Chủ Nhật, 09/12/2012 21:02

Góc nhìn tuần 10-14/12: Lại kịch bản giằng co giảm nhẹ

Hai ý kiến trái chiều được đưa ra nhưng phần đông nghiêng về tình huống thị trường tiếp tục dao động với biên độ hẹp trong xu hướng giảm.

Tích cực hơn

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Hiện tại NHNN chưa phát thêm thông điệp mới xung quanh vấn đề điều hành lãi suất trong thời gian tới. Tuy nhiên, VDS nhận thấy tín hiệu giảm lãi suất huy động đã được phát đi từ một số ngân hàng lớn như EIB, ACB, VCB, STB... Đây là những ngân hàng có thị phần lớn trong hệ thống, do vậy, mặc dù chưa có tín hiệu từ NHNN, song có thể kỳ vọng tín hiệu giảm lãi suất ở các ngân hàng lớn sẽ là định hướng lãi suất trong thời gian tới trên thị trường tiền tệ.

VDS đánh giá tín hiệu này phản ánh chính xác tình hình cung – cầu trên thị trường tiền tệ đang có sự chuyển biến tích cực, hơn là dựa vào những biện pháp hành chính được cơ quan chức năng áp dụng.

Không có nhiều thông tin hỗ trợ thị trường trong tuần sau. Trong khi đó, kết quả review danh mục chỉ số khá thất vọng của FTSE sẽ làm giảm hưng phấn cũng như sự mạnh dạn của nhà đầu tư trên TTCK.

Các chỉ số sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong tuần sau, do vắng bóng dần các tin tức hỗ trợ trong khi đã gặt hái được mức tăng nhất định trong tuần này. Mặc dù vậy, VDS vẫn giữ quan điểm tích cực trong tháng cuối cùng của năm và kỳ vọng VN-Index sẽ biến động trong vùng 380 – 390 trong tuần sau. Nhà đầu tư ngắn hạn đang nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao có thể cân nhắc giải ngân ở cận dưới của biên độ dao động này.

Không quá lạc quan

CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Xu thế thị trường vẫn không có sự cải thiện khi mà các chỉ số chính trên hai sàn HOSE và HNX đều giảm điểm trong phiên giao dịch cuối tuần (07/12). Quan sát diễn biến giao dịch, có thể thấy lượng mua – bán trong phiên này vẫn chủ yếu mang tính thăm dò do nhà đầu tư đang chờ đợi thêm thông tin.

Ngoài nhóm cổ phiếu ngân hàng như MBB, VCB … vẫn được khối ngoại mua vào khá tốt thì nhiều cổ phiếu Bluechips đã bắt đầu suy yếu do áp lực bán tăng nhẹ. Giao dịch vì thế nhanh chóng trở lại trạng thái giằng co, đi ngang với những tín hiệu kém khả quan về xu thế tiếp tục được ghi nhận. Việc các chỉ số liên tiếp thất bại trong việc tiếp cận các ngưỡng kháng cự ngắn hạn đã làm giảm đáng kể khả năng hình thành xu thế hồi phục của thị trường trong giai đoạn này.

Về yếu tố hỗ trợ, ngoài kỳ vọng của nhà đầu tư về việc chính phủ sẽ có các biện pháp cụ thể để hỗ trợ cho ngành xây dựng và bất động sản và khả năng lãi suất có thể tiếp tục giảm thì những thông tin vĩ mô thực sự tích cực vẫn chưa xuất hiện. Mặt khác, thông tin công bố về danh mục của các quỹ ETF đã không thể tạo tác động tích cực hơn khi mà không có cổ phiếu nào được gia tăng tỷ trọng hay đưa vào danh mục mới.

FPTS cho biết không quá lạc quan vào diễn biến thị trường trong tuần giao dịch tiếp theo do động lực duy trì đà tăng điểm của thị trường vẫn chưa thực sự rõ ràng. Theo đó, công ty này cho rằng nhà đầu tư tham gia thị trường trong giai đoạn này vẫn cần phải đặc biệt chú ý đến rủi ro T+ và việc mua vào vẫn chỉ nên được cân nhắc với những cổ phiếu đã có sẵn trong danh mục.

Phụ thuộc lực cầu

CTCP Chứng khoán Woori (CBV): Thị trường tiếp tục cho thấy dấu hiệu điều chỉnh sau chuỗi tăng điểm đầu tuần. Thanh khoản trên cả 2 sàn ở phiên 07/12 tiếp tục duy trì ở mức khá tốt.

Sự xuất hiện của hình nến Doji trong phiên ngày thứ 5 đã cho thấy dấu hiệu đầu tiên về khả năng điều chỉnh của thị trường khi cung cầu dần về trạng thái cân bằng sau chuỗi tăng điểm đầu tuần. Tuy nhiên, lực cầu vẫn duy trì khá tốt trong những phiên điều chỉnh có thể coi là một tín hiệu tích cực.

Rủi ro về T+ được nhắc đến khi tuần tới số lượng cổ phiếu trong những phiên gia tăng thanh khoản đầu tuần sẽ về đến tài khoản. Nhưng theo Woori áp lực bán sẽ không lớn khi xu hướng tăng ngắn hạn vẫn chiếm ưu thế. Bên cạnh đó, lợi nhuận qua T+3 là không lớn để nhà đầu tư bán chốt lời, đặc biệt đối với những nhà đầu tư đã bỏ tiền ra bắt đáy vào thời điểm này.

Theo CBV, xu hướng tuần tới sẽ phụ thuộc vào sự ổn định của lực cầu, đặc biệt tại các vùng giá cao hơn. Nhiều khả năng chỉ số vẫn sẽ có những diễn biến tích cực trong ngắn hạn.

Khả năng giăng co giảm nhẹ

CTCP Chứng khoán FLC ( FLCS): Nhìn từ phía ngân hàng, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã được giãn nợ và được giữ ở trong nhóm nợ tốt để tiếp tục cung cấp tín dụng, nhưng chỉ sau một thời gian thì họ không trả được nợ mới và ngay cả lãi của nợ cũ. Điều này có nguyên nhân từ bản chất sự suy thoái của nền kinh tế hiện nay có liên quan đến việc trước đây nhiều doanh nghiệp đã đầu tư quá nhiều so với nhu cầu tiêu thụ thực, do vậy nhiều nhà máy không chạy hết công suất, nhiều doanh nghiệp chưa có cách nào thu lại vốn đầu tư ban đầu.

Trong bối cảnh xu thế cầu tiêu dùng tiếp tục suy giảm, chúng tôi cho rằng ngay cả khi trần huy động lãi suất giảm về 7%/năm, lãi suất cho vay trung bình dài hạn về 13% thì cũng chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để nền kinh tế phục hồi.

Đánh giá về biến động thị trường trong tuần qua, nếu cho rằng 2 ngày cuối tuần là sự điều chỉnh để tái tích lũy thì thị trường nên xuất hiện sự giảm điểm mạnh hơn, tuy vậy thị trường chỉ giảm nhẹ và điều này thường là sự níu kéo để phân phối.

Mặt khác trong vòng 9 phiên gần đây trở lại, hiện tượng tăng giá 30 phút cuối phiên lặp lại nhiều lần tại sàn Hà nội, rất ít khi sự tích lũy được thực hiện theo phong cách này để hôm sau phải mua với mức giá cao hơn. Do vậy, trong tuần tới diễn biến đi ngang và giảm nhẹ nhiều khả năng sẽ xảy ra.

Trở lại lình xình đi ngang

CTCP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS): Với số thông tin tích cực tương đối ít ỏi, thị trường cũng đã tạo được một vài phiên tăng điểm khá tốt, đồng thời thanh khoản cũng tăng mạnh. Điều này cho thấy tâm lý của nhà đầu tư kỳ vọng vào một sóng tăng là rất rõ.

IVS cho rằng với những thông tin như vậy sẽ chưa đủ để kích thích dòng tiền chảy mạnh vào TTCK. Nó chỉ như xúc tác giúp tâm lý nhà đầu tư trở nên vững hơn, đồng thời giúp thị trường trụ tại vùng hỗ trợ hiện tại. Khi đó các cổ phiếu có tính chất đầu cơ sẽ có nhiều cơ hội để tăng giá đặc biệt nếu như lực cầu đủ mạnh giúp VN-Index vượt ngưỡng 390 điểm.

Trong điều kiện xấu nhất, IVS cho rằng thị trường sẽ lại trở lại xu hướng lình xình đi ngang và chờ đợi. Đây cũng là kịch bản mà IVS mong đợi nhất trong điều kiện hiện nay, và thời gian đi ngang đủ dài sẽ càng mang đến cơ hội tăng điểm rõ rệt hơn.

Mỹ Hà tổng hợp (Vietstock)

Ffn

Các tin tức khác

>   Tự doanh vẫn chỉ thích cổ phiếu penny? (08/12/2012)

>   Góc nhìn 07/12: Trong trạng thái điều chỉnh (06/12/2012)

>   Góc nhìn 06/12: Sẽ tích cực hơn? (05/12/2012)

>   Ngày 05/12: 10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn kỹ thuật (05/12/2012)

>   Góc nhìn 05/12: Cần kiểm chứng thêm (04/12/2012)

>   Ý thức minh bạch DN còn hạn chế (03/12/2012)

>   Ngừng giao dịch, hủy niêm yết các vi phạm nghiêm trọng (03/12/2012)

>   Góc nhìn 04/12: Vẫn èo uột (03/12/2012)

>   Góc nhìn 03-07/12: Tham gia với mục tiêu dài hạn (02/12/2012)

>   Tự doanh CTCK cũng có dấu hiệu “oải” (01/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật