Thứ Bảy, 29/12/2012 14:35

Doanh nghiệp FDI bán hàng đa cấp: Đằng sau một cuộc thoái lui

Avon, một trong 3 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thông báo rút khỏi Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp bán hàng đa cấp khác khá lạc quan với thị trường này.

Avon rút khỏi thị trường

Thông báo của Avon toàn cầu cho biết, công ty này sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam và Hàn Quốc, đồng thời cắt giảm 1.500 nhân viên trên toàn cầu trong năm 2013 để cắt giảm chi phí.

“Để củng cố hoạt động sản xuất - kinh doanh, chúng tôi sẽ tập trung vào các hoạt động tạo tăng trưởng mạnh nhất và tích cực cắt giảm chi phí. Việc cắt giảm lần này là cần thiết để ổn định công ty và bắt đầu đưa Avon đi vào phát triển bền vững”, Sheri McCoy, Giám đốc điều hành của Avon toàn cầu cho biết.

Thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh của Avon đã xấu đi rõ rệt. Kết thúc quý III/2012, lợi nhuận của Công ty đã giảm tới 81%, từ 164,2 triệu USD còn 31,6 triệu USD, do doanh thu giảm mạnh. Lợi nhuận giảm đã khiến Avon phải công bố kế hoạch cắt giảm cổ tức tới 75%.

Tại Việt Nam, Avon thông báo: “Avon sẽ ngừng hoạt động và ngừng bán sản phẩm sau ngày 31/1/2013. Các hợp đồng dịch vụ sẽ chấm dứt vào ngày 31/1/2013 và tất cả các nghĩa vụ theo Hợp đồng dịch vụ sẽ được giải quyết chậm nhất không quá ngày 21/3/2013”.

Theo ông Daniel Lee Ryalls, Phó chủ tịch điều hành các thị trường đang phát triển của Avon, quyết định này được đưa ra sau khi cân nhắc kỹ lưỡng các điều kiện thị trường và tiềm năng phát triển tại Việt Nam. “AVON Việt Nam đã không mang lại được doanh thu và lợi nhuận như kỳ vọng, trong khi triển vọng tăng trưởng trong tương lai cũng không lạc quan”, ông Daniel Lee Ryalls cho biết.

Thị trường tăng trưởng 150%/năm?

Một thông tin mà nhiều người không khỏi ngạc nhiên là bán hàng đa cấp tại Việt Nam có mức tăng trưởng tới 150%/năm trong những năm gần đây. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất so với các kênh bán lẻ khác tại Việt Nam.

Lý giải mức tăng trưởng này, ông Võ Đan Mạch, Chánh văn phòng Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam (MLMA) cho biết, lĩnh vực bán hàng đa cấp vẫn còn nhiều tiềm năng tại Việt Nam, vì mới chỉ hơn 1 triệu người tham gia mạng lưới, trong khi dân số của Việt Nam khoảng trên 90 triệu người. Hiện còn có những thông tin chưa chính xác gây ra sự phản cảm ở một bộ phận người tiêu dùng cũng như việc quy chụp hình thức bán hàng đa cấp với các hình thức lợi dụng để kinh doanh bất hợp pháp, song tình hình sẽ được cải thiện, bởi thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ có những quy định cụ thể về hoạt động này.

Ông How Kam Chiong, Tổng giám đốc Amway Việt Nam, một trong 3 nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán hàng đa cấp có nhà máy tại Việt Nam cũng có đánh giá về tương lai của ngành này tại Việt Nam trái ngược hoàn toàn với nhận định của Avon.

“Việt Nam là thị trường trẻ đầy tiềm năng đối với ngành bán hàng đa cấp. Tôi rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng của ngành này và tin tương rằng, cơ hội kinh doanh cùng Amway rất phù hợp, các sản phẩm của Amway thu hút sự quan tâm của nhiều người dân. Chúng tôi mang lại cơ hội kinh doanh với chi phí thấp, ít rủi ro, giúp mọi người sở hữu công việc kinh doanh của riêng mình để tạo ra thu nhập chính đáng. Amway đã phát triển chiến lược đầu tư kinh doanh lâu dài và đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng”, ông How Kam Chiong nhấn mạnh.

Dạo qua một vòng các công ty bán hàng đa cấp tại Việt Nam, có thể thấy, hầu hết các công ty đều đăng ký kinh doanh 2 mặt hàng chủ lực là mỹ phẩm và thực phẩm chức năng, trong khi rất ít công ty chỉ kinh doanh 1 mặt hàng là mỹ phẩm như Avon. Theo đánh giá của một số chuyên gia, kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam theo hình thức bán hàng đa cấp hiện đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hàng xách tay, hàng giả, hàng nhái…

Nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp nước ngoài chuẩn bị vào Việt Nam

Theo ông Võ Đan Mạch, những vướng mắc về truyền thông và nhận thức có ảnh hưởng rất lớn đến các công ty bán hàng đa cấp mới khai thác thị trường hoặc chuẩn bị vào Việt Nam. Chính vì vậy, các công ty chuẩn bị vào Việt Nam phải thận trọng. Tuy nhiên, các công ty bán hàng đa cấp đã có thâm niên và hình thành được mạng lưới ban đầu thì hoạt động ổn định và đóng góp lớn vào mức tăng trưởng ấn tượng vừa qua.

“Nói chung, Việt Nam vẫn rất hấp dẫn và sẽ còn thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường bán hàng đa cấp. Năm 2013 sẽ có thêm khoảng 10 doanh nghiệp bán hàng đa cấp nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam, chủ yếu đến từ các nước châu Á, như Malaysia (7 doanh nghiệp), Trung Quốc, Singapore, New Zealand. Mỹ cũng có thể có 2 doanh nghiệp tham gia. Các mặt hàng chủ yếu mà doanh nghiệp này muốn đưa vào Việt Nam vẫn là thực phẩm chức năng và mỹ phẩm”, ông Mạch cho biết.

Hải Long

đầu tư

Các tin tức khác

>   Nhà máy nhiên liệu sinh học đối mặt nhiều khó khăn (29/12/2012)

>   Tập đoàn phải minh bạch như doanh nghiệp niêm yết (29/12/2012)

>   DATC có cứu được Thép Sông Hồng? (29/12/2012)

>   Thưởng Tết TPHCM thấp nhất 373.000 đồng (28/12/2012)

>   101 rủi ro kinh doanh (28/12/2012)

>   Siết chặt xuất khẩu khoáng sản từ tháng 2-2013 (28/12/2012)

>   Thương hiệu Việt bị thâu tóm với giá bèo (28/12/2012)

>   Thách thức huy động vốn tư nhân (28/12/2012)

>   Làm ăn 2013: Ẩn số sức mua (28/12/2012)

>   Đau tim với thuế phí, giá cả 2012 (28/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật