Thứ Tư, 05/12/2012 07:03

Doanh nghiệp cạn tiền mặt, giám đốc ngồi trên lửa

Một tình trạng chung đang khiến nhiều DN đau đầu vào thời điểm cuối năm là tiền mặt khan hiếm trong khi nhu cầu chi tiêu ngày càng nhiều.

Tiền đi đâu hết?

Trao đổi với báo chí, ông Trần Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hoàng Mai (Thanh Xuân Trung - Hà Nội), cho biết, chưa bao giờ thấy khan hiếm tiền mặt như hiện nay, gần cuối năm nhu cầu chi tiêu nhiều mà tiền thì không có.

“Tài khoản rỗng không, khách hàng thì chưa thanh toán, bản thân DN cũng đang nợ một số nhà cung cấp tiền hàng mà đến nay không có tiền trả, trong khi đó lương nhân viên đang phải chậm, thưởng cuối năm chưa nhìn thấy khoản nào”, ông Anh than thở.

Trong khi đó, một chuyên gia ngân hàng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại chuẩn bị một lượng tiền mặt rủng rỉnh đủ đảm bảo cho nhu cầu chi tiêu cuối năm và chuyển về các địa phương, vì vậy không có chuyện khan hiếm tiền mặt. Nếu trong tài khoản của các DN có số dư thì đều có thể rút được tiền mặt ra chi tiêu. Vấn đề ở đây chính là DN cạn nguồn tạo ra tiền.

Nguyên nhân khan hiếm tiền được chuyên gia này lý giải là do tín dụng không mở được dẫn đến vòng quay vốn của nền kinh tế chậm, thu nhập của người dân giảm, của những người hưởng lương Nhà nước không tăng, trong khi chi tiêu từ ngân sách Nhà nước cũng thắt chặt.

Với DN thì số lượng đóng cửa, tạm ngừng hoạt động, thua lỗ ngày càng tăng, hàng tồn kho lớn, đầu ra không có, không tiếp cận được vốn vay, nợ quá hạn với ngân hàng cao, nợ giữa các DN với nhau cũng nhiều nên không có tiền thanh toán cho đối tác...

Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu (Nguyễn Công Trứ - Hà Nội) cũng cho rằng, tiền mặt thì không khan hiếm mà vấn đề chính là ở chỗ các DN khó tiếp cận được vốn, nợ xấu cao, không bán được hàng, không tạo ra lợi nhuận.

Phân tích về vấn đề này, ông Lý cho biết: "Hiện chi phí để có 1 kg thịt lợn hơi từ 45.000 đồng tới 55.000 đồng nhưng bán ra chỉ đạt mức 42.000 đồng, trong khi trước kia là trên 60.000 đồng. Thua lỗ đã khiến người chăn nuôi bỏ chuồng và các DN chế biến cũng gặp khó khăn do đầu ra có nhu cầu thấp.

Tôi biết có DN chế biến thực phẩm, có tổng tài sản 130 tỷ đồng, nhưng hiện tại 4 cửa hàng lớn kinh doanh thực phẩm không bán được, phải đóng cửa, cho thuê không được, giờ không biết làm gì".

Khi DN đã phải ngừng hoạt động vì không bán được hàng thì lấy đâu ra tiền mà thanh toán. Không chỉ nợ ngân hàng mà nợ giữa các DN với nhau dẫn đến chẳng ai còn tiền cả.

Nợ nhau vòng quanh

Cho đến nay chỉ số hàng tồn kho có xu hướng giảm nhưng khối lượng tồn kho vẫn cao và những DN có hàng tồn kho cao thì thanh khoản đều rất yếu.

Trong lĩnh vực bất động sản là rõ nhất, ví dụ một DN lớn là Quốc Cường Gia Lai, theo báo cáo tài chính đến tháng 9/2012 chỉ còn 39 tỷ đồng tiền mặt trong tài khoản, trong khi đó, tổng nợ ngắn hạn là 1.931,4 tỷ đồng, hàng tồn kho rất lớn lên tới 3.511,7 tỷ đồng.

Với giá trị hàng tồn kho lớn như vậy, trong khi không thể giải quyết được thì các khoản nợ cũng như các khoản phải thanh toán sẽ chẳng tìm được nguồn đâu ra bởi số tiền mặt còn lại quá nhỏ nhoi, chỉ có 39 tỷ đồng.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho biết, theo tính toán của một số DN, với giá cá tra ở mức gần 22.000 đồng một kg như hiện nay, để làm ra một kg cá tra philê cần 2,5kg nguyên liệu, tương đương 55.000 đồng.

Xuất khẩu khó khăn, chi phí tồn kho làm đội giá thành hơn 700 đồng một kg philê mỗi tháng. Trong lúc đó, nhiều DN do tình hình tài chính yếu kém đã buộc phải bán cá với bất kỳ giá nào để tạo ra dòng tiền tự nuôi sống mình. Có DN hiện chỉ chào giá cá tra philê từ 2,2 - 2,4 USD/kg (chưa tới 50.000 đồng).

Bán dưới giá thành như vậy, các nhà máy đang ăn vào vốn. Biết là vậy, nhưng chỉ cần một tuần, một tháng không có dòng tiền quay về để làm nóng tài khoản thì DN cũng sẽ gặp khó khăn.

Ông Trần Anh Vương, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, cho biết, "tồn kho” công nợ chính là vấn đề nan giải nhất của cộng đồng DN hiện nay.

Theo phân tích của ông Vương, thì các DN nhỏ bị các DN lớn hơn, nhà thầu lớn hơn nợ. Các nhà thầu lớn ấy lại bị chủ đầu tư, bị các nhà thầu lớn hơn nợ, đặc biệt có khoản nợ đến từ địa phương và đến từ các nguồn của Chính phủ... Sự lòng vòng này gây nên khó khăn cho các DN. Đặc biệt, các khoản nợ này ngày một phình to và không có cách giải quyết dứt điểm, dẫn đến DN bị hụt hơi, thanh khoản yếu, mất khả năng thanh toán.

Vấn đề chính là lấy đâu ra tiền? Các nhà kinh tế cho rằng phải có cú hích thực sự để khơi thông đầu ra cho sản xuất. Có như vậy mới giải quyết được hàng tồn kho đẩy mạnh sản xuất, tăng việc làm và đẩy nhanh vòng quay vốn.

Theo tiến sỹ Nguyễn Đại Lai, Chính phủ cần có chính sách kích cầu và coi đây là giải pháp cấp bách cần thực hiện ngay. Thực tế kinh tế đã rơi vào trạng thái trì trệ, kích cầu là phải kích mạnh vào năng lực mua hàng hóa dịch vụ chứ không phải khích vào sản xuất hàng hóa, ông Lai nói.

Giải pháp này dựa trên biểu hiện của lạm phát năm 2012 không khó kiểm soát, không phải do nhập khẩu, cũng không phải do chi phí đẩy hay cầu kéo như một số năm trước đây mà căn bản là do sức mua của xã hội giảm sút, do đó các chính sách kích cầu cần chỉ rõ ví dụ như tăng lương, giảm thuế Giá trị gia tăng, mua hàng tạm trữ, giảm lãi suất cho vay ...

Còn các DN thì phải cơ cấu lại, nâng cao năng lực quản trị, hợp tác với nhau mở thị trường, tìm vốn rẻ từ nhiều nguồn khác, không chỉ dựa vào các ngân hàng và tăng tính thanh khoản của hàng hóa.

Khi hàng hóa được tiêu thụ mạnh, hàng tồn kho giảm, các DN sẽ có tiền, sẽ thanh toán các khoản nợ và đầu tư vào sản xuất kinh doanh qua đó thu hút, tăng thu nhập cho người lao động... và tiền sẽ không còn khan hiếm nữa.

Trần Thủy

vietnamnet

Các tin tức khác

>   Ngành cơ khí, điện tử tăng trưởng khá (04/12/2012)

>   Thưởng Tết 2013: Dự kiến èo uột (04/12/2012)

>   Thương mại Việt Nam – Bồ Đào Nha đang trên đà tăng trưởng (04/12/2012)

>   EVN đi mua ngoài hơn một nửa sản lượng điện (04/12/2012)

>   Bưu chính hướng tới là kênh thu nhận kiều hồi chính (04/12/2012)

>   Xây dựng nhà máy sản xuất đất hiếm ở Quảng Ninh (04/12/2012)

>   Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước cần… (04/12/2012)

>   Việt Nam – Thái Lan sẽ trở thành đối tác chiến lược (04/12/2012)

>   Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may tiếp tục dẫn đầu (04/12/2012)

>   Bô xít Tân Rai sẽ xuất xưởng vào giữa tháng 12 (04/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật