Tập đoàn phải minh bạch như doanh nghiệp niêm yết
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề xuất sử dụng chuẩn công bố thông tin trên TTCK áp dụng đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có công ty mẹ là công ty cổ phần.
Minh bạch như DN niêm yết
Không ít lần lãnh đạo các bộ quản lý chuyên ngành, UBND cấp tỉnh than phiền, do còn “khoảng trống” về quy định pháp lý mà thông tin về hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TĐ, TCT) quá cắt khúc, thiếu hệ thống. Không hiếm trường hợp khi yêu cầu các TĐ, TCT báo cáo thông tin để phục vụ cho công tác quản lý, các bộ, địa phương nhận được những thông tin không phản ánh xác thực hoạt động của các TĐ, TCT.
Tình trạng trên khiến các cấp quản lý không nhận diện kịp thời, toàn diện về thực trạng hoạt động của các TĐ, TCT, đặc biệt là hoạt động về vay nợ, đầu tư, hiệu quả kinh doanh… để trên cơ sở đó phát hiện và xử lý các sai phạm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến những “cú sốc” như Vinashin, Vinalines.
Sắp có quy định buộc các tập đoàn, tổng công ty phải công bố thông tin hàng quý
|
Quy định buộc các TĐ, TCT phải minh bạch hơn trong dự thảo Nghị định về TĐ kinh tế nhà nước, TCT nhà nước, thay thế Nghị định 101/2009/NĐ-CP mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo vừa công bố lấy ý kiến rộng rãi, cộng với Nghị định 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN (có hiệu lực từ 30/12/2012), sẽ tạo sự đồng bộ trong quản lý, giám sát hoạt động của DNNN.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quá trình dự thảo Nghị định, có ý kiến đề nghị không cần quy định về nghĩa vụ công khai thông tin đối với các TĐ, TCT, mà áp dụng quy định về công bố thông tin như công ty đại chúng quy mô lớn tại Thông tư 52/2012/TT-BTC hướng dẫn về công bố thông tin trên TTCK. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cho rằng, việc minh bạch thông tin là giải pháp quan trọng nhằm tăng cường giám sát đối với các TĐ, TCT. Hơn nữa, để đảm bảo hiệu lực của việc công bố thông tin, Nghị định cần quy định cụ thể các loại thông tin cần công bố và hình thức, thời gian công bố.
Do đó, dự thảo Nghị định đã đưa ra các quy định chi tiết về chuẩn công bố thông tin áp dụng đối với các TĐ, TCT một cách có hệ thống. Cụ thể, công ty mẹ trong các TĐ, TCT phải minh bạch thông tin về: cơ cấu sở hữu và tài sản; danh mục dự án đầu tư; các khoản vay ngắn hạn và dài hạn; thông tin về các bên có liên quan, giao dịch với các bên có liên quan; báo cáo tài chính quý, bán niên, năm của công ty mẹ, cũng như báo cáo tài chính hợp nhất phải được kiểm toán...
Đặc biệt, các TĐ, TCT có công ty mẹ là công ty cổ phần phải công bố thông tin theo hướng dẫn về công bố thông tin trên TTCK. Các TĐ, TCT chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực của thông tin công khai.
Ghi nhận dự thảo Nghị định thể hiện bước tiến khá lớn trong nỗ lực buộc các TĐ, TCT phải hoạt động minh bạch, nhưng một số chuyên gia trong lĩnh vực tài chính nhìn nhận, như vậy là chưa đủ. Lý do là các DNNN, đặc biệt là các TĐ, TCT còn có tính đại chúng hơn các DN niêm yết trên TTCK, vì thuộc sở hữu toàn dân. Hơn nữa, các DN này đang nắm trong tay một lượng tài sản rất lớn của dân, nên các công dân, với tư cách là những cổ đông gián tiếp của DNNN có quyền được tiếp cận các thông tin minh bạch về hoạt động của DN. Mặt khác, để các quy định về nghĩa vụ minh bạch thông tin như dự thảo đưa ra có tính khả thi cao, cần đưa ra các chế tài xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ.
Chỉ được quan hệ đến “công ty cháu”
Tình trạng các TĐ, TCT đầu tư ngoài ngành tràn lan, đua nhau thành lập các công ty cháu, chắt, không chỉ khiến tài sản của Nhà nước không được sử dụng hiệu quả, không quản lý được, mà còn có nguy cơ gây lãng phí, thất thoát.
Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đang buộc các TĐ, TCT phải hoàn tất thoái vốn đầu tư ngoài ngành trước năm 2015. Tuy nhiên, tiến trình này đang gặp nhiều thách thức, bởi TTCK trầm lắng kéo dài, khiến việc thoái vốn bị đình trệ. Đáng báo động, nhiều dự án đầu tư ngoài ngành do các TĐ, TCT triển khai dang dở đang rơi vào tình trạng bán không ai mua, nên phải tiếp tục đổ thêm vốn để hoàn tất dự án mới mong bán được. Điều này đang gây thêm những rủi ro khó lường cho chính đồng vốn đầu tư của Nhà nước. Điển hình là trường hợp Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt
Nam
không thể thoái vốn đầu tư tại Nhà máy Thủy điện La Hiêng 2 và DakSin, nên đang phải rót thêm vốn đầu tư theo kiểu “đâm lao phải theo lao”, để mong sớm hoàn thành dự án, sau đó mới có thể thoái vốn.
Với mục tiêu khắc phục hiện trạng vừa nêu, đồng thời không để tái diễn trong tương lai, ngoài việc nhấn mạnh các TĐ, TCT không được kinh doanh những ngành nghề không liên quan đến lĩnh vực kinh doanh chính, dự thảo Nghị định còn quy định, hạn chế số cấp DN trong các TĐ, TCT và dừng lại ở 3 cấp: công ty mẹ, công ty con và công ty liên kết. Theo cơ quan soạn thảo, dừng ở cấp độ này mới giúp Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu quản lý, giám sát hiệu quả các TĐ, TCT, đồng thời phù hợp với năng lực quản lý của các công ty mẹ.
Theo dự thảo Nghị định, các TĐ, TCT không có tư cách pháp nhân và không phải đăng ký kinh doanh. Trường hợp công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên, thì vốn điều lệ của công ty mẹ không thấp hơn 10.000 tỷ đồng; trường hợp công ty mẹ là công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên, thì vốn điều lệ của công ty mẹ không thấp hơn 13.500 tỷ đồng.
Hữu Đạo
Đầu tư chứng khoán
|