Siết chặt xuất khẩu khoáng sản từ tháng 2-2013
Sau nhiều lần trì hoãn, Bộ Công thương đã chính thức siết chặt hoạt động xuất khẩu khoáng sản nhằm hạn chế tình trạng bán quặng thô ra nước ngoài.
Bộ Công Thương ngày 24-12 đã ban hành
thông tư
41/2012/TT-BCT
quy định về xuất khẩu khoáng sản nhằm siết chặt việc xuất khẩu quặng và tinh quặng.
Theo thông tư, từ ngày 4-2-2013 chỉ có doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp mới được xuất khẩu khoáng sản; khoáng sản xuất khẩu phải có nguồn gốc hợp pháp và đã qua chế biến.
Trao đổi với
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
hôm nay (28-12), ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, thông tư 41 nhằm siết chặt việc xuất khẩu khoáng sản nhằm hạn chế tối đa việc xuất khẩu quặng thô, quy định rõ ràng ra loại khoáng sản nào, đạt tiêu chuẩn nào mới được xuất khẩu, .
Việc xuất khẩu quặng titan chẳng hạn, thông tư 41 qui định chỉ được phép xuất khẩu xỉ titan loại 1 (tỉ lệ oxit titan lớn hơn hoặc bằng 85%) và xỉ titan loại 2 (tỉ lệ oxit titan lớn hơn 70% và nhỏ hơn 85%); các loại quặng titan có hàm lượng oxit titan dưới 70% phải được tinh chế ở trong nước trước khi bán ra nước ngoài.
Trong khi đó, qua trao đổi với
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
sáng nay (28-12), ông Nguyễn Thượng Đắt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Titan Việt Nam cho biết, thông thường các sản phẩm tinh quặng titan (ilmenit) của các công ty chế biến khoáng sản trong nước có thành phần oxit titan khoảng 52%.
Theo ông Đắt, số lượng các loại tinh quặng titan còn tồn kho, không xuất khẩu được trên cả nước ước khoảng gần 600.000 tấn; hiện các tỉnh đang thống kê lại số quặng titan tồn kho để báo cáo về Bộ Công Thương trước ngày 15-1-2013 để bộ tổng hợp, có hướng xử lý. Cả nước hiện có 5 nhà máy chế biến xỉ titan với tổng công suất 60.000 tấn mỗi năm.
Thông tư 41 xác định khoáng sản xuất khẩu gồm khoáng sản kim loại, khoáng sản phi kim loại, khoáng sản làm khoáng chất công nghiệp. Một số loại khoáng sản như bột zircon, xỉ titan, tinh quặng rutil, sản phẩm chế biến từ quặng bô xít (alumin, hydroxit nhôm), tinh quặng Vonfram, tinh quặng niken, đá hoa trắng (dạng bột, dạng cục) nằm trong diện phải tuân thủ quy định của thông tư này…
Than, dầu mỏ, khí đốt thiên nhiên, condensate, băng cháy, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khoáng sản làm vật liệu xây dựng, khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng, hợp kim, kim loại không thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư nói trên.
Về nguồn gốc hợp pháp, thông tư nói trên qui định khoáng sản phải được khai thác từ các mỏ, điểm mỏ có giấy phép khai thác, giấy phép khai thác tận thu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, khoáng sản được nhập khẩu hợp pháp hoặc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tịch thu và phát mại.
Thông tư 41/2012/TT-BCT được Bộ Công Thương ban hành ngày 24-12 quy định về xuất khẩu khoáng sản có hiệu lực từ ngày 4-2-2013 và thay thế cho Thông tư số 08/2008/TT-BCT của Bộ Công Thương về hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản.
Văn Nam
TBKTSG
|