Thứ Năm, 06/12/2012 06:21

Doanh nghiệp Việt Nam thua trên sân nhà?

“Khó khăn” là kết quả thu được từ rất nhiều cuộc điều tra cộng đồng các doanh nghiệp lớn nhỏ trong nước khi nhắc tới tình hình kinh doanh tại Việt Nam trong 2 năm gần đây.

Doanh nghiệp Nhà nước "khó khăn" vì nợ khó trả và phải tiến hành tái cấu trúc. Doanh nghiệp tư nhân "khó khăn" vì vốn ít mà lãi vay ngân hàng lại tăng cao, thu chẳng bù nổi chi, lại thêm việc khó cạnh tranh với những lão làng trong ngành, những "ông lớn" đã quá quen với ưu đãi, ưu tiên từ phía Chính phủ. Thế nhưng, tình hình "khó khăn" lại ít thấy ở nhóm doanh nghiệp FDI.

Trong khi khá nhiều doanh nghiệp trong nước đang lao đao vì nguồn thu không tăng, thậm chí giảm đáng kể do lượng cầu giảm,và khó cân đối để giảm chi phí không cần thiết do phải chịu thêm áp lực từ việc giá nguyên nhiên liệu tăng cao, khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đang dao động ở mức khá thấp (so với các năm trước đó), thì các doanh nghiệp nước ngoài lại tăng vốn đầu tư và mở rộng thị phần của mình. Câu hỏi đặt ra ở đây là, vì lẽ gì mà các doanh nghiệp FDI lại có thể tìm được sự tự tin đến như vậy?

Mở rộng khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ hội thu hút FDI

Theo thống kê gần đây nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính tới thời điểm năm 2011, số lượng khu công nghiệp (KCN) trên cả nước là 283 KCN, được thành lập tại hơn 58 tỉnh thành, phân bổ dựa vào điều kiện, trình độ phát triển cụ thể của từng địa phương. Với lợi thế về chính sách ưu đãi, những điều kiện thuận lợi về kết cấu hạ tầng và thủ tục hành chính, các KCN, KCX đã nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư không chỉ trong nước mà cả nước ngoài.

Tính đến cuối tháng 12/2011, các KCN, KCX đã thu hút được 4.113 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 59,6 tỷ USD. Tính riêng trong năm 2011, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đăng ký vào các KCN, KCX đạt 6,47 tỷ USD; tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 7,28 tỷ USD; tương đương 44% và 67% tổng vốn FDI đăng ký và thực hiện của cả nước trong năm 2011.

Có thể thấy, cơ hội đầu tư tại các KCN, KCX hiện nay là rất lớn, nhất là khi chủ trương chung của Chính phủ hiện cũng đang nghiêng về thu hút đầu tư nước ngoài. Các Nghị quyết của Đảng tại các kỳ Đại hội từ năm 1986 đến nay đã hình thành hệ thống các quan điểm nhất quán của Đảng về phát triển KCN, KCX; khẳng định vai trò của KCN, KCX là một trong những nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như Nghị quyết Đại hội X và XI đã nêu rõ. Đây cũng là cơ sở để Chính phủ triển khai xây dựng quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển KCN, KCX trong hơn 20 năm qua và trong giai đoạn sắp tới.

Tận dụng cơ hội, các doanh nghiệp FDI liên tục tăng vốn

Nắm bắt thời cơ khi việc xin cấp phép cho các dự án FDI không còn quá khó, các doanh nghiệp FDI tranh thủ tăng vốn kinh doanh với mục đích "đón đầu cơ hội đầu tư trong dài hạn". Cuối tháng 6 năm nay, Tập đoàn Nidec (Nhật Bản) đầu tư thêm 40 triệu USD vào KCN cao TP.Hồ Chí Minh để thành lập Công ty Nidec Seimitsu (NSTJ), nâng tổng vốn đầu tư tại đây lên 246,5 triệu USD.

Tiếp theo đó, hàng loạt các doanh nghiệp FDI khác cũng đồng loạt tăng vốn: Công ty CP đầu tư Quảng Trường Thời Đại VN đã đăng ký tăng vốn thêm 375,3 triệu USD, Công ty E.B Phú Thạnh (100% vốn Hồng Kông) tăng 13 triệu USD, Công ty TNHH Pizza VN vốn từ 6 triệu USD lên 15 triệu USD...

Những động thái tích cực trên của khối doanh nghiệp FDI được nhiều người trong giới đầu tư nhận định, đây sẽ là điểm sáng rất đáng được khuyến khích, cần tạo điều kiện hơn nữa.

Tuy nhiên, có thực sự đây là "điểm sáng cần khuyến khích" khi mà hiện tượng chuyển giá đang tồn tại trong các doanh nghiệp FDI?

Căn cứ kết quả khảo sát gần đây và theo Báo cáo của các cơ quan thuế, tài chính cho thấy, hiện tượng chuyển giá- tức lãi thật, lỗ giả đang tồn tại và kéo dài nhiều năm trong số doanh nghiệp FDI. Có thể nhận thấy hiện tượng này rõ nét nhất qua việc công ty mẹ ở nước ngoài chuyển máy móc, thiết bị vào Việt Nam có giá trị cao hơn thực tế, có trường hợp tháo dỡ dây chuyền, thiết bị lạc hậu ở nước ngoài và tân trang đầu tư tiếp ở Việt Nam với giá mới cao hơn. Thành phẩm sau khi hoàn thành được bán lại cho công ty mẹ với giá thấp, nhờ đó doanh nghiệp "điều chỉnh" được khoản lãi thành lỗ và dễ dàng "lách thuế" tại Việt Nam.

Đối với các công ty cổ phần, doanh nghiệp FDI niêm yết trên sàn chứng khoán, có khá nhiều doanh nghiệp định giá tài sản cao hơn giá trị thực, tăng lợi nhuận để niêm yết với giá chào sàn cao, sau đó lại bán bớt cổ phiếu để thu lợi nhuân, thu hồi vốn đầu tư, thậm chí còn rút hết vốn ra khỏi Việt Nam. Đương nhiên, đây không phải là hiện tượng cá biệt của riêng nhóm FDI, song thiệt hại sẽ cao hơn, khó lường hơn so với các doanh nghiệp trong nước, bởi luồng vốn ngoại rút khỏi Việt Nam sẽ gây ảnh hưởng tới cả cán cân thanh toán quốc tế, ngoài việc làm rối loạn cung- cầu trên thị trường.

Nhận định được những hệ quả của hiện tượng chuyển giá, tuy nhiên để chống chuyển giá thì không mấy dễ dàng, bởi rất khó để xác định giá trị thị trường, giá giao dịch độc lập. Khi doanh nghiệp báo lỗ nhưng vẫn mở rộng hoạt động kinh doanh, nhiều nghi ngại xuất hiện xung quanh việc có hay không hiện tượng chuyển giá, nhưng để đưa ra chứng cứ thì phải cần rất nhiều công sức thẩm định, kiểm tra mà những con số trên sổ sách, giấy tờ chỉ có giá trị đối chiếu.

Một lần nữa, vấn đề minh bạch hóa lại được nhắc đến.Trong bất cứ giao dịch nào, minh bạch là yếu tố cần thiết để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, dù là trong nước hay nước ngoài. Và muốn làm được như vậy, có lẽ cần rất nhiều sự hợp sức của cộng đồng các doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung, và các doanh nghiệp lớn- những ngọn cờ đầu của nền kinh tế (bao gồm các doanh nghiệp VNR500) nói riêng, đặc biệt là khi nền kinh tế đang rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài như hiện nay.

Khang An

Diễn Đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Giải pháp nào cho ngành bán lẻ Việt Nam? (05/12/2012)

>   Giá điện và mãi mãi giấc mơ giảm giá (05/12/2012)

>   Nền kinh tế Mỹ mất 1 tỷ USD mỗi ngày do đình công (05/12/2012)

>   Đề nghị nới lỏng chính sách xuất nhập khẩu (05/12/2012)

>   Sau chế biến cá tra, đến lượt nhà máy đường (05/12/2012)

>   Đưa xăng vào diện hàng nộp thuế trước thông quan (05/12/2012)

>   Ngân hàng “vô cảm” với nhiều doanh nghiệp (05/12/2012)

>   Doanh nghiệp cạn tiền mặt, giám đốc ngồi trên lửa (05/12/2012)

>   Ngành cơ khí, điện tử tăng trưởng khá (04/12/2012)

>   Thưởng Tết 2013: Dự kiến èo uột (04/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật