Thứ Năm, 06/12/2012 14:38

Đuối sức sau cổ phần hóa, vì đâu?

Cổ phần hóa các DNNN để tăng cung hàng chất lượng cho TTCK là điều mà tất cả các nhà đầu tư trông đợi.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động các DN sau cổ phần hóa cho thấy, trong nhiều trường hợp, tình trạng định giá DN chào bán cổ phần lần đầu quá cao đã đẩy cả DN và cổ đông vào thế bế tắc, làm mãi vẫn lỗ.

Từ câu chuyện của Công ty 675

CTCP Xây dựng công trình 675 (Cienco 675) trực thuộc Tổng công ty Công trình giao thông 6 (Cienco 6) được cổ phần hóa từ năm 2006 với vốn điều lệ là 10 tỷ đồng. Con số 10 tỷ đồng vốn điều lệ của 1 DN cổ phần hóa giai đoạn năm 2006 không lớn và so với hiện nay lại càng khiêm tốn, nhưng đây lại là gánh nặng với Ban lãnh đạo cùng các cổ đông Cienco 675. Lý do là sau cổ phần hóa, Công ty tuy mang danh vốn điều lệ 10 tỷ đồng, nhưng thực tế là âm vốn chủ sở hữu.

Trao đổi với ĐTCK, ông Lại Văn Quyền, Kế toán trưởng của Cienco 675 cho biết, ngay tại cuộc họp ĐHCĐ đầu tiên để Công ty chính thức chuyển sang mô hình CTCP, lãnh đạo Tổng công ty đã công khai rằng, thực ra, vốn chủ của Công ty bị âm gần 30 tỷ đồng, chứ không phải dương 10 tỷ đồng như con số được hạch toán! Ông Quyền cho biết, đến thời điểm này, Công ty vẫn chưa bù đắp được khoản chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu thực có và vốn theo hạch toán.

Một lãnh đạo khác của Cienco 675 bức xúc về tình trạng Công ty phải chịu mức định giá tài sản quá lớn so với giá trị thực, trong khi phải kế thừa nhiều khoản nợ (trong đó có nợ quá hạn) có từ trước đó mà không có cơ chế hỗ trợ. Sức khỏe tài chính đã yếu, lại phải kinh doanh trong bối cảnh vốn không được bơm thêm, nên việc cổ phần hóa chỉ tạo sức ép lớn hơn cho Ban điều hành, vì phải chịu trách nhiệm trước cổ đông trên con số vốn điều lệ “không thực” tới 10 tỷ đồng.

Ông Quyền cho biết, Công ty có một khoản nợ ngân hàng bị quá hạn từ trước cổ phần hóa, sau 5 năm hoạt động theo mô hình mới, Công ty đã phải oằn lưng ra trả nợ lãi với tổng số xấp xỉ khoản vay, nhưng chẳng được một cơ chế khoanh, giãn nợ nào cả.

Nhiều cổ đông Cienco 675, trong đó có cả cán bộ, công nhân viên của Công ty được mua cổ phần theo diện “ưu đãi, khuyến khích” cảm nhận rằng, họ đang phải trả giá cho quá khứ, khi Cienco 675 bị định giá quá cao so với thực tế.

Đến câu chuyện tại nhiều DN khác

Tại nhiều trường hợp DN khác, các cổ đông cũng đang phải trả giá cho việc định giá cao trong quá trình cổ phần hóa. Giám đốc đầu tư một DN cho hay, trong suốt những năm vừa qua, dù đã cố gắng nhưng những thành quả của công ty ông cũng chỉ có thể cố để bù đắp phần chênh lệch giá trị đầu tư tài chính mà công ty phải hạch toán khi cổ phần hóa.

Tại thời điểm xác định giá trị cổ phần hóa, công ty ông có khoản đầu tư vào cổ phiếu các DN trong ngành dầu khí, chủ yếu là đầu tư dạng cam kết nắm giữ lâu dài. Tuy nhiên, thời điểm đó, nhiều cổ phiếu trong nhóm DN nắm giữ có giá lên tới 200.000 đồng/CP và mức giá này được chọn để xác định giá trị khoản đầu tư vào giá trị DN khi cổ phần hóa. Hậu quả là giá trị DN bị đội lên rất nhiều do khoản đầu tư tài chính bị định giá theo giá thị trường (đúng thời điểm thị trường thăng hoa), chứ không theo giá gốc.

“Những khoản đầu tư cam kết nắm giữ dài hạn, lại được hạch toán theo giá thị trường đúng vào thời điểm thị trường hưng phấn thái quá để tính toán giá trị DN, đã khiến giá trị DN bị đẩy lên quá cao, cổ đông nay phải chịu hậu quả. Đây là lý do khiến nhiều DN sau cổ phần hóa có kết quả kinh doanh thấp, dù Ban lãnh đạo cố gắng rất nhiều. Tôi cho rằng, Nhà nước nên tính toán lại cách định giá DN để tránh việc tận thu, gây ảnh hưởng lâu dài đến thị trường”, vị này nói.

Việc xác định giá trị nhà đất vào giá trị DN tại Habeco gây tranh cãi dai dẳng từ lâu

Tại Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco), việc xác định giá trị phần đất khu đất 183, Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội cũng là một câu chuyện. Đến thời điểm này, những tranh cãi trong việc giá trị đất, hạch toán như thế nào vào giá trị Habeco để tính giá trị DN khi cổ phần hóa vẫn còn tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng, việc định giá đất khi cổ phần hóa DN nên tính theo khả năng sinh lời của giá trị sử dụng đất, bởi trên thực tế, Nhà nước vẫn có cơ chế thu thêm tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất nếu sau đó DN chuyển đổi mục đích sử dụng, trong khi cách làm này lại giúp DN tránh được việc phải ghi nhận giá trị DN quá cao, đẩy vốn điều lệ cao tương ứng, từ đó làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu sinh lời trên vốn điều lệ của các cổ đông.

Không chỉ định giá DN quá cao, trong nhiều trường hợp, bức tranh về kế hoạch kinh doanh tươi sáng hơn thực tế cũng khiến giá cổ phiếu khi đến tay các nhà đầu tư bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực. Một trong những hậu quả của quá trình này là tình trạng nhiều DN sau cổ phần hóa cứ dần dần đuối sức, hoạt động kém hiệu quả, mất giá trên thị trường thứ cấp…

Uyên Phạm

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp du lịch la làng vì bị nhái tên (06/12/2012)

>   Doanh nghiệp xi măng chờ dự án bất động sản (06/12/2012)

>   Nợ khó đòi bào mòn chất xám (06/12/2012)

>   Doanh nghiệp Việt Nam thua trên sân nhà? (06/12/2012)

>   Giải pháp nào cho ngành bán lẻ Việt Nam? (05/12/2012)

>   Giá điện và mãi mãi giấc mơ giảm giá (05/12/2012)

>   Nền kinh tế Mỹ mất 1 tỷ USD mỗi ngày do đình công (05/12/2012)

>   Đề nghị nới lỏng chính sách xuất nhập khẩu (05/12/2012)

>   Sau chế biến cá tra, đến lượt nhà máy đường (05/12/2012)

>   Đưa xăng vào diện hàng nộp thuế trước thông quan (05/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật