Năm 2013: Thách thức vẫn là kiểm soát lạm phát
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội các chỉ tiêu cơ bản năm 2013, trong đó phấn đấu lạm phát thấp hơn, tăng trưởng kinh tế cao hơn năm nay. Cùng với các chỉ tiêu, Chính phủ cũng đã đề ra hàng hoạt giải pháp.
Sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng vọt 2,2% so với tháng trước, cùng với nhiều áp lực tăng giá đang thường trực, ngay cả những chuyên gia kinh tế lạc quan nhất cũng chỉ dám đưa ra dự báo CPI cả năm 2012 sẽ ở mức 8%. Mặc dù giới chuyên gia nhận định, sự nhảy vọt của CPI tháng 9 có sự tác động lớn đối với giá tiêu dùng trong tháng là phí dịch vụ y tế và học phí giáo dục nhưng lo ngại CPI tăng vào cuối năm vẫn chưa hết.
Hơn thế xét theo quy luật hàng năm, về “lịch sử” thì càng vào những tháng cuối năm CPI thường tăng cao hơn (trong khi đó, tháng 11 so với cùng kỳ các năm 2010, 2011 lần lượt là 11,09% và 19,83%). Tuy nhiên, với năm 2012 – “năm đặc thù” này có vẻ như quy luật của CPI cũng có nhiều thay đổi, khi CPI tháng 10 và tháng 11 chỉ tăng lần lượt 0,85% và 0,4% so với tháng 9 và tháng 10. Như vậy, CPI tháng 11 tăng 6,52% so với tháng 12/2011 và tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, sau khi phân tích tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ dự báo CPI cả năm 2012 có thể kiểm soát ở mức 7,5%. Nhìn ở góc độ nhà nghiên cứu, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh - Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cho rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2012 phù hợp với mục tiêu điều hành CSTT của NHNN đặt ra.
Sự phù hợp này được xuất phát thực tế, thị trường tiền tệ những tháng cuối 2011 đã ổn định; tỷ giá cũng giữ được sự ổn định, không có sức ép phá giá VND, dù lãi suất còn cao nhưng không có cú sốc. Vì vậy, năm 2012, NHNN vẫn theo đuổi mục tiêu là duy trì ổn định tỷ giá, giảm lãi suất theo diễn biến lạm phát và đã đạt được. Đây được xem là giải pháp điều hành quan trọng để bình ổn thị trường tiền tệ, ổn định về vĩ mô.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội các chỉ tiêu cơ bản năm 2013, trong đó phấn đấu lạm phát thấp hơn, tăng trưởng kinh tế cao hơn năm nay. Cùng với các chỉ tiêu, Chính phủ cũng đã đề ra hàng hoạt giải pháp. “Nếu lạm phát thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 8% thì từ đó có thể đưa ra các quy định về lãi suất. Còn việc có điều chỉnh giảm lãi suất hay không thì Chính phủ đã giao cho NHNN có phương án cụ thể để kéo lãi suất xuống phù hợp với tình hình lạm phát” – Người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh.
Có thể thấy, Chính phủ cũng đưa ra quan điểm chỉ đạo, điều hành trong năm 2013 là tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. TS. Nguyễn Thị Kim Thanh cho rằng, về điều hành cung tiền trong năm 2013, NHNN đảm bảo lượng tiền điều tiết cho NHTM. Chính sách hạn mức tín dụng xuất phát từ thực tế thị trường Việt Nam, bởi trong thời gian dài trước đây tăng trưởng tín dụng cao, thanh khoản yếu, cạnh tranh không lành mạnh, nên đưa ra hạn mức tín dụng sẽ hạn chế được tốc độ tăng cung tiền.
Nếu CPI tiếp tục được kiểm soát tốt và lạm phát năm 2012 ở mức 7,5% sẽ tạo điều kiện để NHNN điều hành giảm lãi suất. Lãi suất giảm, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, là cơ sở để giá hàng hóa, dịch vụ giảm... lạm phát năm sau sẽ tiếp tục được kiểm soát tốt hơn. TS. Nguyễn Thị Kim Thanh nhận định, thách thức của năm 2013 vẫn là mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, theo bà Thanh, CPI năm 2013 sẽ ở mức trên 7% một chút.
Quang Cảnh
thời báo ngân hàng
|