Góc nhìn 04/12: Vẫn èo uột
Giảm lãi suất hay chỉ số PMI tăng chưa phải là nút thắt của vấn đề, các chuyên gia phân tích cho rằng thời điểm hiện tại tiếp tục không thích hợp để tham gia thị trường.
Dễ rơi vào trạng thái “ngủ đông”
CTCP Chứng khoán MB (MBS): Thị trường mở cửa phiên giao dịch 03/12 đón nhận thông tin chỉ số PMI tháng 11 của Việt Nam tăng lên mức 50.4 so với mức 48.7 của tháng 10/2012, trên mức 50 đầu tiên trong 14 tháng trở lại đây. Trong đó, sản lượng tăng cao nhất kể từ tháng 9/2011 chấm dứt chuỗi 7 tháng liên tiếp bị co hẹp. Mức sản xuất cũng cải thiện do nhu cầu nội địa tăng, lạm phát chậm lại. Đây là thông tin tốt trong bối cảnh dòng tiền và niềm tin trên thị trường đang ngày càng co hẹp lại, tuy nhiên, thị trường đón nhận thông tin này với thái độ thận trọng. Thanh khoản trên thị trường, bao gồm GDTT sụt giảm mạnh so với phiên cuối tuần.
Giao dịch tại HNX thực sự rơi vào suy kiệt, với 14.29 triệu cổ phần chuyển nhượng, GTGD đạt hơn 85.2 tỷ đồng. Các cổ phiếu trụ cột đang thực sự gặp vấn đề về thanh khoản, VCG (161.000 cp); Với những diễn biến như hiện nay, thị trường rất dễ rơi vào trạng thái “ngủ đông”, tâm lý nhà đầu tư bị bào mòn dần qua các phiên giao dịch, nếu có tin xấu đột ngột tung ra sẽ khiến thị trường chịu thêm nhiều áp lực.
Tham gia khi có dấu hiệu đáng tin cậy
CTCP Chứng khoán Á Âu (AAS): Thị trường không có quá nhiều khác biệt so với phiên 30/11, ngoại trừ việc chỉ số chứng khoán tại HOSE quay đầu tăng nhẹ và thanh khoản sụt giảm mạnh do không còn những giao dịch thỏa thuận khối lượng lớn.
Trong bối cảnh ảm đạm chung của toàn thị trường, các động thái giao dịch thỏa thuận lớn thời gian gần đây đang cho thấy sàn niêm yết hiện chỉ là nơi để thực hiện những thu xếp, chuyển đổi quyền sở hữu hoặc các hoạt động ngầm mà rất ít nhà đầu tư đại chúng nào có thể tham gia hay xa hơn là hưởng lợi từ đó.
Ở một môi trường đầu tư như vậy, nhà đầu tư tiếp tục đứng ngoài thị trường, chuẩn bị sẵn sàng vị thế, đồng thời, chỉ nên thực sự tham gia trở lại khi những dấu hiệu rõ ràng và đáng tin cậy hơn xuất hiện.
Khó tích cực hơn
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 12 đã khép lại với diễn biến chung của thị trường vẫn khá xấu khi mà xu thế của các chỉ số chính trên cả hai sàn vẫn thiên về đi ngang, giằng co trong biên độ hẹp ngắn hạn.
Về yếu tố hỗ trợ, áp lực bán ra cũng phần nào được kiềm chế bởi thị trường đón nhận thông tin tốt về việc chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 11 lần đầu tiên vượt ngưỡng trung bình 50 điểm trong 14 tháng qua. Cùng với đó, khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh mua vào trong phiên này với giá trị mua ròng đạt gần 25 tỷ đồng đã góp phần hỗ trợ diễn biến của các chỉ số. Tuy vậy, những thông tin vĩ mô tích cực có khả năng cải thiện toàn diện tâm lý nhà đầu tư cũng như tạo bứt phá cho thị trường vẫn chưa xuất hiện. Điều này khiến cho kỳ vọng của nhà đầu tư sẽ khó có thể chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn trong những phiên tới.
Theo đó, với nhận định thị trường tiếp tục dao động trong biên độ hẹp, FPTS cho rằng giao dịch của nhà đầu tư lướt sóng trong giai đoạn này sẽ phải đối mặt với mức rủi ro cao. Việc mua vào chỉ nên được cân nhắc cho mục đích đầu tư giá trị hoặc theo chu kỳ dài hạn hơn.
Sẽ có phân hóa giữa bluechips
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Kết thúc phiên giao dịch 03/12, Vn-Index tăng 1,45 điểm (+0,38%) lên 379,27 điểm, HNX-Index giảm 0,01 điểm (-0.02%) xuống 51,04 điểm. Thanh khoản duy trì ở mức rất thấp. Khối lượng khớp lệnh chỉ đạt 17 triệu đơn vị trên HSX và 13 triệu trên HNX. Tổng giá trị khớp lệnh trên cả 2 sàn ở mức 280 tỷ đồng.
Đáng lưu ý là các giao dịch trên chủ yếu diễn ra trong đợt khớp lệnh ATC. Đây cũng là nguyên nhân chính giúp kéo chỉ số VN-Index tăng điểm vào cuối phiên, mặc dù trước đó chỉ số này đã duy tri giảm nhẹ trong phần lớn thời gian giao dịch. HNX-Index cũng được hưởng hiệu ứng này và hồi phục lên sát tham chiếu.
Hiện vẫn chưa có thêm thông tin nào hỗ trợ từ phía vĩ mô (như giảm lãi suất hay định hướng chính sách giải quyết nợ xấu v.v…), diễn biến thị trường nói chung vẫn là dao động đi ngang trong biên độ hẹp với thanh khoản rất thấp. Có thể thấy điểm tựa hiện tại cho thị trường đến từ khối nhà đầu tư nước ngoài là chính. BSI dự đoán sự phân hóa giữa các mã bluechip nhiều khả năng sẽ diễn ra mạnh trong thời gian tới khi các quỹ ETF tiến hành review lại danh mục đầu tư.
Giảm lãi suất chưa thể cải thiện tình hình
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Thông tin chỉ số PMI vượt mức trung bình 50 điểm trong tháng 11 và lên mức cao nhất trong vòng 14 tháng qua đã không đủ giảm bớt thận trọng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ngoại trừ sắc xanh của VN-Index, VDS chưa nhận thấy sự chuyển biến đáng lạc quan hơn trong tâm lý của nhà đầu tư, thể hiện qua biến động thanh khoản.
Về thông tin vĩ mô, cuộc họp bàn về vấn đề lãi suất giữa các cơ quan chức năng sẽ được tiến hành trong tuần này. VDS nhận thấy các điều kiện cần để thực hiện cắt giảm lãi suất đã hội đủ là lạm phát thấp – tỷ giá ổn định – thanh khoản hệ thống dồi dào. Tuy nhiên, VDS không chắc chắn về hiệu quả của lần giảm lãi suất (nếu có) tiếp theo này, do các nút thắt quan trọng khác của nền kinh tế vẫn chưa được tháo gỡ.
Do vậy, VDS không đánh giá cao sự hỗ trợ từ thông tin này đối với thị trường chứng khoán. Thay vào đó, VDS cho rằng các chỉ số sẽ chưa thể thoát khỏi kênh biến động hẹp hiện tại, và với quan điểm thận trọng, khuyến nghị nhà đầu tư chưa vội giải ngân trong giai đoạn hiện tại.
Mỹ Hà tổng hợp (Vietstock)
FFN
|