Góc nhìn 30/11: Thanh khoản là mấu chốt
Trong bối cảnh thanh khoản liên tục suy kiệt ở những phiên gần đây, các chuyên gia phân tích cùng chung nhận định thị trường sẽ tiếp tục giằng co và giảm điểm, đà rời của chỉ số chỉ tạm thời chững lại thôi.
Tăng điểm khá mong manh
Công ty TNHH Chứng khoán NH Đông Á (DAS): Phiên giao dịch ngày 29/11, thị trường có mức tăng nhẹ trên cả 2 sàn với thanh khoản tiếp tục sụt giảm ở mức kỷ lục. Đây là phiên tăng điểm đầu tiên sau 3 phiên giảm điểm tính từ đầu tuần. Tình hình chưa có dấu hiệu cải thiện thể hiện ở thanh khoản, giao dịch nhỏ giọt và dòng tiền không có dấu hiệu tham gia thị trường cho thấy tâm lý chờ đợi và ngại rủi ro đang chiếm lĩnh.
Trên HOSE, DAS cho rằng, thị trường sẽ khó có thể bật trở lại với sóng hồi kỹ thuật đủ T3 cho các nhà đầu tư tham gia nếu khối lượng giao dịch toàn thị trường trong phiên 30/11 không vượt qua 40 triệu cổ phiếu giao dịch thực tế. Tuy nhiên, DAS cũng kỳ vọng vào một sự dao động đi ngang hoặc xanh nhẹ của chỉ số trong phiên giao dịch cuối tuần do thông tin về khả năng giảm lãi suất trong thời gian tới.
Với HNX, DAS thiên nhiều về khả năng HNX-Index sẽ test lại đáy 50.3-50.6 đã thiết lập trong phiên 06/11 trước khi có diễn biến mới. Nhưng khả năng hồi phục ngắn hạn của chỉ số này là khá mong manh.
Rủi ro thị trường lớn
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Đà rơi của thị trường đã tạm thời chững lại trong phiên giao dịch ngày 29/11 với sắc xanh nhẹ của các chỉ số trên cả hai sàn HOSE và HNX. Mặc dù thanh khoản vẫn chưa có sự cải thiện song nỗ lực kéo giá xuất hiện tại các mã bluechips cùng với tác dụng hỗ trợ của vùng đáy cũ đã giúp cả hai sàn đảo chiều hồi phục trở lại.
Nhìn chung, xu thế thị trường vẫn đang khá yếu đã khiến cho diễn biến tăng-giảm của các chỉ số trở nên kém thuyết phục hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. FPTS nhận định, khả năng hỗ trợ của vùng đáy cũ kèm theo lực đỡ giá tại nhóm cổ phiếu dẫn dắt đã phát huy hiệu quả kìm hãm phần nào đà rơi của các chỉ số. Tuy vậy, trong bối cảnh động lực tích cực giúp duy trì đà tăng điểm vẫn chưa xuất hiện thì kịch bản giảm sâu của các chỉ số vẫn cần được lưu ý , đặc biệt là khi thanh khoản liên tục duy trì trạng thái suy kiệt trong nhiều phiên trở lại đây.
Theo đó, với nhận định rủi ro thị trường trong giai đoạn này vẫn đang ở mức rất cao, FPTS khuyến nghị nhà đầu tư nên tranh thủ các phiên hồi phục để tiếp tục giảm bớt tỷ lệ cổ phiếu trong danh mục hoặc đứng ngoài quan sát để có thể bảo toàn nguồn vốn.
Giằng co thanh khoản thấp
CTCP Chứng khoán MB (MBS): VN-Index và HNX-Index có phiên tăng nhẹ hiếm hoi sau chuỗi giảm giá liên tục trong thời gian qua. Tuy vậy, thanh khoản trên hai sàn sụt giảm mạnh.
Trái ngược với thanh khoản giảm, mức tăng của các cổ phiếu trên hai sàn lại vượt trội hẳn so với phiên kề trước. HOSE có tới 113 mã tăng giá và chỉ có 82 mã giảm giá, HNX có 91 mã tăng trên 98 mã giảm. Các cổ phiếu thuộc VN30 và HN30 đều tăng giá khá tích cực. SSI có mức tăng nhẹ 1.4%, nhưng đây là phiên tăng giá thứ 2 liên tiếp của SSI, thanh khoản SSI cũng vẫn duy trì tốt so với phiên 28/11 với hơn 688,000 cp khớp lệnh. Trong bối cảnh thị trường sụt giảm mạnh về thanh khoản, thì KLGD của SSI duy trì được là điều rất đáng ghi nhận.
Nhìn chung hai sàn giao dịch khá trầm lắng với biên độ giao động giá không lớn, chưa làm thay đổi xu hướng chung của thị trường. Vì thế, rất có thể đây chỉ là đợt phục hồi ngắn hạn sau chuổi giảm giá giai đoạn vừa qua, điều này khiến phiên giao dịch 30/11 tiếp tục giằng co với thanh khoản thấp.
Giằng co giảm điểm
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Thị trường đã xuất hiện nhịp hồi phục trong phiên 29/11, tuy nhiên VDS cho rằng nhịp hồi kém thuyết phục khi thanh khoản giảm về mức rất thấp, giá trị khớp lệnh cả hai sàn chỉ đạt khoảng 253 tỷ đồng. Lực cầu yếu trong khi đó áp lực bán khá mạnh ở một số mã đầu cơ, nhà đầu tư trong trạng thái tâm lý thận trọng trong khi khối nhà đầu tư nước ngoài trở lại hoạt động mua bán bình thường sau phiên giao dịch thỏa thuận sôi động của phiên liền kề.
Thị trường hoàn toàn có thể giằng co giảm điểm trở lại trong phiên cuối tuần với tâm lý đầu tư như trên, khả năng phục hồi của các chỉ số đang rất yếu và VDS cho rằng các thông tin liên quan đến khả năng giảm thêm 1% lãi suất điều hành sẽ không giúp ích được nhiều cho tâm lý nhà đầu tư trong điều kiện hiện nay.
Chờ đợi tín hiệu thanh khoản
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Thị trường vẫn thiếu vắng thông tin hỗ trợ, thanh khoản thấp cùng với đà tăng còn khiêm tốn. Phiên hồi phục 29/11 được BSI đánh giá chưa mang lại tín hiệu mới về xu thế.
Nhà đầu tư nên theo dõi thêm tín hiệu thị trường trong các phiên tiếp theo, đặc biệt là về tín hiệu về thanh khoản. Nếu thanh khoản vẫn không được cải thiện, nhiều khả năng đà hồi phục 29/11 chỉ mang tính kỹ thuật ngắn hạn.
Có thêm phiên hồi nhẹ
CTCP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS): Với những diễn biến khá tích cự từ phiên trước kết hợp với thông tin về việc giảm lãi suất huy động từ mức trần 9% hiện tại về 8% giúp VN-Index tăng mạnh ngay từ đầu, chấm dứt được chuỗi giảm giá 6 phiên liên tiếp.
Cho dù tăng điểm nhưng nhìn trên đồ thị realtime, chỉ số VN-Index vẫn bị tác động rất mạnh từ cổ phiếu vốn hóa lớn. Tâm lý được cải thiện nhưng sức mua được đánh giá vẫn còn khá yếu và rất nhiều mã tăng điểm đã gặp lực cung khá mạnh.
Trong khi đó, HNX-Index tiếp tục tăng nhẹ với khối lượng thấp. Cổ phiếu ACB có tác động rất lớn tới chỉ số, gần như ACB xanh thì HNX-Index xanh và ngược lại. Số mã tăng điểm 29/11 chiếm lượng lớn hơn số mã giảm giá rất nhiều, mã đứng giá gần như tương đồng với phiên trước đó.
Với tâm lý như trên, khả năng thị trường sẽ tiếp tục một phiên hồi phục nhẹ nữa. Một số cổ phiếu có tin tốt như FCN, BHS... nhiều khả năng sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ không kéo dài lâu và thị trường sẽ có những diễn biến khác vào tuần tới nếu thông tin tích cực không có.
Mỹ Hà tổng hợp (Vietstock)
FFN
|