Nợ khó đòi bào mòn chất xám
Nếu vấn nạn nợ đọng hàng ngàn tỷ đồng khiến các đơn vị xây dựng cơ bản “còng lưng”, thì khoản nợ chỉ vài trăm tỷ đồng lay lắt từ nhiều năm nay đã “ghì sát đất” nhiều công ty tư vấn thiết kế hàng đầu của ngành giao thông - vận tải (GTVT).
Nỗi khổ của “anh cả đỏ”
Phải khó khăn lắm tôi mới thuyết phục được ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đưa ra danh sách các khoản công nợ hiện đã lên tới 175 tỷ đồng của đơn vị tư vấn hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực giao thông này.
“Đây là các khoản nợ từ các dự án đã hoàn thành công tác khảo sát, lập dự án mà các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà đầu tư còn thiếu của chúng tôi. Nếu tính cả các dự án chuyển tiếp chưa nghiệm thu, thì công nợ sẽ tới gần 600 tỷ đồng”, ông Sơn cho biết.
So với các tổng công ty xây lắp, khoản tiền trên không phải là quá lớn, nhưng đối với những đơn vị tư vấn, thiết kế vốn chỉ được tiền công vài tỷ đồng cho mỗi hợp đồng thiết kế, thì đây thực sự là một “món nợ chất xám” khổng lồ.
Cần phải nói thêm rằng, TEDI với gần 2.000 lao động, trong đó 70% có trình độ trên đại học đang công tác tại 10 công ty tư vấn “con” sau nhiều năm tích cóp cũng chỉ có số vốn điều lệ xấp xỉ 100 tỷ đồng. Năm 2011 - năm kinh doanh vào loại tốt nhất của TEDI, thì doanh thu mà “anh cả đỏ” này cũng chỉ đạt 595 tỷ đồng.
“Với vấn nạn nợ đọng, TEDI không chỉ khó thực hiện cổ phần hóa công ty mẹ, mà ngay cả việc giữ chân những kỹ sư giỏi cũng đang là vấn đề nan giải”, ông Sơn cho biết.
Theo báo cáo của Công đoàn GTVT Việt Nam gửi Bộ GTVT, tổng số lao động thiếu việc làm của TEDI là 500/2.000 người. Nhiều đơn vị đã phải cho người lao động nghỉ luân phiên. Thu nhập người lao động ở tất cả các đơn vị đều giảm mạnh, một số đơn vị xuất hiện tình trạng nợ lương, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội.
“Đây là một thực tế đau xót đối với một đơn vị tư vấn xây dựng hàng đầu cả nước, mà cách đây chưa lâu, còn được xem là địa chỉ công tác mơ ước của bất cứ sinh viên học ngành giao thông, xây dựng nào trên cả nước”, ông Đoàn Văn Bửu, Phó chủ tịch Công đoàn ngành GTVT chua xót đánh giá.
Không chỉ riêng TEDI, vấn nạn nợ đọng như một bệnh dịch lây lan khắp “làng” tư vấn. Ông Lê Đức Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn công trình giao thông Yên Bái cho biết, công việc ưu tiên số 1 hiện nay không phải là chăm chút cho những bản đồ án thiết kế sao cho tốt nhất, hiệu quả nhất, mà là… đi đòi nợ.
Ông Bình cho biết, riêng năm 2011, sản lượng toàn Công ty đạt 19 tỷ đồng, thì trong đó, chủ đầu tư còn nợ tới 11 tỷ đồng đối với các khối lượng đã được nghiệm thu. “Chúng tôi đã phải báo cáo với HĐND tỉnh và báo cáo Sở GTVT Yên Bái về vấn đề nợ doanh nghiệp tư vấn. Hiện nay, riêng tỉnh này còn nợ chúng tôi 39 tỷ đồng và Bộ GTVT còn nợ trên 10 tỷ đồng đối với các khối lượng đã hoàn thành và được nghiệm thu từ năm 2007 đến nay”, ông Bình bức xúc.
Ngóng phao cứu nợ tư vấn
Được biết, mọi hy vọng giải quyết công nợ của TEDI và một số đơn vị tư vấn khác hiện trông cả vào Văn bản số 8408/BGTVT-KHĐT mà Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 10/2012.
Theo nội dung văn bản trên, Bộ GTVT cho biết, tại Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã có Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 16/1/2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/6/2012 thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 16/1/2012. Để thực hiện những nhiệm vụ trên, trong những năm qua, Bộ GTVT đã cho phép tiến hành chuẩn bị đầu tư nhiều dự án, đặc biệt là các dự án lớn, quan trọng, thiết yếu.
Tuy nhiên, thời gian qua, nguồn vốn ngân sách khó khăn, nên bố trí vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư rất hạn chế, chỉ đáp ứng 20 - 30% nhu cầu. Trong đó, năm 2011, chỉ bố trí được 40 tỷ đồng, đáp ứng 9,4% nhu cầu; năm 2012, bố trí 40,5 tỷ đồng, chỉ đáp ứng 5,6% nhu cầu. Tính đến nay, vốn chuẩn bị đầu tư còn nợ các tổ chức tư vấn khoảng 500 tỷ đồng, trong đó, nợ khối lượng hoàn thành hơn 200 tỷ đồng.
“Hiện nay, hầu hết các tổ chức tư vấn lập dự án đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn để đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nhiều đơn vị đều phải cắt giảm nhân lực, nợ lương, dẫn đến đời sống cán bộ, kỹ sư bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên cho biết.
Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các tổ chức tư vấn đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng những giải pháp rất cụ thể. Trong đó, đối với vốn chuẩn bị đầu tư còn thiếu của các dự án đang triển khai thực hiện đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, hoặc ngân sách nhà nước góp cho các dự án xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT), đối tác công – tư (PPP)..., đề nghị cho phép được sử dụng phần vốn thực hiện dự án hoặc vốn góp của Nhà nước để chi trả cho công tác chuẩn bị đầu tư. Trước mắt, cho ứng vốn chuẩn bị đầu tư khoảng 300 tỷ đồng để trả nợ khối lượng hoàn thành và một phần vốn cho các dự án mới đang triển khai lập dự án. Trong trường hợp khó khăn, đề nghị cho phép ứng trước kế hoạch 200 tỷ đồng để trả nợ khối lượng hoàn thành.
“Đó không chỉ là vì miếng cơm, manh áo của hàng trăm ngàn lao động, mà trong giai đoạn tới, đây chính là nguồn lực quan trọng tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông”, ông Đoàn Văn Bửu, Phó chủ tịch Công đoàn ngành GTVT bày tỏ quan điểm
Anh Minh
đầu tư
|