Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam: “Đừng ảo tưởng vào bức tranh màu sáng”
Đa phần các tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam đơn giản chỉ vì có nhiều ưu đãi và nhân công rẻ chứ không phải năng lực cạnh tranh tốt.
“Thời gian qua, việc Samsung chọn Việt Nam để đầu tư nhà máy sản xuất điện thoại di động xuất khẩu có quy mô lớn nhất và hiện đại nhất của họ cho thấy, nguồn nhân lực của Việt Nam đã tốt lên, giành được sự tin tưởng từ các tập đoàn hàng đầu quốc tế”. Ông Trương Gia Bình, Tổng giám đốc, Chủ tịch FPT bày tỏ sự tin tưởng khi nói về năng lực cạnh tranh Việt Nam tại Hội thảo Tái xác định lợi thế cạnh tranh của Việt Nam thông qua tăng cường khả năng thích ứng trước các rủi ro, do Bộ Ngoại giao và Diễn đàn kinh tế Thế giới tổ chức tại Hà Nội ngày 6/12.
Cũng theo ông Bình, không chỉ có Samsung mà còn rất nhiều tập đoàn hàng đầu khác của thế giới đã chọn Việt Nam vì chất lượng lao động, cho thấy năng lực cạnh tranh về nguồn nhân lực của Việt Nam đã dần được cải thiện. Bản thân FPT cũng đã nỗ lực xây dựng trường Đại học FPT trở thành trường đại học đầu tiên đạt chuẩn quốc tế 3 sao tại Việt Nam, cho thấy FPT xác định rõ ràng việc đầu tư cho giáo dục là một cách quan trọng để tăng năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, về góc độ nguồn nhân lực của Việt Nam, ông Vũ Thành Tự Anh, Giảng viên Chương trình Kinh tế Fulbright đưa ra một quan điểm hoàn toàn trái ngược. Theo ông Tự Anh, tình trạng thừa lao động thiếu kỹ năng và thiếu lao động có trình độ tay nghề cao, có năng lực quản trị đang là một nút thắt cản trợ nền kinh tế Việt Nam và đã được nói đến từ rất lâu rồi.
Để giải quyết vấn đề này, hệ thống giáo dục và đào tạo phải được nâng cấp căn bản, tiến dần tới chất lượng quốc tế theo mục tiêu đến năm 2020 mà chính phủ đã đưa ra. Tuy nhiên, với những gì đang có, ông Tự Anh cho rằng, đây là việc còn lâu Việt Nam mới đạt được. Dạy nghề cũng có một khoảng cách quá xa với yêu cầu của các nhà sản xuất hàng đầu của thế giới khi họ đầu tư vào Việt Nam, khiến họ rất khó mở rộng và phát triển.
Gần đây, kinh tế Việt Nam có một điểm sáng trong xuất khẩu, đó là tỷ trọng xuất khẩu công nghệ cao, chiếm khoảng gần 10% tỷ trọng xuất khẩu và tăng lên khoảng 6-7% trong 10 năm lại đây. “Nhưng nếu nhìn sâu vào đằng sau sự tiến bộ đó sẽ thấy bức tranh không thực sự sáng sủa như chúng ta lầm tưởng”. Một điểm sáng trong năm nay là xuất khẩu các sản phẩm điện thoại di động, như của Samsung Việt Nam, khoảng 6-7 tỷ USD.
“Nhưng cá nhân tôi đã từng đi thăm một số các cơ sở được gọi là công nghệ cao của Việt Nam, sản xuất các thiết bị y tế xuất khẩu sang Nhật Bản. Khi xuất khẩu, mặt hàng này được xếp vào dạng công nghệ cao, nhưng sự đóng góp của công nhân Việt Nam trong mặt hàng đó chỉ là lấy một con chip đặt vào bo mạch trên cả một dây chuyền, với yêu cầu chưa cần tốt nghiệp hết lớp 5, chỉ cần 3-5 ngày để làm quen với dây chuyền sản xuất”, ông Tự Anh chia sẻ.
Khi các công ty công nghệ cao như Intel, Samsung đầu tư vào Việt Nam, họ chọn Việt Nam đơn giản chỉ vì Việt Nam có ưu đãi tốt và nhân công rẻ chứ không phải chúng ta có một lực lượng kỹ sư giàu kinh nghiệm và đẳng cấp quốc tế. “Vì vậy, không nên quá lãng mạn khi nhìn vào con số xuất khẩu công nghệ cao mà phải nhìn vào thực sự đóng góp được gì, thu được bao nhiêu % giá trị gia tăng hay là chỉ xuất khẩu hộ các nền kinh tế khác”.
“Trong hai năm qua, việc Việt Nam tụt 16 bậc trong xếp loại năng lực cạnh tranh đã cho thấy một cái nhìn thực tế hơn về năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nói. “Cái sai chính là do Việt Nam sai lầm nghiêm trọng trong xây dựng cấu trúc kinh tế.
Sau 25 năm đổi mới, vẫn là nền công nghiệp lắp ráp và dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên mà hoàn toàn không có công nghiệp phụ trợ. “Năng lực liên kết của doanh nghiệp trong nước quá yếu, như nuôi một chú gà công nghiệp nên không thể kết nối được với doanh nghiệp FDI để hội nhập”, ông Thiên ví von. Vì vậy, thu hút đầu tư nước ngoài rất nhiều nhưng chỉ có doanh nghiệp FDI phát triển.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam phải hoạch định cho mình một thế mạnh riêng mà không nên ôm đồm. Chủ động đầu tư công nghệ để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng giá trị gia tăng thu được qua sản phẩm. “Một hướng tạo thế cạnh tranh mới đang được các doanh nghiệp thế giới áp dụng hiện nay đó là tham gia vào quá trình tăng trưởng xanh và trách nhiệm xã hội doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu”, ông Vinh nhấn mạnh.
Phan Long
đầu tư
|