Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước cần…
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tái cấu trúc là việc làm cần thiết và cần làm ngay, làm triệt để. Tuy nhiên, muốn tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước thành công, trước tiên, cần phải tập trung cụ thể vào những ngành nghề kinh doanh chính và có năng lực chứ không nên dàn trải, như vậy sẽ không mang lại hiệu quả…
“Cùng với tỷ lệ lạm phát cao và sự sụt giảm FDI trong thời gian gần đây, công bằng mà nói, các doanh nghiệp châu Âu vẫn đang quan ngại về môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam”. Đó là ý kiến của Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch phòng thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức ngày 3/12/2012, tại Hà Nội. Nhiều ý kiến cho rằng, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đang là vấn đề bức thiết cần phải làm triệt để…
Trong thực tế, năm 2012 đã có trên 15 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động bởi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, sức mua suy giảm nghiêm trọng, hàng tồn kho tăng cao… là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Tại diễn đàn doanh nghiệp năm 2012, ông Preben Hjortlund, Chủ tịch phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết về kết quả trong cuộc điều tra về chỉ số môi trường kinh doanh hàng quý (BCI) của EuroCham tại Việt Nam. Trong năm vừa qua, chỉ số BCI đã giảm từ 70 xuống còn 53 điểm, và hiện chỉ xoay quanh mức điểm thấp này, cho thấy các nhà đầu tư vẫn tiếp tục lo ngại khi lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư trong ngắn hạn.
Theo báo cáo “Môi trường kinh doanh 2012”, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam bị sụt giảm trong năm nay là do Việt Nam đã thất bại trong việc cải thiện hệ thống điện. Báo cáo cũng đề cập đến tiến trình chậm chạp trong cải cách hành chính của Việt Nam…
Do đó, để cải thiện, trước mắt cần phải cải cách thể chế kinh tế, tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước.
Ông Mark Gillin, Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho hay, Việt Nam cần tập trung vào các thách thức đang nổi lên, đặc biệt là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và các chương trình đầu tư công.
Theo ông Mark Gillin, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nâng cao hiệu quả đầu tư công, và hoàn thiện tính minh bạch, đó là điều cần thiết để hỗ trợ Việt Nam tiến đến việc đạt mức thu nhập trung bình. Trong dài hạn, tham vọng của Việt Nam về việc duy trì tăng trưởng cao trong thập kỷ tiếp theo sẽ đòi hỏi việc tập hợp các cải cách táo bạo như đã được thực hiện trong thời kỳ đổi mới. Việt Nam cần một sân chơi để tối đa hóa tiềm năng của mình. Khi trình độ dân trí nâng cao và sản xuất trở nên tinh vi hơn, những nhu cầu xã hội về lòng tin, khả năng dự đoán và một sân chơi “cạnh tranh trung lập” sẽ được phát triển. Minh bạch là yếu tố rất quan trọng…
Ông Mark Gillin cũng chia sẻ rằng, những thách thức trong quản trị tiên tiến rất phức tạp, nhưng triển vọng phát triển của Việt Nam trong trung hạn sẽ tốt hơn nếu vấn đề quản trị tiên tiến được giải quyết sớm. Và sự cần thiết của việc nhấn mạnh đến tính hiệu quả của đầu tư công, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và những cải cách khác, cho dù điều này gây ra những hạn chế về phát triển trong ngắn hạn.
Cũng theo ông Mark Gillin, theo công bố của ADB đi kèm với phương tiện tài chính được duyệt, chương trình mới của ADB sẽ cung cấp đào tạo và trợ giúp khác cho các tổ chức chính phủ tham gia vào quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, chẳng hạn như: Tổng công ty Mua bán Nợ và Tài sản. Kết quả của việc tái cấu trúc là các tổng công ty tạo thành phân nhóm của các công ty có thể hoạt động độc lập, đảm bảo nguồn lực tài chính từ thị trường vốn của riêng mình mà không cần phải dựa vào chính phủ và sẽ đáp ứng tất cả các điều kiện dẫn đến kết quả được niêm yết.
Việc chuyển đổi các tập đoàn lớn thành các doanh nghiệp hiệu quả và có lợi nhuận nhiều hơn sẽ đem đến nhiều lợi ích bao gồm những công cụ của chính sách tạo điều kiện thúc đẩy việc đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, từ đó nâng cao sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tái cấu trúc là việc làm cần thiết và cần làm ngay, làm triệt để. Tuy nhiên, muốn tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước được, trước tiên, cần phải tập trung cụ thể vào những ngành nghề kinh doanh chính và có năng lực, chứ không nên dàn trải, như vậy sẽ không mang lại hiệu quả…
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho rằng, thời gian qua, bên cạnh sự nỗ lực tháo gỡ khó khăn của chính phủ không thể không nhắc đến sự đồng hành, nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, đòi hỏi bản thân các doanh nghiệp phải tự cơ cấu lại. Đây cũng chính là thời điểm thử thách khắc nghiệt cho các doanh nghiệp nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp năng động dám nghĩ, dám làm biết nắm bắt cơ hội vươn lên để phát triển… |
Hoàng Cường
thời báo ngân hàng
|