Thứ Bảy, 29/12/2012 14:57

Xuất khẩu năm 2012: Doanh nghiệp FDI thắng thế

Chuyện tăng trưởng xuất khẩu, cũng như xuất siêu của Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một thực tế đáng mừng, nhưng cũng để lại những nỗi lo.

Khi DN FDI thắng thế

Không cần tách bạch như ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đề nghị để “lấy lại công bằng” cho khu vực DN FDI, (tức là nếu loại trừ dầu thô ra khỏi kim ngạch xuất khẩu thì cũng phải tách riêng phần nhập khẩu phục vụ lĩnh vực dầu khí, mới biết chính xác là họ nhập siêu hay xuất siêu), năm 2012, dù tính theo cách nào, các DN FDI cũng xuất siêu rất lớn. Nếu tính cả dầu thô, con số này là 12 tỷ USD, còn nếu không, là 3,6 tỷ USD.

Còn nếu chỉ nhìn ở khía cạnh xuất khẩu, thì trong 114,6 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, năm 2012, các DN FDI “mang về” 72,3 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2011, đóng góp tới 17,7 điểm phần trăm cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 18,3% của cả nước.

“Xuất siêu, hay tăng trưởng xuất khẩu năm nay hoàn toàn là do các DN FDI”, bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) nhận định.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm 2012, xuất khẩu điện tử, máy tính đạt 7,9 tỷ USD; điện thoại và linh kiện 12,6 tỷ USD; dệt may 15 tỷ USD; giày dép 7,2 tỷ USD… “Các mặt hàng trên đều thuộc nhóm hàng có tỷ trọng gia công cao, điều này phản ánh hiệu quả xuất khẩu và lượng ngoại tệ thực thu thấp”, bà Thủy nói.

Thực tế, đây cũng là điều được các chuyên gia kinh tế nhiều lần nói tới, về “mặt sau của tấm huy chương”. Dẫu vậy, không thể phủ nhận, sự đóng góp của các DN FDI, đặc biệt đối với các mặt hàng công nghệ, như điện thoại, điện tử, máy tính... đã góp phần quan trọng để Việt Nam được tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của các đại gia công nghệ lớn, như Samsung, Intel, Canon…

Có điều, một khi DN FDI thắng thế, cũng đồng nghĩa với sự lép vế của khối DN trong nước. Trong khi chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 42,3 tỷ USD, tăng 1,3% so với năm trước, thì các DN này trong năm 2012 lại nhập khẩu tới 54 tỷ USD, tuy chỉ giảm 6,7%, nhưng cũng là đã nhập siêu 11,7 tỷ USD. Câu hỏi về sức khỏe và sức cạnh tranh của các DN nội địa, như Báo Đầu tư đã từng đề cập, đương nhiên sẽ được đặt ra một cách đầy lo ngại.

“Vua không ngai”

17,7 tỷ USD là tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm sản của Việt Nam trong năm 2012, tăng 18% so với năm 2011 và là một thành tích thực sự rất đáng ghi nhận. Trong các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam, nông, lâm sản được đánh giá là mang lại nhiều giá trị thực nhất cho nền kinh tế Việt Nam.

Năm nay, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu 8 triệu tấn gạo (với giá trị khoảng 3,7 tỷ USD), song vẫn luôn bị thua thiệt về giá và lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia cùng xuất khẩu mặt hàng này. Với các sản phẩm khác, câu chuyện có lẽ cũng không hơn. Bởi thế, dù đứng đầu, nhưng xuất khẩu nông sản của Việt Nam chẳng khác nào một vị vua không ngai.

Đặc biệt, năm 2012 lại ghi nhận nhiều nhóm hàng nông sản có giá xuất khẩu giảm đáng kể. Chẳng hạn, giá sắn và sản phẩm sắn giảm 16,8%; giá cà phê giảm 6,2%; hạt điều giảm 15%, gạo giảm 7,1%...

Tất nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhu cầu thị trường cả trong và ngoài nước đều suy giảm, thì việc tăng lượng xuất khẩu cũng góp phần thúc đẩy không nhỏ trong việc tạo đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, khi làm nhiều hơn, thu về ít hơn, chưa kể hàng hóa xuất khẩu Việt Nam luôn bị định giá thấp hơn so với một số quốc gia khác, thì đây cũng là một thực tế rất đáng suy ngẫm.

Bài toán dài lâu là phải làm sao gia tăng giá trị và sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, không chỉ riêng đối với nhóm hàng nông, lâm sản.

Nguyên Đức

đầu tư

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp FDI bán hàng đa cấp: Đằng sau một cuộc thoái lui (29/12/2012)

>   Nhà máy nhiên liệu sinh học đối mặt nhiều khó khăn (29/12/2012)

>   Tập đoàn phải minh bạch như doanh nghiệp niêm yết (29/12/2012)

>   DATC có cứu được Thép Sông Hồng? (29/12/2012)

>   Thưởng Tết TPHCM thấp nhất 373.000 đồng (28/12/2012)

>   101 rủi ro kinh doanh (28/12/2012)

>   Siết chặt xuất khẩu khoáng sản từ tháng 2-2013 (28/12/2012)

>   Thương hiệu Việt bị thâu tóm với giá bèo (28/12/2012)

>   Thách thức huy động vốn tư nhân (28/12/2012)

>   Làm ăn 2013: Ẩn số sức mua (28/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật