Thách thức huy động vốn tư nhân
Nhiều quan điểm cho rằng không dễ thu hút vốn từ khu vực này. Các phân tích cho thấy, khu vực DN tư nhân luôn sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, trước bối cảnh chính sách tiền tệ chặt chẽ được áp dụng, sẽ khó để trông đợi dòng vốn tư nhân chảy vào các dự án hạ tầng.
Sáu dự án gồm đường liên cảng huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai); hệ thống xử lý nước thải khu kinh tế Nghi Sơn và cầu Nguyệt Viên (Thanh Hóa); dự án đầu tư giai đoạn II Nhà máy xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp An Nghiệp (Sóc Trăng); cảng cạn Lao Bảo và cảng hậu cần Đông Hà (Quảng Trị) được các tỉnh đề xuất, thí điểm theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) với mong muốn tháo điểm thắt hạ tầng phát triển kinh tế địa phương.
Thu hút vốn cho dự án hạ tầng không dễ
|
Tổng mức đầu tư của các dự án này là hơn 11 nghìn tỷ đồng và trên 102 triệu USD. Thế nhưng các dự án này đang đứng trước khả năng khó hút vốn tại chính tỉnh, huyện của mình. Nguyên nhân một phần cũng do khoảng 90 nghìn tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản đang treo lại, “làm khó” không ít DN địa phương.
Thí điểm PPP tại Việt Nam diễn ra trong bối cảnh nguồn lực đầu tư tư nhân cũng như các định chế tài chính bị ảnh hưởng đáng kể bởi suy thoái kinh tế toàn cầu và khủng hoảng nợ công tại châu Âu… Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện trong năm 2012 theo giá hiện hành ước tính đạt 989,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước và bằng 33,5% GDP. Cơ quan này lưu ý thêm, đây là năm tỷ trọng vốn đầu tư xã hội so với GDP đạt thấp nhất kể từ năm 2000 trở lại đây.
Điều đáng nói hơn cả là nguồn lực đầu tư Nhà nước hạn chế vẫn đang phải căng ra khi vốn ngoài Nhà nước chưa thể phát huy. Trong vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2012, vốn khu vực Nhà nước đạt 374,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước; trong khi khu vực ngoài Nhà nước đạt 385 nghìn tỷ đồng, tăng thấp hơn ở mức 8,1%; còn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 230 nghìn tỷ đồng và chỉ tăng 1,4%.
Các con số trên cho thấy, việc sử dụng ngân sách khá “căng”. Theo số liệu được công bố trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ diễn ra trong ngày 25/12, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) năm nay ước chỉ đạt 741,5 nghìn tỷ đồng, trong khi tổng chi NSNN tương ứng là 904,1 ngàn tỷ đồng. Như vậy, bội chi tạm tính là khoảng 162,6 nghìn tỷ đồng. Nếu so với GDP theo giá thực tế được Tổng cục Thống kê công bố là 2.950,68 nghìn tỷ đồng, con số bội chi kể trên ước vào khoảng 5,5% GDP.
Trong khi đó, dưới góc nhìn của Chính phủ, việc huy động vốn từ các nguồn vốn Nhà nước truyền thống như hiện nay cho phát triển kết cấu hạ tầng, bao gồm NSNN, DNNN và trái phiếu Chính phủ, sẽ khó có thể tăng đột biến do đầu tư bằng NSNN bị khống chế bởi mức trần bội chi ngân sách, cũng như hạn mức nợ quốc gia trong trường hợp vay ODA. Hơn nữa, vốn tài trợ cũng sẽ giảm dần do Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận, cho đến những năm gần đây, các nhà tài trợ cũng phải rất khó khăn trong việc cân nhắc phân bổ nguồn tài trợ của mình trong khuôn khổ ngân sách ngày càng chặt chẽ. Tại phiên bế mạc Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) 2012 diễn ra hồi giữa tháng 12, số vốn cam kết tài trợ cho Việt Nam từ các nhà tài trợ chỉ còn ở mức hơn 6,48 tỷ USD. Nhìn lại vài năm vừa qua, 2012 đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp cam kết ODA dành cho Việt Nam sụt giảm.
Với khả năng cuối cùng hướng về phía khu vực tư nhân trong nước, nhiều quan điểm cho rằng cũng không dễ thu hút vốn từ khu vực này. Mức tăng trưởng vốn đầu tư năm 2012 của khu vực tư nhân chỉ đạt 8,1% cũng là mức khá thấp so với giai đoạn trước. Trong khi đó nhiều phân tích cho rằng, khu vực DN tư nhân luôn sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, trước bối cảnh chính sách tiền tệ chặt chẽ được áp dụng, sẽ khó để trông đợi dòng vốn tư nhân chảy vào các dự án hạ tầng.
Thêm vào đó, một số dự án theo hình thức hợp đồng BOT, BTO và BT được triển khai trong thời gian qua đã không thành công như mong đợi, bộc lộ một số hạn chế như: chi phí đầu tư lớn, độ rủi ro cao, khả năng thu hồi vốn thấp, thời gian đàm phán kéo dài, nhiều dự án thi công chậm tiến độ dẫn đến điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhìn nhận, những dự án BT thực hiện “đổi đất lấy công trình” chưa mang lại lợi ích như kỳ vọng của Nhà nước.
Vì vậy, việc huy động nguồn vốn phát triển các dự án PPP đang đối mặt nhiều thách thức. Một mặt là khả năng hút vốn khó, ngược lại nhu cầu ngày càng tăng. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tạo bước đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đòi hỏi phải có một lượng vốn lớn. Đối chiếu với “tham vọng” tại Đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011 - 2020, trong vòng 10 năm tới, nhu cầu đầu tư cho phát triển hạ tầng sẽ cần khoảng 385 - 395 tỷ USD (chưa kể hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại...).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, nếu giữ tỷ lệ đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội như hiện nay thì mức huy động được là khoảng 210 - 215 tỷ USD, mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng theo quy hoạch. Điều đó cũng hàm ý rằng, điểm hạn chế của môi trường kinh doanh tại Việt Nam, liên quan đến hạ tầng, sẽ khó được cải thiện với tình trạng nguồn vốn ngoài Nhà nước “khan hiếm” như hiện nay.
Anh Quân
thời báo ngân hàng
|