Thứ Sáu, 28/12/2012 07:01

Tuyệt vọng vì bị Bảo hiểm Quân đội “câu giờ”

Chủ siêu thị lớn nhất thành phố Yên Bái đang “lập kế hoạch” đưa 50 nhân viên xuống Hà Nội để cùng đi đấu tranh với tổng công ty bảo hiểm Quân đội nhằm đòi khoản tiền bồi thường bảo hiểm đơn vị này lần lữa suốt 14 tháng qua không thanh toán.

Hiện trường vụ cháy siêu thị Hoàn Mỹ, Yên Bái.

Cháy nhà ra mặt… bảo hiểm

Vụ cháy siêu thị Hoàn Mỹ (phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái) lúc 3 giờ sáng ngày 27.9.2011 được xem là vụ cháy lớn nhất tỉnh Yên Bái với tổng thiệt hại lên tới 40 tỉ đồng. Trước đó, vợ chồng ông Nguyễn Văn Toàn và bà Hà Thuý Loan, chủ cửa hàng kinh doanh tổng hợp (siêu thị) Hoàn Mỹ đã tham gia mua bảo hiểm cháy nổ của công ty bảo hiểm MIC Tây Bắc cho trang thiết bị và hàng hoá tại siêu thị.

Giấy chứng nhận bảo hiểm hoả hoạn và các rủi ro đặc biệt số 1060/11/HD do ông Đào Xuân Hùng – phó giám đốc MIC Tây Bắc ký, ghi rõ: thời hạn bảo hiểm từ 7 giờ ngày 16.9.2011 đến 7 giờ ngày 16.9.2012, số tiền bảo hiểm là 23 tỉ đồng. Ngày 18.9.2011 MIC Tây Bắc đã phát hành hoá đơn VAT số 0026387 cho siêu thị Hoàn Mỹ, ghi nhận người mua bảo hiểm đã nộp đầy đủ phí bảo hiểm.

Vụ cháy xảy ra chỉ chín ngày sau khi hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực. Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Yên Bái đã tiến hành điều tra, và ngày 9.11.2012 đã thông báo kết luận điều tra (số 432/TB) nêu rõ vụ cháy tại siêu thị Hoàn Mỹ là do sự cố chập điện, không có dấu hiệu phạm tội.

MIC đã thuê công ty giám định Raco tiến hành công tác giám định thiệt hại và tại văn bản số 439/2012, MIC thông báo Raco đã tính toán được số tiền bồi thường của MIC đối với vụ tổn thất này là 2.573.915.618 đồng. Không chấp nhận cách tính toán này, bà Hà Thị Loan được MIC hướng dẫn cung cấp thêm các chứng từ liên quan đến hàng hoá bị tổn thất. Thời hạn mà MIC đưa ra cho khách hàng hết sức ngặt nghèo: 30 ngày để hoàn thiện hồ sơ, nếu không kịp, coi như khách hàng đã chấp nhận mức bồi thường mà MIC đưa ra.

Bà Loan cho biết thêm, do sổ sách, chứng từ đã bị lửa thiêu rụi trong vụ cháy nên gia đình bà đã không kể nắng, mưa, ngày đêm đi đến gần 500 nhà cung cấp ở khắp các tỉnh thành trong cả nước để thu thập, xin lại các toa hàng, phiếu xuất hàng mà các nhà cung cấp đã bán cho Hoàn Mỹ để MIC làm căn cứ xác định tổn thất.

Ngày 20.9.2012 MIC có văn bản số 1772/2012 thông báo nâng mức bồi thường từ 2.573.915.618 đồng lên 3.211.362.721 đồng. “Theo hợp đồng bảo hiểm chúng tôi đã ký với MIC, số tiền bồi thường thấp nhất mà MIC phải trả cho chúng tôi không dưới 18 tỉ đồng, vậy nhưng qua hai lần tính toán, MIC đưa ra con số hơn 3,2 tỉ đồng là quá thấp”, bà Loan cho biết.

Do bất đồng về cách tính toán và mức bồi thường nên 14 tháng qua, MIC và khách hàng không tìm được “tiếng nói chung”. Sự việc kéo dài khiến cho khách hàng gặp nhiều khó khăn, bà Loan đưa ra nhiều chứng cứ cho thấy do không còn kinh phí để tu sửa lại siêu thị nên 14 tháng qua siêu thị này không hoạt động trở lại được. Thêm vào đó do kinh doanh theo mô hình siêu thị mua hàng trước, trả tiền sau nên hiện bà Loan đang bị chủ hàng đòi nợ một cách ráo riết. Một số chủ hàng bức xúc với hàng tỉ đồng đang bị siêu thị Hoàn Mỹ nợ, chưa biết khi nào mới trả đã thuê “đầu gấu” tới trấn áp vợ chồng bà Loan.

Trước tình cảnh khó khăn này, từ tháng 3.2012 tới nay, bà Loan liên tục đệ đơn đề nghị MIC tạm ứng tiền bồi thường để bà thanh toán nợ nần. Tại văn bản số 1772/2012 ngày 20.9.2012 MIC đã đồng ý tạm ứng số tiền bồi thường cho khách hàng là 1,5 tỉ đồng. Thế nhưng, mặc cho khách hàng đã ba lần gửi đơn xin tạm ứng, MIC vẫn không giải quyết việc tạm ứng như đã hứa. Thậm chí, ngày 27.11.2012, khi bà Loan tới tổng công ty MIC tại Hà Nội đề nghị giải quyết việc tạm ứng bồi thường thì được cán bộ của MIC trả lời: không thể hẹn chính xác ngày tạm ứng số tiền trên. Quá bức xúc và tuyệt vọng, ngày 8.12.2012, vợ chồng bà Loan đã gửi đơn kêu cứu tới lãnh đạo bộ Quốc phòng.

Tiếp xúc với phóng viên, một số nhân viên của siêu thị Hoàn Mỹ cho biết họ đã gửi đơn yêu cầu chủ siêu thị thanh toán tiền lương và bảo hiểm nhưng chỉ nhận được lời hứa khi nào bảo hiểm bồi thường mới có khoản tiền này. “Chúng tôi mất việc làm 14 tháng nay và đã chờ đợi khoản tiền nói trên quá lâu rồi. Nay chúng tôi yêu cầu chủ siêu thị bố trí xe đưa 50 người chúng tôi về Hà Nội để xác thực chuyện có được bồi thường bảo hiểm hay không với tổng công ty bảo hiểm Quân đội. Nếu không, chủ siêu thị phải có trách nhiệm trả lương và bảo hiểm cho chúng tôi trước tết dương lịch 2013”, chị Phạm Thị Ngân, đại diện cho các nhân viên này đề nghị.

Cái lý của bảo hiểm

Ngày 11.12.2012, chúng tôi đã có buổi làm việc với đại diện của MIC xung quanh vụ việc này. Bà Lê Thị Hương Giang, phó ban kiểm tra kiểm soát nội bộ MIC lý giải: thời gian giải quyết bồi thường kéo dài là do phía siêu thị Hoàn Mỹ đã không thu thập được đầy đủ các hoá đơn, chứng từ hợp pháp, hợp lệ để MIC làm căn cứ tính toán bồi thường. Bà Giang cho rằng theo luật Kinh doanh bảo hiểm thì để chi trả tiền bồi thường, công ty bảo hiểm phải xác định mức độ thiệt hại trên hai cơ sở: giám định độc lập và khách hàng tự chứng minh. Trong trường hợp này, giám định độc lập đưa ra con số rất thấp, tới mức chính MIC cũng thừa nhận “nếu chi trả mức này thì thiệt hại cho khách hàng”, nên MIC đã hướng dẫn khách hàng tự chứng minh. “Chúng tôi sẵn sàng bồi thường mức cao hơn nếu như khách hàng chứng minh được tổn thất của vụ cháy”, bà Giang nói.

Cái lý của MIC xem ra không sai nhưng thực tế thì MIC có làm đúng như những nguyên tắc mình đã thông tin tới khách hàng và báo chí khi gạt toàn bộ những hồ sơ pháp lý mà khách hàng cung cấp vì cho rằng không hợp pháp. MIC đã không tính tới việc cửa hàng kinh doanh tổng hợp Hoàn Mỹ là hộ kinh doanh nộp thuế khoán và vì vậy không thể có hệ thống kế toán cũng như hoá đơn chứng từ như những siêu thị lớn. Hơn nữa, chủ siêu thị không cố tình gây cháy (việc này công an cũng đã có kết luận) để trục lợi bảo hiểm nên đã không có hệ thống sổ sách, chứng từ được làm “gọn gàng, đẹp đẽ, đúng quy định” để làm căn cứ đòi bồi thường. Kỳ lạ hơn, dù nói rằng thông cảm với những khó khăn của khách hàng và hết sức sẻ chia, nhưng MIC lại cho biết số tiền tạm ứng bồi thường bảo hiểm mà MIC “hứa” sẽ chi trả trước cho khách hàng là có sự nhầm lẫn. MIC chỉ tạm ứng khi khách hàng đồng ý với số tiền bồi thường cuối cùng. Mức mà MIC muốn bồi thường cho khách hàng và có ý “ép” khách hàng nhận chỉ là 3,2 tỉ đồng. Bà Giang khẳng định, trường hợp siêu thị Hoàn Mỹ đồng ý, MIC sẽ chi trả bồi thường trong khoảng thời gian 15 ngày kể từ ngày Hoàn Mỹ xác nhận. Nếu đồng ý với mức bồi thường trên thì liệu chủ siêu thị Hoàn Mỹ có còn cần phải tạm ứng? Phải chăng MIC biết khách hàng khó khăn nên cố tình ép khách hàng?

Sự việc của siêu thị Hoàn Mỹ với MIC một lần nữa làm xấu đi hình ảnh của ngành kinh doanh bảo hiểm với “nguyên tắc” chết người: “mua dễ, khó đòi”.

Quế Hà

Sài Gòn Tiếp Thị

Các tin tức khác

>   Y án sơ thẩm, nguyên nhà báo Hoàng Khương bị bắt tại tòa! (27/12/2012)

>   13 năm bóng đá Việt thất bại vì “chính chủ” (27/12/2012)

>   Hé lộ những số liệu mới nhất về kinh tế Triều Tiên (27/12/2012)

>   Khi người Việt làm Tổng thư ký ASEAN (27/12/2012)

>   Phát hiện bất ngờ tại Hoàng thành Thăng Long (27/12/2012)

>   Thêm phó công an xã bị bắt vì “giúp” Dương Chí Dũng bỏ trốn (27/12/2012)

>   Từ 1/1/2013, cơ sở đào tạo lái ôtô phải có xe số tự động (26/12/2012)

>   Newsweek ra số cuối cùng vào 31/12/2012 (26/12/2012)

>   Ông Shinzo Abe một lần nữa làm thủ tướng của Nhật (26/12/2012)

>   Trung Quốc đầu tư 1,6 tỷ USD xây dựng 'Tam Sa' (26/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật