiều người sau khi xảy ra tai nạn mới nảy ra ý định đi mua bảo hiểm để “gỡ gạc”.

Một nguyên nhân rất lớn dẫn đến tình trạng trên là do áp lực về doanh thu đối với nhân viên bán bảo hiểm và cả nhà bảo hiểm. Tuy nhiên, trước thực trạng hầu hết các công ty bảo hiểm trong nước đều lỗ nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm thì việc tăng cường quản trị rủi ro là cần thiết. Tăng cường kiểm soát đối với việc tuân thủ các quy trình, quy định nội bộ của nhân viên bảo hiểm sẽ giúp nhà bảo hiểm hạn chế nguy cơ khách hàng gian lận.

Ở một góc độ khác, có ý kiến chia sẻ rằng gian lận bảo hiểm là một phần “tất yếu”, xem đó như là chi phí đặc thù của thị trường và rằng, nếu chi phí đó ở mức hợp lý thì nhà bảo hiểm sẽ chấp nhận. Nó cũng giống như việc kinh doanh siêu thị không thể yêu cầu không có mất cắp. Do đó, nếu một khách hàng đòi bồi thường 100 triệu đồng, nhà bảo hiểm có thể tốn gấp rưỡi, gấp đôi để chứng minh khách hàng gian lận thì lựa chọn sẽ là chấp nhận bồi thường. Đối với một nhà điều hành công ty bảo hiểm, lựa chọn đó là hợp lý, nhưng xét trên bình diện toàn thị trường, quan niệm đó lại là cơ sở để gian lận, trục lợi bảo hiểm có chỗ dựa.

Hoàng Duy

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Phân loại doanh nghiệp bảo hiểm để tái cấu trúc (30/11/2012)

>   Thị trường bảo hiểm 2013: Chỉ tiêu nào phù hợp? (26/11/2012)

>   Chống gian lận bảo hiểm, khung pháp lý nào? (24/11/2012)

>   Trục lợi bảo hiểm, phải coi là tội phạm (17/11/2012)

>   Doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng (15/11/2012)

>   Tàu Saigon Queen được bảo hiểm thân tàu 4,2 triệu USD (02/11/2012)

>   Thị trường bảo hiểm “gồng mình” về đích (30/10/2012)

>   Bảo hiểm mắc kẹt giữa tình và lý (21/10/2012)

>   Bancassurance, ngân hàng ngoại vào cuộc (20/10/2012)

>   Bảo hiểm thất nghiệp đang bị lợi dụng (19/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật