Nợ nần vòng quanh
Không chỉ ngân hàng, một số doanh nghiệp hiện cũng đã thành lập bộ phận thu hồi nợ. Khách hàng thanh toán đồng nào, nhân viên của chủ nợ lập tức thu đồng đó, đến khi nào thu đủ nợ mới thôi.
Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu máy móc nông nghiệp tại quận Đống Đa, Hà Nội vừa phải bán căn nhà đang ở tại quận Hai Bà Trưng, dọn về sống tại căn hộ chung cư nhỏ trong khu đô thị Xa La để có tiền trả nợ ngân hàng. Ông này cho biết, năm ngoái, căn nhà này đã có người trả hơn 8 tỉ đồng, nay phải ngậm ngùi bán với giá chưa đầy 5 tỉ đồng, chỉ đủ trả được hơn 70% khoản vay.
Nợ chồng lên nợ
“Dù vậy, bán nhà là lựa chọn bắt buộc. Vì nợ ngân hàng giảm xuống, bớt áp lực trả lãi”, vị giám đốc giãi bày và cho biết, bản thân doanh nghiệp của ông cũng đang là chủ nợ của ba đối tác khác, với khoản nợ hơn chục tỉ đồng. Từ giữa năm tới nay, doanh nghiệp gần như ngừng hoạt động, phần vì khó khăn về vốn, phần khác e ngại càng kinh doanh càng lỗ, càng thêm nợ nần. “Đòi nợ mãi không được. Chúng tôi cũng tính làm mạnh tay, nhưng cũng e ngại, họ mất uy tín, càng khó khăn, lấy đâu tiền trả nợ?”, ông mệt mỏi nói.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện để giảm bớt áp lực nợ nần như vậy. Giám đốc một doanh nghiệp chế biến nông sản vay vốn ngân hàng gần 50.000 USD nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu. Song thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, đến hạn trả nợ, doanh nghiệp cực chẳng đã phải vay nóng thị trường chợ đen để trả cho ngân hàng, với lời hứa từ ngân hàng là sau 3 – 5 ngày sẽ lại cho vay tiếp (đảo nợ). Tuy nhiên, sau đó, ngân hàng tuyên bố không cho vay nữa. Trước thông tin doanh nghiệp khó khăn, các ngân hàng khác cũng lao vào đòi tiền, siết nợ hàng hoá (trị giá đã giảm chỉ còn 50% so với thời điểm nhập). Chủ nợ trên thị trường chợ đen cũng thúc ép, hăm doạ, giám đốc doanh nghiệp phải đi vay khắp họ hàng, bạn bè vài triệu đồng một để trả nợ.
Nợ xấu tín dụng thương mại hàng tỉ USD?
Theo nguyên phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa, một doanh nghiệp có thể là con nợ của ngân hàng, hoặc của một doanh nghiệp khác, nhưng cũng có thể là chủ nợ của một đối tác khác nữa. Nợ giữa các doanh nghiệp và nợ ngân hàng liên quan đến nhau, và đều dẫn tới tổng dư nợ của nền kinh tế. Đến nay, chưa có một cơ quan nào có phân tích, đánh giá, thống kê về khoản nợ xấu giữa các doanh nghiệp với nhau (tại một số nước gọi là tín dụng thương mại), song, theo ước tính của ông Nghĩa, nợ xấu trong tín dụng thương mại tại Việt Nam chiếm tỷ lệ 15% tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế mới đây, nợ xấu tại Việt Nam khoảng 7 tỉ USD (tương đương 5% GDP). Như vậy, nợ xấu trong tín dụng thương mại theo nhận định của ông Lê Xuân Nghĩa xấp xỉ khoảng 1,05 tỉ USD.
Không chỉ ngân hàng, một số doanh nghiệp hiện cũng đã thành lập bộ phận thu hồi nợ. Một công ty lương thực, chuyên cung cấp nguyên liệu đầu vào cho một số nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, sau một thời gian bị khất lần, đã cắt cử nhân viên đến các nhà hàng này, trực ở bộ phận thu ngân. Khách hàng thanh toán đồng nào, nhân viên của chủ nợ lập tức thu đồng đó, đến khi nào thu đủ nợ mới thôi. Sợ mất khách, nên chủ nhà hàng không cách nào khác phải chấp nhận.
Một doanh nhân khác vay vốn ngân hàng kinh doanh taxi, rơi vào cảnh thua lỗ, nợ ngân hàng chồng chất, phải giải tán công ty, hai vợ chồng đi bán phở mưu sinh. Ngân hàng cũng cử nhân viên thu hồi nợ túc trực tại quán phở, trực tiếp giám sát, quản lý doanh thu và cứ cuối ngày, chủ quán phở phải nộp tiền đó về cho nhân viên ngân hàng.
Thảo Nguyễn
sài gòn tiếp thị
|